Loạt ‘ông lớn’ bất động sản Vinhomes, Novaland kiến nghị gì trước Thủ tướng?
Thứ sáu, 17/02/2023 11:35
Loạt ‘ông lớn’ bất động sản Vinhomes, Novaland kiến nghị gì trước Thủ tướng?
Chủ tịch Vinhomes: Nếu không có giải pháp kịp thời, DN phải đóng cửa, phá sản
Ông Phạm Thiếu Hoa, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Vinhomes phản ánh, thị trường bất động sản hiện nay có những vướng mắc nổi cộm về thủ tục pháp lý, dòng vốn tín dụng hạn chế, nguồn cung nhà ở khan hiếm, cung cầu lệch pha, trái phiếu doanh nghiệp không phát hành được.
Trong khi đó, bất động sản là lĩnh vực quan trọng liên quan đến nhiều ngành sản xuất, kinh doanh, có ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến cuộc sống của người lao động, đem lại nguồn thu rất lớn cho ngân sách nhà nước…
“Hiện nhu cầu sở hữu nhà của người dân còn rất lớn và tương lai còn tiếp tục tăng cao hơn nữa. Tuy vậy, nguồn cung lại quá thấp, chưa đáp ứng được thị trường. Trong khi đó, khả năng đáp ứng của doanh nghiệp lại có hạn. Nếu khó khăn tiếp tục kéo dài mà không có những giải pháp kịp thời thì nhiều doanh nghiệp bất động sản sẽ phải đóng cửa, phá sản, nguồn cung trên thị trường đã thiếu lại còn thiếu hơn”, ông Hoa nêu.
Chủ tịch Vinhomes đề nghị Chính phủ, các bộ ngành, Ngân hàng Nhà nước cùng chung tay, giúp sức nhằm hồi phục thị trường bất động sản, mang lại lợi ích lâu dài cho người dân, nhà nước, doanh nghiệp.
Novaland mong muốn được hỗ trợ về cơ chế
Trong khi đó, ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn địa ốc Nova (Novaland) kiến nghị Quốc hội và Chính phủ xem xét chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản, nhất là hỗ trợ về cơ chế.
Cụ thể, ông Nhơn kiến nghị, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước ban hành một quy định cho phép các ngân hàng giãn, hoãn và giữ nguyên nhóm nợ cho các dự án bất động sản từ 2-3 năm để giúp các doanh nghiệp có thời gian chờ thị trường hồi phục và hoàn thiện pháp lý dự án.
Điều này nhằm phòng tránh 10-20% dư nợ của nền kinh tế bị chuyển sang nợ xấu.
Doanh nghiệp cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tháo gỡ pháp lý tận gốc cho các dự án của các doanh nghiệp trên cả nước, bởi ách tắc này đã kéo dài rất nhiều năm nhưng chưa được giải quyết.
Đại diện Novaland mong muốn người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo chọn khu đô thị vệ tinh Aqua City tại tỉnh Đồng Nai làm dự án thí điểm để Tổ công tác của Thủ tướng cùng địa phương tháo gỡ khó khăn và thời gian tháo gỡ trong 1 tháng.
“Hiện tại, Novaland đang còn 25.000 tỷ đồng bị phong toả tại các ngân hàng thương mại. Trong đó, theo các điều kiện cấp tín dụng, khoảng hơn 10.000 tỷ đồng sẽ đủ điều kiện để giải toả khi Novaland hoàn thiện một số thủ tục pháp lý. Nếu trong vòng 1-2 tháng tới, vấn đề này được giải quyết thì Novaland sẽ có nguồn vốn để hoạt động bình thường", ông Nhơn nói.
Theo vị này, lãi suất từ cuối năm ngoái tăng khá nhanh, có khoản vay lãi suất đã tăng gần 30%. Nếu mức tăng này tiếp tục duy trì thì dự án đang ở mức lãi suất cũ sẽ thành lỗ ở mức lãi suất mới.
Do đó, doanh nghiệp mong muốn Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước cũng như các ngân hàng thương mại có biện pháp để giảm mặt bằng lãi suất huy động, qua đó nhanh chóng giảm lãi suất cho vay phục hồi thị trường.
Với vấn đề trái phiếu doanh nghiệp, theo ông Nhơn, việc sửa đổi Nghị định 65 đã soạn thảo từ đầu tháng 12/2022 nhưng đến nay vẫn chưa được ban hành. Ông cho rằng các nội dung trong dự thảo nếu được ban hành sẽ góp phần tháo gỡ rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, cũng như thị trường trái phiếu.
