‘Chủ tịch rác’ kể chuyện tình hi hữu và đám cưới chỉ tốn một con heo
Thứ ba, 01/11/2022 05:00
‘Chủ tịch rác’ kể chuyện tình hi hữu và đám cưới chỉ tốn một con heo
Duyên phận
Bắt đầu công việc thu gom rác thải từ năm 1978, ông Tống Văn Thơm (74 tuổi, TP.HCM) được biết đến với danh xưng “chủ tịch rác”, “vua tái chế rác” và “hiệp sĩ đường phố”.
Xuất hiện tại chương trình Tình trăm năm, "vua tái chế rác" đem đến chuyện tình đặc biệt của mình với bà Nguyễn Ngọc Đào (67 tuổi), người đã gắn bó cùng ông suốt hơn 50 năm qua. Chuyện tình của họ cũng bắt đầu từ những lần đi thu gom rác thải.
Ông Thơm gặp vợ khi mới 17 tuổi. Thời điểm đó, ông vừa nghỉ làm ở công ty cũ vì bệnh sốt rét. Thất nghiệp, ông ra vỉa hè ngồi vá xe mưu sinh.
Thấy rác thải trên đường chất thành đống gây ô nhiễm, ông vận động những hộ gia đình gần đó xử lý, giải tỏa bãi rác tự phát. Sau đó, ông nhận thu gom, xử lý rác cho các gia đình ở đây với giá 50 xu/hộ.
Khi ấy, bà Đào cũng là nhân viên vệ sinh môi trường. Hàng ngày, bà kéo chiếc xe bò trên đường đi quét rác, làm sạch vỉa hè. Một lần, hình ảnh cô gái có thân hình bé nhỏ, lúi húi kéo chiếc xe rác bằng gỗ nặng trịch đi quét đường khiến ông Thơm chú ý.
Ông Thơm kể: “Tôi thấy bà ấy người nhỏ nhắn nhưng phải kéo chiếc xe bò chở rác nặng nề đi quét đường thì thương lắm. Thấy tội, tôi chạy ra giúp. Sau mấy lần như thế, tôi bắt chuyện hỏi địa chỉ nhà để qua chơi”.
Trước khi quen biết ông Thơm, bà Đào cũng chưa quen biết ai. Bà cũng chưa từng nghĩ đến chuyện yêu đương, lấy chồng. Mỗi khi được bạn khác giới tán tỉnh, làm quen bà lại đáp “chỉ quen biết thôi chứ đừng bao giờ nghĩ đến chuyện trăm năm”.
Vậy mà sau khi gặp ông Thơm một thời gian, bà lại rung động. Ít lâu sau, bà quyết định lấy ông vì thấy ông siêng năng, hiền lành dù chưa một lần được ngỏ lời yêu thương.
Ông Thơm kể: “Từ lúc quen đến bây giờ, tôi chưa một lần nói lời tỏ tình hay yêu thương với bà ấy. Lúc đó, tôi thấy thương bà ấy quá nên tìm sang nhà chơi. Gặp mẹ bà ấy, tôi nói ngay: “Con thấy Đào dễ thương và cực khổ quá. Nếu bác thương con, bác cho con cưới Đào nha”.
Tôi cũng nói rõ luôn là tôi rất nghèo để bà cụ biết trước. Thế mà khi nghe xong, bà cụ nói ngay: “Tao có một bầy con để lo. Nếu mày quản được Đào thì tao cho mày luôn đó. Mày muốn làm sao thì làm". Mừng quá, tôi về nhà gọi ba mẹ lên để bàn chuyện cưới vợ”.
Nghe tin con trai lập gia đình, cha mẹ ông Thơm vui lắm. Thế nhưng nhà nghèo quá, ông bà cũng từ quê lên TP.HCM mừng cưới con bằng tay không. Ông Thơm lúc đó mới đi làm chưa tích góp được gì nên cũng "chẳng khác nào kẻ trắng tay".
Ngoài nuôi được con heo chưa đầy chục ký, nhà ông không còn gì đáng giá để có thể đem bán lấy tiền cưới vợ. Dẫu vậy, ông vẫn quyết cưới cô gái mình thương yêu. Trong khi đó, dẫu biết ông Thơm nghèo khó, bà Đào vẫn chấp nhận về làm vợ, không một tiếng than van, chê bai.
