5 trường hợp sử dụng dữ liệu cá nhân không cần chủ thể đồng ý
Thứ tư, 08/02/2023 19:34
5 trường hợp sử dụng dữ liệu cá nhân không cần chủ thể đồng ý
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 13/NQ-CP thông qua hồ sơ xây dựng Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân. Theo đó, Chính phủ quyết nghị đồng ý quy định dữ liệu cá nhân được xử lý không cần sự đồng ý của chủ thể dữ liệu trong một số trường hợp.
5 trường hợp được sử dụng dữ liệu cá nhân gồm:
Thứ nhất, sử dụng dữ liệu để bảo vệ tính mạng, sức khỏe của chủ thể dữ liệu hoặc người khác trong tình huống khẩn cấp. Bên kiểm soát dữ liệu cá nhân, bên xử lý dữ liệu cá nhân, bên kiểm soát và xử lý dữ liệu cá nhân, bên thứ ba có trách nhiệm chứng minh trường hợp này.
Thứ hai, việc sử dụng dữ liệu cá nhân không cần sự đồng ý của chủ thể dữ liệu cũng được áp dụng trong trường hợp công khai dữ liệu cá nhân theo quy định của luật.
Thứ ba, trường hợp các cơ quan nhà nước có thẩm quyền được xử lý dữ liệu cá nhân trong tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, thảm họa lớn, dịch bệnh nguy hiểm.
Thứ tư, khi có nguy cơ đe dọa an ninh, quốc phòng nhưng chưa đến mức ban bố tình trạng khẩn cấp; phòng, chống bạo loạn, khủng bố, phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật theo quy định thì cũng được sử dụng dữ liệu cá nhân không cần sự đồng ý của chủ thể dữ liệu.
Thứ năm, trường hợp sử dụng dữ liệu cá nhân sẽ được áp dụng để thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng của chủ thể dữ liệu với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định của luật. Phục vụ cho hoạt động của cơ quan Nhà nước đã được quy định theo luật chuyên ngành.
Nghị quyết do Thủ tướng ký ban hành cũng thông qua nội dung tờ trình của Chính phủ, báo cáo tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nội dung Dự thảo Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Công an thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ báo cáo, xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Dự thảo Nghị định Bảo vệ dữ liệu cá nhân theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Việc xây dựng và trình Chính phủ Dự thảo Nghị định Bảo vệ dữ liệu cá nhân cùng các văn bản hướng dẫn là một trong những nhiệm vụ Chính phủ đã giao để thực hiện Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025.
Cần một hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch
Cũng trong sáng ngày 8/2, Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội tổ chức phiên họp toàn thể thẩm tra Dự thảo Nghị định Bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới nêu rõ, đây là nghị định rất quan trọng, không chỉ liên quan đến bảo vệ dữ liệu cá nhân của từng công dân, mà còn liên quan đến công tác quản lý con người, quản lý xã hội và tác động đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đảm bảo chủ quyền quốc gia. Do đó, đòi hỏi là một hành lang pháp lý phải hết sức rõ ràng, cụ thể, minh bạch về vấn đề này.
Trình bày tờ trình việc ban hành Nghị định Bảo vệ dữ liệu cá nhân, Trung tá Triệu Mạnh Tùng, Phó cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an - cơ quan chủ trì soạn thảo), cho biết, việc ban hành Nghị định Bảo vệ dữ liệu cá nhân là hết sức cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu bảo vệ quyền dữ liệu cá nhân; ngăn chặn các hành vi xâm phạm dữ liệu cá nhân, gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của cá nhân, tổ chức.
Cùng với đó là nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, mà trước hết là của bên xử lý dữ liệu đối với việc xử lý dữ liệu cá nhân.
Nghị định cũng là tiền đề để nghiên cứu, xây dựng thành luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Đại diện Bộ Công an cũng nhấn mạnh, việc xây dựng dự thảo Nghị định Bảo vệ dữ liệu cá nhân phù hợp với các quy định của pháp luật, tạo nền tảng để xây dựng một hệ thống pháp luật hoàn chỉnh, đồng bộ về bảo vệ dữ liệu cá nhân; phù hợp với thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh trật tự và công tác bảo vệ dữ liệu cá nhân hiện nay.