17 ao nuôi ‘báu vật’ giúp người đàn ông miền Tây trở thành tỷ phú
Thứ năm, 05/10/2023 06:01
17 ao nuôi ‘báu vật’ giúp người đàn ông miền Tây trở thành tỷ phú
Nhìn về 17 ao nuôi tôm công nghệ cao, với diện tích 10ha, anh Ngô Văn Đệ (46 tuổi, ngụ xã Long Khánh, huyện Duyên Hải, Trà Vinh) tự hào với quá trình trở thành tỷ phú miền Tây.
Anh kể, năm 2007, gia đình anh thuê xáng cuốc đào ao nuôi tôm bán thâm canh trong diện tích 6ha. Nhưng giống như bao nông dân khác ở xứ Trà Vinh, anh Đệ thất bại vì dịch bệnh, giá cả bấp bênh.
Từng học ngành thú y tại trường trung cấp Kỹ thuật Kinh tế Cần Thơ với mong ước ra trường tìm được một công việc phù hợp. Thế nhưng, cuộc đời anh lại rẽ sang hướng khác. Anh đi theo con đường lập nghiệp với một công việc ít liên quan đến ngành học và đầy khó khăn.
“Sau khi ra trường, tôi đi làm thú y được 1 năm nhưng thu nhập thấp quá nên nghỉ. Lúc đó, tôi được một người anh rủ nuôi tôm. Thấy nuôi tôm cho thu nhập tốt, sau nhiều lần suy tính, tôi đánh liều một phen, mạnh dạn đầu tư vốn. Từ đó, tôi quyết tâm đi theo con đường làm giàu bằng nuôi tôm”, anh chia sẻ.
Quá trình làm việc, tích lũy kinh nghiệm về nuôi tôm, 3 năm sau, anh quyết định nuôi tôm thẻ chân trắng mật độ cao, trong diện tích 2ha.
Thật may, với hơn 2ha nuôi tôm, anh thắng lớn khi tôm khỏe, kinh tế gia đình khá lên.
Có đà, anh Đệ mở rộng mô hình nuôi tôm công nghiệp. “Tuy nhiên, tôi chưa hài lòng với giá trị và giá thành con tôm đem lại. Bởi vậy, năm 2015, tôi bàn với gia đình đầu tư xây dựng ao nuôi công nghệ cao, nuôi mật độ cao; dịch bệnh, thức ăn, nguồn nước… đều được xử lý trên công nghệ, nên vụ nào cũng có lãi từ 1 - 4 tỷ đồng, mỗi năm thu về từ 8-9 tỷ đồng”, anh Đệ chia sẻ.
Giải thích kỹ hơn về quy trình nuôi tôm công nghệ cao, anh Đệ cho rằng yếu tố quan trọng nhất là nguồn nước.
Anh Đệ nói thêm, nuôi tôm công nghệ cao kiểm soát được lượng thức ăn, môi trường và cả sức khỏe con tôm theo hệ thống hoàn toàn tự động. Do không ô nhiễm môi trường nên không gây tổn hại đến sức khỏe con người, đặc biệt là nhân công đang làm việc trong khu nuôi.
Mật độ nuôi tôm trong các ao của anh là từ 200-300 con/m2, trong khi nuôi theo cách truyền thống từ 50 đến dưới 100 con/m2.
Với 17 ao nuôi tôm công nghệ như hiện nay, anh Đệ đang giúp đỡ 40 công nhân có việc làm với thu nhập từ 7-10 triệu đồng/tháng.
Do mô hình nuôi tôm công nghệ cao có hiệu quả nên 2019, anh Đệ được ngành chức năng địa phương vận động làm chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp Long Khánh. Đến nay, hợp tác xã có 60 xã viên nuôi tôm công nghệ cao và đều đạt hiệu quả cao. Trong đó, có 12 xã viên đã thoát nghèo bền vững.
Anh Đệ còn kinh doanh thức ăn thủy sản, hỗ trợ trả chậm cho hơn 250 hộ nuôi tại địa phương với hơn 100 tỷ đồng.