Báo chí đang phải đối mặt với nhiều thách thức về nguồn thu
Thứ tư, 01/03/2023 22:58
Báo chí đang phải đối mặt với nhiều thách thức về nguồn thu
Chiều 1/3, Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội đã làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) về kinh tế báo chí và hoàn thiện chính sách, pháp luật về báo chí. Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng và Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh đồng chủ trì buổi làm việc.
Theo báo cáo của Cục Báo chí, hiện nay cả nước có 6 cơ quan báo chí chủ lực đa phương tiện, 127 báo, 673 tạp chí; 72 cơ quan phát thanh, truyền hình.
Các cơ quan báo chí đang đối mặt với khó khăn, thách thức với mạng xã hội, doanh thu quảng cáo sụt giảm, đặc biệt với báo in. Qua khảo sát của Bộ TT&TT với 159 cơ quan báo chí, trong 2 năm đại dịch doanh thu đều giảm, doanh thu các đài PTTH năm 2021 giảm 10% so với năm 2020. Nhiều người đặt kỳ vọng vào doanh thu từ thu phí nội dung báo điện tử, song vẫn cần nhiều thời gian để nguồn thu này bền vững.
Ngoài việc sửa đổi Luật Báo chí năm 2016 (dự kiến trình Quốc hội xem xét, thông qua dự án luật sửa đổi, bổ sung vào năm 2025), Cục Báo chí cũng đề xuất sửa một số luật liên quan đến thuế, quảng cáo báo chí; kiểm soát cạnh tranh, chống độc quyền các nền tảng xuyên biên giới. Đồng thời đề nghị tăng nguồn lực kinh phí, kiến nghị các bộ, ngành, địa phương tăng thêm đặt hàng, giao nhiệm vụ cho cơ quan báo chí (từ dưới 0,5% lên 0,65% tổng chi thường xuyên của ngân sách Nhà nước).
Tại buổi làm việc, lãnh đạo các đơn vị của Bộ TT&TT, lãnh đạo một số cơ quan báo chí đã nêu thực trạng về kinh tế báo chí, những khó khăn, vướng mắc và thách thức trong bối cảnh cạnh tranh với các nền tảng mạng xã hội...
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội Đặng Xuân Phương nhận định, thách thức đặt ra cho báo chí là làm thế nào để giữ được vai trò, chức năng là phương tiện thông tin thiết yếu của xã hội.
Trong quy định của Luật Báo chí hiện hành thì báo chí phải tuân thủ tôn chỉ, mục đích, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, phải có phân loại phù hợp cơ quan theo mục tiêu hoạt động, "không phải tất cả các cơ quan báo chí đều chạy theo mục tiêu thương mại nhưng có một bộ phận nếu không thương mại thì không duy trì tự chủ được".
Từ đây, ông Phương đề xuất Bộ TT&TT cần xây dựng chiến lược kinh tế báo chí mang tính tổng thể, dài hạn. "Kinh tế báo chí, kinh tế truyền thông cũng phải trở thành một ngành công nghiệp văn hóa", ông Phương nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm nhận xét, Nhà nước thường đặt hàng các cơ quan báo chí thực hiện các nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền thiết yếu nhưng thường là thời sự, chính luận, chính trị. Do cách hiểu như vậy nên Nhà nước sẽ không đặt hàng những chương trình khác. Trong khi đó những chương trình như giải trí, phim truyền hình...nhưng có tác dụng giáo dục chính trị, văn hóa, tư tưởng; về mặt kinh tế truyền thông thì đây lại là những sản phẩm đầu tư có lợi nhất "vì vòng đời dài hơn thông tin tuyên truyền".
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm cũng nêu một thực tế là, những cơ quan báo chí có ảnh hưởng lớn đến xã hội lại đang hoàn toàn tự chủ, vận hành mà không có nguồn lực đặt hàng từ Nhà nước. Không thể để "cơ quan báo chí lớn cứ để họ tự chủ, tự bơi" - Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm nói.
Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đề nghị Bộ TT&TT đẩy nhanh việc đề nghị sửa đổi Luật Báo chí năm 2016; đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, tổng kết thực tiễn để có lộ trình xây dựng Luật (mới) điều chỉnh toàn bộ lĩnh vực truyền thông, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.
Các thành viên ủy ban cho rằng, cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện cơ sở lý luận để phân loại, định rõ các loại cơ quan báo, tạp chí và cơ chế, chính sách phù hợp với từng loại…Một số giải pháp cho kinh tế báo chí như chuyển đổi số báo chí, tăng cường vai trò của công nghệ; có cơ chế đặt hàng báo chí trong việc truyền thông chính sách...được nhiều đại biểu đặt vấn đề, đề xuất.