Nhà 20 triệu/m2, lãi vay 8,2%, có vừa túi tiền người thu nhập thấp?
Thứ năm, 06/04/2023 07:05
Nhà 20 triệu/m2, lãi vay 8,2%, có vừa túi tiền người thu nhập thấp?
Đang có nhu cầu về nhà ở, vợ chồng chị Thu Hồng (Thái Bình) tìm hiểu dự án nhà xã hội tại đường Tố Hữu, phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm. Dự án này có giá bán hơn 19,5 triệu đồng/m2 (đã bao gồm thuế VAT, chưa có chi phí bảo trì). Chủ đầu tư đang thu hồ sơ.
Theo chị Hồng, với căn hộ có diện tích nhỏ nhất tại dự án là 69,9m2, tương đương gần 1,4 tỷ đồng. Vợ chồng chị tiết kiệm được gần 600 triệu đồng, phải vay thêm hơn 800 triệu đồng.
“Với mức lãi suất cho vay mua nhà ở xã hội của gói 120.000 tỷ đồng là 8,2%/năm, nếu vay trong vòng 5 năm, trả trên dự nợ giảm dần, trung bình mỗi tháng vợ chồng tôi phải trả hơn 15 triệu đồng. Trong khi đó, tổng thu nhập chỉ 20 triệu đồng/tháng. Vừa nuôi con nhỏ, thuê nhà, sinh hoạt hàng ngày, gia đình sẽ không thể đủ trang trải”, chị Hồng tính toán.
Chia sẻ với PV VietNamNet, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho hay, dự án nhà ở xã hội vừa công bố giá bán gần 20 triệu đồng/m2 do nằm ở vị trí khá đắc địa.
Nhưng với mức giá bán đó, theo ông Đính, chắc chắn là khó với những người thu nhập thấp.
“Mặc dù mức giá trên 1 tỷ đồng/căn so với mặt bằng chung ở Hà Nội là rẻ, thế nhưng đối với những người dân thu nhập thấp, vẫn là gánh nặng. Bởi lẽ, người dân có thể chỉ có 300-500 triệu đồng, còn lại phải vay ngân hàng”, ông Đính nói.
Cũng theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, nếu trước đây giá bán nhà xã hội chỉ khoảng 15-16 triệu đồng/m2, người dân sẽ chỉ phải vay khoảng 500 triệu đồng là đủ, thì với mức giá 20 triệu đồng/m2, họ phải vay cả tỷ đồng.
“Với mức lãi suất cho vay ưu đãi dự kiến thì hàng tháng người dân vẫn phải trả ngân hàng cả chục triệu đồng. Đó sẽ là gánh nặng đối với người có thu nhập thấp khi mức lương cả hai vợ chồng chỉ khoảng 20 triệu đồng/tháng”, ông Đính đánh giá.
Do đó, theo ông Đính, Nhà nước cần có hỗ trợ nhiều hơn, nhất là quy hoạch về nhà ở xã hội nên tạo ra khu vực quỹ đất riêng, tạo khu vực đồng bộ ở những vùng có nhiều người lao động, công nhân… để tạo ra quỹ nhà đồng bộ vừa đảm bảo chất lượng, và có mức giá phù hợp với người thu nhập thấp.
Bên cạnh đó, ông Đính cho rằng, mức lãi suất cho vay đối với những đối tượng thu nhập thấp mua nhà ở xã hội cần phù hợp, có thể tương đương như gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng trước đây. Còn mức lãi suất cao hơn thì rất khó cho người thu nhập thấp.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA) cũng đánh giá, mức lãi suất 8,2%/năm đối với người mua nhà ở xã hội vẫn rất cao so với lãi suất vay ưu đãi 5%/năm áp dụng cho năm 2023 đối với người mua nhà ở xã hội được quy định tại quyết định số 2081/QĐ-NHNN ngày 12/12/2022 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
Đồng thời, theo ông Châu, với quy định áp dụng mức lãi suất cho vay trong thời gian ưu đãi là 5 năm; lãi suất cho vay khi hết thời gian ưu đãi thì Ngân hàng thương mại và khách hàng tự thỏa thuận, thống nhất có thể dẫn đến rủi ro cho người vay.
“Thời gian ưu đãi 5 năm là quá ngắn, không phù hợp với bản chất của chính sách tín dụng ưu đãi về nhà ở xã hội là cần được vay với lãi suất thấp và trong thời hạn dài, như Luật Nhà ở 2014 quy định thời hạn vay ưu đãi tối đa 25 năm”, ông Châu nói.
Lo ngại khi hết thời gian ưu đãi, người mua nhà ở xã hội phải vay với lãi suất thương mại bình thường sẽ là “gánh nặng” cho người vay là đối tượng thu nhập thấp, công nhân lao động, Hiệp hội đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét để hoàn thiện cơ chế này cho hợp lý hơn.