Băn khoăn nguồn vốn 1,1 triệu tỷ đồng xây nhà ở xã hội

Băn khoăn nguồn vốn 1,1 triệu tỷ đồng xây nhà ở xã hội

Xác định nhu cầu

Theo Bộ Xây dựng, cả nước đã hoàn thành 301 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị và nhà ở công nhân khu công nghiệp. Quy mô xây dựng khoảng 155.800 căn, với tổng diện tích hơn 7.790.000m2.

Hiện có 401 dự án đang triển khai, với quy mô xây dựng khoảng 454.360 căn, tổng diện tích khoảng 22.718.000m2. Trong năm 2022, các địa phương khởi công được 19 dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp với tổng số khoảng 33.194 căn, tổng diện tích xây dựng khoảng 1,8 triệu m2.

Trong Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030, đang xin ý kiến bộ ngành liên quan, Bộ Xây dựng đặt mục tiêu, đến năm 2030, các địa phương hoàn thành khoảng 1.416.700 căn. Trong đó, giai đoạn 2021-2025 hoàn thành khoảng 571.200 căn, giai đoạn 2025-2030 hoàn thành khoảng 845.500 căn.

Về nguồn lực, các Bộ, ngành Trung ương và địa phương tổng hợp, đề xuất và cân đối nguồn vốn từ ngân sách Trung ương và địa phương để thực hiện hỗ trợ nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp huy động khoảng 1.130.000 tỷ đồng để hoàn thành mục tiêu đề ra đến năm 2030.

Mục tiêu xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội. (Ảnh: Hoàng Hà)

Trong văn bản gửi Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay, nhu cầu về nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp của các địa phương giai đoạn 2021-2030 khoảng 2,4 triệu căn. Số lượng căn hộ xã hội theo mục tiêu vẫn thấp hơn so với nhu cầu. Bộ này đề nghị làm rõ lý do và tác động của việc đề xuất mục tiêu đề án thấp hơn so với nhu cầu.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, đề án có mục tiêu cụ thể về số lượng nhà ở xã hội nhưng chưa xác định cụ thể về nguồn lực thực hiện đề án theo từng giai đoạn. Bộ Xây dựng cần xác định rõ nhu cầu, nguồn lực để thực hiện đề án.

Nội dung về nguồn vốn để thực hiện đề án chưa nêu rõ hình thức sử dụng vốn ngân sách nhà nước để hỗ trợ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân như cấp bù lãi suất và phí quản lý, hỗ trợ cấp vốn trực tiếp từ ngân sách trung ương và địa phương, cấp vốn để cho vay ưu đãi.

Trường hợp sử dụng vốn ngân sách trung ương để cấp vốn thực hiện cho vay ưu đãi, đề nghị tính vào chi cho vay theo quy định của pháp luật, không tính vào chi đầu tư phát triển.

Kiến nghị nguồn vốn

Theo Bộ Xây dựng, hỗ trợ vốn vay ưu đãi lãi suất thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội trong giai đoạn 2016-2020 đạt thấp, khoảng 3.163/9.000 tỷ đồng. Đến tháng 10/2022, cả nước giải ngân được 2.306 tỷ đồng. Không có chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân nào được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi. 

Ông Nguyễn Mạnh Hà - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam - cho biết, cách đây 10 năm, thị trường khó khăn, Chính phủ có gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng. Nguồn vốn này không phải lớn so với tổng dư nợ ở với thời điểm đó nhưng đã góp phần giải quyết nhiều vấn đề, tạo ra nguồn vốn mồi, góp phần kích thích tiêu dùng, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển kéo theo nhiều ngành nghề khác như vật liệu xây dựng, tạo việc làm cho công nhân xây dựng. 

Ông Hà đề xuất, cần có nguồn vốn cụ thể cho thị trường bất động sản, nhất là cho nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở thương mại với giá thấp hiện nay.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM, kiến nghị xem xét bố trí nguồn vốn ngân sách cấp bù lãi suất tín dụng ưu đãi để các ngân hàng thương mại cho người mua nhà để ở, người mua căn nhà đầu tiên được vay với lãi suất hợp lý để mua nhà ở thương mại, nhà ở xã hội có mức giá đề xuất không quá 1,8 tỷ đồng/căn.

Chỉ 10 triệu đồng/m2, nhà ở xã hội vẫn ế ẩm

Giá bán chưa tới 10 triệu đồng/m2 nhưng ở xa trung tâm, gói vay ưu đãi 30.000 tỷ kết thúc khiến cho các dự án nhà ở xã hội ế ẩm.

Tin tức mới nhất

Xem thêm

Gia Lai: Khởi tố 11 thanh thiếu niên về hành vi 'giết người'

Gia Lai: Khởi tố 11 thanh thiếu niên về hành vi 'giết người'

Bản tin tài chính sáng 31/10/2023: Giá vàng, dầu và USD cùng đi xuống

Bản tin tài chính sáng 31/10/2023: Giá vàng, dầu và USD cùng đi xuống

Những chính sách kinh tế nổi bật có hiệu lực từ tháng 11/2023

Những chính sách kinh tế nổi bật có hiệu lực từ tháng 11/2023