3 lần tới mỏm đá tử thần ở Hà Giang, phượt thủ U60 kể phút check-in 'sợ rớt tim'
Thứ tư, 22/03/2023 06:25
3 lần tới mỏm đá tử thần ở Hà Giang, phượt thủ U60 kể phút check-in 'sợ rớt tim'
Bà Nguyễn Thị Bích Vân (59 tuổi, Gia Lai) là một người phụ nữ đam mê du lịch, leo núi và không ngại trải nghiệm những hoạt động có tính thử thách, mạo hiểm. Trong 7 năm qua, bà từng nhiều lần lái xe xuyên Việt, qua ba nước Đông Dương, khám phá Tây Nguyên, Tây Bắc,... và hoàn thành hành trình chinh phục 15 đỉnh núi khó nhằn nhất Việt Nam.
Bà Vân cho biết, một trong những điểm mạo hiểm nhất bà từng tới check-in, chính là mỏm đá thuộc địa phận thôn Xéo Sà Lủng, xã Pải Lủng, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang. Nơi đây còn được dân phượt gọi với cái tên "mỏm đá sống ảo" hay "mỏm đá tử thần".
Mỏm đá này nằm chênh vênh bên vách núi. Khi ngồi tại đây, du khách có thể chụp những bức ảnh độc đáo, mang tới cảm giác như đang "lơ lửng" giữa không trung và cảnh núi non hùng vĩ. Tuy nhiên, trên thực tế, vị trí mỏm đá khá nguy hiểm, có nhiều tảng đá lớn, xếp chồng lên nhau nhưng không chắc chắn. Nhất là mỏm đá du khách hay đứng chụp ảnh có mặt nhẵn, lại không có lan can nên rất dễ trơn trượt.
Vài ngày trước, một du khách quốc tịch Anh đã gặp nạn tại đây, gây thương tích khá nặng ở chân trái. Trước đó, tháng 1/2021, một phượt thủ đến từ Sơn La cũng trượt ngã khi chụp ảnh tại khu vực mỏm đá này. Nạn nhân rơi xuống khe đá bên dưới. Do đường gập ghềnh có nhiều đá nhọn, người này bị rách sâu tại đùi, xây xát nhiều vùng trên cơ thể.
"Khi hay tin một bạn du khách gặp nạn, tôi rất lo lắng. Thực tế, ngay khi ngồi trên mỏm đá đó check-in tôi đã vô cùng sợ hãi và có phần hối hận. Nó nguy hiểm hơn mức độ tôi tưởng tượng ban đầu. Và chắc chắn tôi không quay trở lại cũng không ủng hộ các bạn trẻ tới địa điểm này check-in sống ảo", bà Vân cho biết.
Bà Vân biết tới mỏm đá này từ lâu, qua những bức ảnh ấn tượng của các phượt thủ trẻ tuổi. Vốn đam mê trải nghiệm và thử thách mạo hiểm, thêm vào đó là tự tin vào kinh nghiệm leo núi, chinh phục rừng, thác, địa hình hiểm trở của bản thân, năm 2020 bà tìm tới vách đá này.
"Đúng là mỏm đá nằm ở vị trí rất đặc biệt, hiếm nơi nào có được. Khi tới đây, tôi đã chuẩn bị rất kĩ sức khỏe, tinh thần và vật dụng cá nhân chuyên dụng như giày leo núi, găng tay,... Tôi đi cùng một bạn porter bản địa thông thạo khu vực này", bà Vân kể. Tuy nhiên, trên đoạn đường leo tới mỏm đá, nhận thấy trời mù, nhiều sương, ẩm ướt, đường trơn trượt, bà Vân cảm thấy không an toàn. Bà tiếc nuối rời đi, không tiến ra mỏm đá check-in. "Tôi hài hước nói với porter rằng, với điều kiện như thế, có khi tôi chưa ra tới mỏm đá tử thần thì tôi đã bị tử thần gọi đi rồi", bà Vân kể.
