18 ngành định kỳ luân chuyển vị trí công tác để chống tham nhũng
Chủ nhật, 02/04/2023 10:44
18 ngành định kỳ luân chuyển vị trí công tác để chống tham nhũng
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong vừa ký văn bản gửi Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn để trả lời kiến nghị cử tri liên quan đến quy định cụ thể danh mục và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác theo khoản 1 Điều 36 Nghị định 59.
Trả lời cử tri, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, Luật Phòng chống tham nhũng quy định người có chức vụ, quyền hạn làm việc tại một số vị trí liên quan đến công tác tổ chức cán bộ, quản lý tài chính công, tài sản công, đầu tư công, trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân khác phải được chuyển đổi vị trí công tác.
Thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác là từ đủ từ 2 năm đến 5 năm theo đặc thù của từng ngành, lĩnh vực.
Luật Phòng chống tham nhũng đã giao Chính phủ quy định chi tiết vị trí công tác phải chuyển đổi và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác tại các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chính quyền địa phương.
Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cơ quan trung ương của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội quy định chi tiết vị trí công tác phải chuyển đổi và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với người có chức vụ, quyền hạn thuộc thẩm quyền quản lý của mình.
Căn cứ quy định trên, Chính phủ đã ban hành Nghị định 59 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng chống tham nhũng quy định các vị trí công tác phải chuyển đổi trong 18 ngành, lĩnh vực.
Vị trí công tác phải định kỳ chuyển đổi như kế toán, mua sắm công, phân bổ ngân sách. Đối với lĩnh vực thanh tra vị trí định kỳ chuyển đổi đó là cán bộ làm công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng của cơ quan, tổ chức, đơn vị; Công chức được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành.
Lĩnh vực tổ chức cán bộ các vị trí phải định kỳ luân chuyển là thẩm định nhân sự để trình cấp có thẩm quyền bổ nhiệm, điều động, luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; Tổ chức tuyển dụng công chức, viên chức; thi nâng ngạch công chức, viên chức; thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức.
Vị trí phải định kỳ luân chuyển trong lĩnh vực xây dựng là cấp giấy phép, thẩm định dự án, quản lý quy hoạch. Cán bộ định kỳ phải luân chuyển vị trí trong lĩnh vực giao thông là giám định kỹ thuật, quản lý các công trình giao thông; Đăng kiểm các loại phương tiện giao thông; Sát hạch, cấp phép cho người điều khiển phương tiện giao thông...
Chính phủ giao Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ có trách nhiệm quy định cụ thể danh mục và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác trong cơ quan, tổ chức, đơn vị và thuộc phạm vi quản lý theo ngành, lĩnh vực tại chính quyền địa phương để tổ chức thực hiện.
Tuy nhiên, danh mục vị trí nêu trên chỉ là quy định chung. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ có trách nhiệm quy định cụ thể danh mục và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác của cơ quan, đơn vị mình theo nguyên tắc: Thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác là từ đủ 2 năm đến 5 năm theo đặc thù của từng ngành, lĩnh vực.
Đối với Thanh tra Chính phủ, cơ quan này đã ban hành Thông tư 03 quy định chi tiết danh mục và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác tại Thanh tra Chính phủ và vị trí công tác trong các lĩnh vực thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng tại chính quyền địa phương.
Ông Đoàn Hồng Phong cho biết, thời gian tới, Thanh tra Chính phủ với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực phòng chống tham nhũng sẽ tiếp tục rà soát các văn bản quy phạm pháp luật về phòng chống tham nhũng có liên quan để tham mưu Chính phủ, Quốc hội sửa đổi, bổ sung những quy định còn chưa phù hợp.