Bí ẩn lăng mộ 'mẹ của loài người' Eva ở thành phố cổ Jeddah

Bí ẩn lăng mộ 'mẹ của loài người' Eva ở thành phố cổ Jeddah

Nhiều người cho rằng tên của thành phố bắt nguồn từ Jaddah, một từ trong tiếng Ả Rập có nghĩa là 'mẹ', vì Eva được mệnh danh là 'mẹ của loài người'.

Trong kinh Qur'an cũng như Kinh thánh và kinh Torah, đều có những chương, phần kể về Adam và Eva và cách họ bị trục xuất khỏi Thiên đường sau khi không vâng lời Chúa vì ăn trái cấm. Kinh thánh không đề cập đến nơi họ dừng chân trên trái đất, nhưng theo truyền thống Ả Rập, người ta tin rằng Adam và Eva có cuộc sống riêng biệt. Adam bị đày đến Mecca, nơi Chúa ra lệnh cho Adam xây dựng Kaaba, tảng đá đen thiêng liêng mà người Hồi giáo trên khắp thế giới tôn thờ. Còn Eva thì sống phần đời còn lại và được chôn cất ở Jeddah.

Frauke Heard-Bey, một nhà sử học người Anh gốc Đức, cho biết: “Không có cách nào để biết chính xác ngôi mộ nằm ở đâu, vì một số người nói nó được đặt đâu đó ở Palestine và một số khác lại cho rằng ở Ả Rập Saudi”.

Tài liệu đầu tiên nhất đề cập đến lăng mộ của Eva (hay Lăng mộ của Hawa) là của nhà sử học và người vẽ bản đồ Ả Rập Muhammad al-Idrisi vào giữa thế kỷ 12. Sau đó, Ibn Jubayr, viết vào cuối thế kỷ 12, nói rằng ở Jeddah có một nơi có mái vòm cổ kính và cao ngất, được cho là nơi ở của Eva. Các nhà sử học Ibn Al-Mujawir và Ibn Khallikan, vào thế kỷ 13, đã đề cập rõ ràng đến lăng mộ của Eva ở Jeddah, nhưng nhà thám hiểm nổi tiếng trong thế kỷ 14, Ibn Battuta, lại chưa bao giờ đề cập đến nó khi ông đến thăm Mecca. Các nhà sử học như Tabari, Masudi và những người khác cũng nói rằng, theo truyền thống, Eva được chôn cất ở Jeddah, nhưng không cung cấp bất kỳ thông tin chi tiết nào về ngôi mộ của bà.

Năm 1853, nhà thám hiểm, nhà địa lý học và dân tộc học nổi tiếng người Anh Sir Richard Francis Burton đã đến thăm ngôi mộ được cho là của Eva, sau khi cải trang thành một người hành hương Hồi giáo. Sir Burton nói rằng ngôi mộ được xây theo hình dạng của một cơ thể cao lớn. 

Quyền Lãnh sự Anh SR Jordan, viết vào đầu năm 1926, mô tả ngôi mộ dài khoảng 182 mét và rộng khoảng 3,6 mét, với một nhà thờ Hồi giáo nhỏ ở giữa. 

Awn ar-Rafiq, người từng là Tiểu vương và Sharif của Mecca từ năm 1882 đến năm 1905, được cho là đã cố gắng phá hủy lăng mộ, nhưng đã gây ra sự phản đối kịch liệt của công chúng.

Ngôi mộ cuối cùng đã bị phá hủy vào năm 1928, bởi Amir Faisal, Phó vương 19 tuổi của Hejaz và là con trai của Ibn Saud, quốc vương của Nejd và vua của Hejaz. 

Đến năm 1975, ngay cả khu chôn cất huyền thoại của Eva cũng bị bịt kín bằng bê tông để ngăn những người hành hương tỏ lòng tôn kính hoặc cầu nguyện ở đó. Ngày nay, nghĩa trang là một dãy những ngôi mộ vô danh.

Mặc dù không có bất kỳ bằng chứng khảo cổ học nào, nhưng các tín đồ vẫn luôn tin vào sự tồn tại của lăng mộ bí ẩn. Sami Nawar, tổng giám đốc văn hóa và du lịch ở Jeddah, tự hào tuyên bố: “Mộ của mẹ nhân loại nằm ở thành phố quê hương tôi".

Sami Angawi, một kiến ​​trúc sư và nhà sử học, cho biết trong hơn 80 năm qua, việc nghiên cứu đã gặp nhiều cản trở do số lượng người hành hương và du khách kéo về đây ngày một đông. Dù rằng, nơi được cho là lăng mộ của Eva giờ đây chỉ là một cái hố bằng phẳng giữa nghĩa địa của những ngôi mộ vô danh. 

Thành phố cổ Jeddah

Jeddah là trung tâm quốc tế náo nhiệt của Ả Rập Saudi, nơi du khách có thể khám phá Al Balad, nổi tiếng với những khu chợ truyền thống, những con đường đan kín mít, những nhà thờ Hồi giáo được thiết kế tinh xảo và những ngôi nhà truyền thống. Đây là di sản thế giới được UNESCO công nhận và từng là điểm hẹn của những người hành hương đến Makkah. Al Balad là nơi có cổng Bab Makkah lịch sử, nằm ở đầu đường Makkah al-Mukkarramah dẫn đến Makkah, thành phố linh thiêng nhất của đạo Hồi. Đây là lý do tại sao Al Balad còn được gọi là cửa ngõ vào Makkah.

Đỗ An (Theo Amusing Planet)

Tin tức mới nhất

Xem thêm

Gia Lai: Khởi tố 11 thanh thiếu niên về hành vi 'giết người'

Gia Lai: Khởi tố 11 thanh thiếu niên về hành vi 'giết người'

Bản tin tài chính sáng 31/10/2023: Giá vàng, dầu và USD cùng đi xuống

Bản tin tài chính sáng 31/10/2023: Giá vàng, dầu và USD cùng đi xuống

Những chính sách kinh tế nổi bật có hiệu lực từ tháng 11/2023

Những chính sách kinh tế nổi bật có hiệu lực từ tháng 11/2023