Năm 2021, bà Vân quay lại đây thêm lần nữa nhưng thời tiết vẫn không ủng hộ.
Tháng 9/2022, trong chuyến thăm Tây Bắc mùa lúa chín, bà Vân quyết định trở lại mỏm đá "tử thần". Thời điểm này, bà đã chinh phục 15 đỉnh núi cao nhất Việt Nam như Nhìu Cồ San, Ngũ Chỉ Sơn, Bạch Mộc Lương Tử (Kỳ Quan San), Lảo Thẩn... Bà Vân rất tự tin vào sức khỏe, kĩ năng và tinh thần vượt khó của bản thân.
"Tôi từng chinh phục Fansipan khi nhiệt độ là -4 độ C, leo trên những bậc thang mục, chênh vênh giữa núi khi chinh phục Ngũ Chỉ Sơn, đội mưa tìm đường lên đỉnh Nhìu Cồ San... Do đó, tôi tự tin muốn check-in mỏm đá "tử thần" Hà Giang", bà Vân cho biết.
Lần thứ 3 bà Vân quay lại, thời tiết đẹp, trời quang, nắng ráo. Bà lựa chọn trang phục gọn gàng, dễ vận động, giày chuyên leo núi với độ bám tốt, găng tay,... "Khi leo ra tới sát mỏm đá, khung cảnh hùng vĩ, đẹp như tranh khiến tôi không thốt lên lời. Thế nhưng, từ đây, tôi cũng bắt đầu lo sợ. Tôi tự hỏi, liệu mỏm đá có thể rơi khỏi vách núi không. Porter tiến ra trước kiểm tra để giúp tôi trấn an tâm lí", bà Vân cho biết.
"Porter cẩn thận hướng dẫn tôi cách di chuyển và vị trí ngồi. Lúc ấy, tôi tự nhủ: "Không sao, không sao, mỏm đá ấy cũng bình thường thôi. Chỉ cần không lo sợ, không chóng mặt, không run chân tay thì mình làm được". Tôi chỉ dám ở trên đó vài phút ngắn ngủi, hai đầu gối run cầm cập, cảm giác cơ thể tròng trành, chới với", bà Vân kể.
"Khi trở lại, tôi không đứng lên mà lết mông dần về sau với sự hỗ trợ của porter. Ngay khi ấy tôi đã thấy sợ hãi, cảm thấy bản thân quá mạo hiểm, liều mạng. Vào tới bên trong tôi vẫn toát mồ hôi ướt đẫm, tim đập nhanh, chân run. Tôi tự nhủ không bao giờ quay lại mỏm đá này", bà Vân cho biết.
Cũng trong chuyến đi đó, bà gặp một số du khách Tây đang leo ra mỏm đá. "Họ sử dụng những đôi giày vốn để đi bộ địa hình bằng phẳng, lái xe máy... Giày đó có độ đàn hồi tốt nhưng khó phù hợp với địa hình hiểm trở, núi đá trơn trượt ở Hà Giang. Do đó, khi leo ra mỏm đá, nhìn họ chênh vênh, khó bám chắc, dễ trượt chân, khá đáng ngại", bà Vân kể lại.
Theo bà Vân, thời điểm bà tới mỏm đá này, xung quanh không có biển cảnh báo, biển cấm hay bất cứ rào chắn nào. "Sau những vụ tai nạn đáng tiếc, tôi nghĩ chính quyền địa phương nên có những biển cảnh báo, rào chắn. Trở về sau chuyến đi, tôi có những tấm ảnh ấn tượng nhưng tôi không khuyến khích bất cứ ai mạo hiểm như mình. Bản thân tôi là người leo núi, vượt địa hình hiểm trở thường xuyên, nhưng mỏm đá này vẫn là thách thức lớn. Chúng ta nên trải nghiệm với điều kiện thời tiết an toàn, sức khỏe - tinh thần và kĩ năng tốt", bà Vân chia sẻ.