Xôn xao đại gia địa ốc nhảy vào thâu tóm khu ‘đất vàng’ trung tâm
Thứ bảy, 07/01/2023 06:02
Xôn xao đại gia địa ốc nhảy vào thâu tóm khu ‘đất vàng’ trung tâm
Cuối tháng 11/2022, Adani Realty, công ty bất động sản của tập đoàn Adani đã trúng gói thầu xây dựng lại khu ổ chuột Dharavi. Đây là khu vực đắc địa, nằm ở trung tâm Mumbai (Ấn Độ).
Mỗi sáng, Asha, giáo viên, 27 tuổi sống ở Ấn Độ thức dậy từ tờ mờ sáng để giúp người mẹ tàn tật vượt qua hàng dài người xếp hàng bên ngoài nhà vệ sinh công cộng ở Dharavi, trung tâm Mumbai. Đây là khu ổ chuột lớn nhất châu Á, có 1,1 triệu người nghèo sống chen chúc trong hơn 120.000 căn nhà lụp xụp, trong những con hẻm chật chội, ngoằn ngoèo như mê cung.
"Tất cả những gì tôi muốn từ tái phát triển khu vực này là nhà mới có nhà vệ sinh", Asha bày tỏ mong muốn.
Điều đáng nói là trước đây từng có những cuộc đấu thầu để tái phát triển khu vực ổ chuột đông đúc này, nhưng đâu lại vào đó. Cho nên khi nghe tin về việc Công ty Adani sẽ tái phát triển lại Dharavi, nhiều cư dân tỏ ra hoài nghi.
Ashwin Mane, một cư dân địa phương cho biết: “Các cuộc đấu thầu tái phát triển đã được đưa ra nhiều lần trước đó nhưng không có gì xảy ra. Đây là lần đầu tiên có người thực sự trúng thầu. Tuy nhiên, chúng tôi còn nhiều điều chưa hiểu".
Tập đoàn Adani cho hay, đây là dự án đổi mới đô thị lớn nhất thế giới. Việc này giúp phá bỏ các căn nhà xập xệ và xây dựng chỗ ở cho 650.000 cư dân trong 7 năm. Dự án sẽ được bao phủ trên khu đất rộng 2,4km2.
Sau khi hoàn tất, mỗi cư dân khu ổ chuột này sẽ được nhận một căn nhà có diện tích gần 40m2. Hơn một triệu mét vuông nhà ở dự kiến sẽ được xây dựng ở Dharavi trong 17 năm tới. Trong đó, 70-80 nghìn mét vuông sẽ được xây dựng để làm nơi ở cho cư dân đang sống tại khu ổ chuột và phần còn lại sẽ được rao bán ra thị trường.
Là một trong những khu ổ chuột đông đúc nhất ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Dharavi cũng là nơi có một số ngành công nghiệp quy mô nhỏ như sản xuất da, giày dép và quần áo.
Khu ổ chuột Dharavi ra đời từ năm 1884. Đây là nơi mà những người Ấn Độ ở vùng nông thôn di cư lên Mumbai sẽ sinh sống. Tại một thành phố có giá thuê nhà vào hàng cao nhất thế giới, Dharavi cung cấp một lựa chọn vừa túi tiền cho những người chuyển đến Mumbai để kiếm sống.
Từ năm 1950, các đề xuất về tái phát triển khu Dharavi đã được đưa ra. Tuy nhiên, các kế hoạch này thất bại vì thiếu tiền hoặc sự hỗ trợ từ chính quyền. Theo các ước tính trước đây, nếu biến khu vực này thành khu đô thị hiện đại với các khu mua sắm, nhà ở, văn phòng, bệnh viện thì tiêu tốn khoảng 2,1 tỷ USD.
Quang Anh (Theo Hindu/Indiatimes)