Tình nghèo có nhau
Ông Thơm nhớ lại: “Lúc đó, tôi nghèo lắm. Tôi báo cho cha mẹ biết mình sắp lấy vợ nhưng ông bà cũng nghèo quá nên chẳng cho được gì. Quay quay đi quay lại, nhà chỉ có mỗi con heo bé tẹo là đáng giá.
Thế là tôi thịt con heo, làm được 7 món để mời bà con, hàng xóm đến chung vui một bữa gọi là lễ cưới. Chúng tôi cưới nhau, thành vợ thành chồng mà không có nhẫn cưới, áo dài khăn đóng gì hết”.
Cưới xong, ông Thơm vừa đi thu gom rác cho các hộ dân vừa phụ vợ quét đường. Một năm sau, ông bà đón đứa con đầu lòng. Đó cũng là lúc ông Thơm chất thêm những khó khăn lên vai.
Có con mọn, những lúc bà Đào vào ca quét đường, ông Thơm phải thay vợ ông vừa giữ con vừa vá xe đạp, đi gom rác để có tiền trang trải. Nghèo túng, có lúc ông phải nấu cháo, chắt lấy nước cho con bú thay sữa.
Để chăm lo cuộc sống, vợ chồng ông Thơm cật lực mưu sinh. Cả hai lam lũ đến nỗi gần như không có thời gian để nói lời yêu thương hay giận hờn. Ban ngày, ông Thơm đi gom rác. Khi ông về đến nhà, bà Đào ra đường quét rác.
Công việc dồn đuổi khiến vợ chồng ông không có được những thăng hoa trong tình yêu, đời sống hôn nhân. Dẫu vậy, ông bà vẫn chưa bao giờ có ý định bỏ nhau tìm người mới dù đôi lúc cũng xảy ra lục đục, bất hòa.
Ông Thơm chia sẻ: “Bà ấy ít khi nói chuyện ngọt ngào với tôi lắm. Biết tính vợ, tôi tìm cách tránh làm những điều khiến bà ấy buồn. Mỗi khi bà ấy giận, to tiếng, tôi tìm cách lảng đi nơi khác. Đến khi vợ bình tĩnh, tôi mới xuất hiện, phân tích đúng sai để cả hai hiểu nhau”.
“Bí quyết” này khiến phần lớn cuộc hôn nhân hơn 50 năm của ông bà trôi qua êm ả. Suốt chừng ấy năm, bà Đào dẫu không được chồng nói lời yêu thương nhưng cũng chưa từng phải rơi nước mắt vì không hạnh phúc.
Có chăng, bà chỉ khóc vì trót đeo mang cái nghề buộc mình phải bươn chải ngoài đường trong lúc người khác đang ở nhà vui vầy cùng người thân. Nhắc đến nghề, bà Đào bất chợt rơi nước mắt.
Bà tâm sự: “Tôi đi làm vào ban đêm và mấy chục năm qua chưa bao giờ biết đón Giao thừa. Đêm trước Tết, đi làm thấy người ta đốt pháo, đón Giao thừa, tôi tủi thân lắm cứ vừa đẩy xe đi vừa khóc. Không chỉ Giao thừa, mấy chục năm nay, tôi cũng chưa bao giờ được về chúc Tết ba mẹ vào ngày đầu năm mới”.
Thấy vợ khóc, ông Thơm không giấu được nỗi xót xa. Suốt mấy chục năm qua, mỗi lần bà Đào khóc vì tủi thân, ông đều chứng kiến và tìm cách an ủi, động viên vợ.
Cuối chương trình, ông Thơm gửi đến vợ bức thư chất chứa những điều bấy lâu ông giấu kín trong lòng. Thư có đoạn: “Đào em thương. Từ ngày quen biết em đến ngày đám cưới của anh và em, anh chưa một lần tỏ tình, tâm sự yêu thương. Anh chỉ biết để trong lòng.
Hôm nay, anh có bức thư này để nói lên tất cả những gì anh muốn nói từ lâu... Thời gian tuổi già, anh luôn thương và yêu em như thuở ban đầu mới gặp nhau”.
Sau bức thư, ông bất ngờ tặng vợ chiếc nhẫn và đeo vào tay bà, điều ông chưa làm được ở ngày cưới. Cuối cùng, ông nắm tay vợ, gửi lời yêu thương: “Bây giờ mình có tuổi rồi, con cái cũng lớn hết rồi. Mong bà cùng tôi nắm tay nhau sống suốt một đời để con cái vui lòng. Thật lòng tôi rất thương bà”.