"Không chỉ doanh nghiệp bất động sản mà các ngân hàng thương mại và người dân là các trái chủ đều mong các nội dung sửa đổi này được ban hành sớm”, ông Bùi Thành Nhơn nói thêm.
"Cần dự lệnh về tín dụng trước khi ra động lệnh"
Liên quan đến ngân hàng, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Công ty CP Đầu tư Bất động sản Toàn Cầu (GP.Invest) kiến nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho phép sử dụng tài sản hình thành trong tương lai của chính dự án xin vay làm tài sản đảm bảo nếu phương án có hiệu quả mà không phải sử dụng tài sản đảm bảo độc lập khác.
Ông cũng đề nghị NHNN chỉ đạo xem xét lại hệ số rủi ro khi đánh giá các khoản vay bất động sản cho từng trường hợp cụ thể tuỳ thuộc vào tín nhiệm của từng khách hàng, từng dự án mà không đánh giá hệ số rủi ro đồng loạt 200%.
“Với bất động sản nói chung, tín dụng vẫn là "nguồn sữa" chính cho các doanh nghiệp nên chúng tôi kính đề nghị cần có "dự lệnh" trước khi ra "động lệnh" để tránh những khó khăn đột ngột cho doanh nghiệp. Kiến nghị NHNN có biện pháp chỉ đạo để hạ lãi suất sớm nhất”, ông Hiệp nói.
Vừa qua Thủ tướng đã quyết định thành lập Tổ công tác đặc biệt để tháo gỡ khó khăn, ông Hiệp đề nghị Thủ tướng giao thẩm quyền cho Tổ công tác yêu cầu các địa phương phải tập hợp cập nhật báo cáo những dự án bị chậm, nêu nguyên nhân cụ thể và đề xuất hướng giải quyết để Tổ công tác xử lý.
Về trái phiếu riêng lẻ của doanh nghiệp, theo ông Hiệp, cần thiết phải cho gia hạn các trái phiếu để giảm bớt áp lực dòng tiền thanh toán cho các công ty phát hành, bên cạnh biện pháp cho hoán đổi nợ trái phiếu bằng tài sản, bất động sản của công ty phát hành.
Tuy nhiên, theo dự thảo của Nghị định 65 sửa đổi, việc không quy định lượng trái phiếu được phép phát hành so sánh với vốn chủ sở hữu hoặc tài sản hiện có của doanh nghiệp có thể là một điều cần cân nhắc thêm, đồng thời cần phải xem xét đến trách nhiệm của ngân hàng và công ty môi giới gắn với các công ty phát hành để hạn chế những rủi ro có thể xảy ra cho thị trường tài chính như thời gian vừa qua.
Cũng theo ông Hiệp, hiện nay thị trường đang thiếu hụt sản phẩm nhà ở xã hội và nhà ở thương mại ở mức giá hợp lý. Nếu giải quyết được việc cho chuyển đổi các dự án có "đất khác" sang đất ở thì bài toán cung – cầu sẽ được sớm giải quyết. Ngoài ra, cần tập trung đẩy mạnh việc cải tạo chung cư cũ và có kế hoạch cụ thể cho chương trình phát triển nhà ở xã hội.
Nhà ở cao cấp tại TP.HCM chiếm 78,2%?Tại hội nghị, dẫn báo cáo của Sở Xây dựng TP.HCM, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho hay, hiện tượng lệch pha cung cầu nhà ở thể hiện rất rõ, khi nhà ở cao cấp tại TP.HCM chiếm 78,2%, còn lại là nhà ở trung cấp.
Cụ thể, nói về mất cân đối cung cầu của thị trường bất động sản, ông Châu cho hay, với TP.HCM, từ năm 2017 đến nay, số lượng nhà đưa ra thị trường giảm liên tục, năm 2017 gần 43.000 căn, mỗi năm giảm 20%, đến năm 2021, số lượng nhà ở đưa ra thị trường chỉ còn 13.000, năm 2022 chỉ còn hơn 12.000 căn, giảm liên tục và có hiện tượng lệch pha cung cầu, cơ cấu sản phẩm.
Theo ông Châu, có 2 vướng mắc lớn nhất của thị trường bất động sản hiện nay: Thứ nhất là vướng mắc pháp lý, chiếm đến 70% khó khăn. Thứ 2 là về tiếp cận nguồn vốn.