Bố mất ở chung cư, hành động của hàng xóm khiến người con U50 'lặng người'

Bố mất ở chung cư, hành động của hàng xóm khiến người con U50 'lặng người'

Lời tòa soạn:

Mặc dù có sự khác biệt với khu dân cư truyền thống nhưng ở các chung cư cao tầng nơi phố thị, "tình làng nghĩa xóm" vẫn ươm mầm, phát triển. Nhiều câu chuyện cảm động về quan hệ giữa các gia đình, cá nhân sống trong chung cư đã làm ấm lòng bao người.

VietNamNet trân trọng giới thiệu loạt bài viết về “Nghĩa tình ở chung cư”. Mời độc giả cùng tham gia ý kiến, chia sẻ thêm những trải nghiệm của mình về văn hóa "hàng xóm tắt lửa tối đèn có nhau" ở các khu chung cư. Bài viết xin gửi về địa chỉ: Bandoisong@vietnamnet.vn

Vơi bớt nỗi muộn phiền

Gần 30 năm sống ở Hà Nội, anh Nguyễn T. Long (47 tuổi, quê gốc Tuyên Quang) đã có 2 lần đổi nhà nhưng lần nào anh cũng chọn sống ở chung cư. Anh thích tiện ích hiện đại ở khu nhà cao tầng và cuộc sống riêng tư mà nơi này mang lại.

Cách đây 2 năm, vợ chồng anh đón bố mẹ từ quê ra sống cùng để phụng dưỡng. Bố mẹ anh quen với nếp sống ở quê, “hàng xóm tối lửa tắt đèn” nên luôn chan hòa với mọi người, đôi khi còn chủ động gõ cửa thăm hỏi nhà hàng xóm. 

W-anh 1.jpg
Tình làng nghĩa xóm ở chung cư vẫn luôn hiện hữu. Ảnh minh họa

Thấy vậy, anh nhắc bố mẹ: “Dân chung cư sống khép kín, bố mẹ cởi mở nhưng chưa chắc họ đã thích. Không khéo mình còn làm phiền người ta”. Tuy nhiên, quan niệm này của anh đã thay đổi sau khi bố anh qua đời vào hồi tháng 3 vừa qua.

Khi đó, mẹ anh đang ốm liệt giường. Anh em ở xa chưa kịp đến, nên nhà chỉ có vợ chồng anh và một người họ hàng ở gần đó tới giúp lo liệu việc tang ma. Chưa bao giờ anh thấy căn hộ tiện nghi của mình lạnh lẽo và trống trải đến như thế.

Tuy nhiên, ngay sau khi anh thông báo với ban quản lý tòa nhà về việc bố mất, anh "lặng người" khi thấy hàng xóm cùng tầng kéo sang thăm hỏi. Biết gia đình neo người, hàng xóm đã tất bật, chung tay hỗ trợ vợ chồng anh nhiệt tình, lo liệu từ những thứ nhỏ nhất. 

“Từ lúc có mọi người sang, nhà tôi mới bớt lạnh lẽo. Người giúp liên hệ với nhà tang lễ, người thay gia đình làm việc với ban quản lý tòa nhà để nhờ thang máy, mấy chị em hàng xóm thì giúp vợ chồng tôi chuẩn bị mâm cúng...”, anh Long xúc động kể lại.

Nhà anh chẳng sẵn thứ gì ngoài mấy nén nhang. Hàng xóm lại giúp anh đi mua từng quả cau, lá trầu, tiền vàng, cốc nến. Tiếng người bàn việc, tiếng bước chân đi lại cùng mùi khói nhang cay nồng khiến căn nhà bớt trống trải.

Gần 4 tiếng sau khi bố mất, mọi thủ tục hoàn tất, vợ chồng anh đưa bố sang nhà tang lễ. Đi cùng anh không chỉ có người nhà, mà còn có hàng xóm láng giềng. Trong lễ truy điệu sau đó, những người hàng xóm cũng có mặt, tiễn bố anh đi đoạn đường cuối cùng.

Khi công việc xong xuôi, hàng xóm lại sang nhà anh thăm hỏi và kể một vài kỷ niệm về bố anh trong 2 năm sống chung tầng. 

Anh nghĩ, nhờ phần tình nghĩa bố để lại, anh mới được hàng xóm giúp đỡ nhiệt tình trong lúc tang gia bối rối. “Tôi nhận ra, tình cảm xóm giềng chẳng nơi nào là không có, chỉ là chúng ta có chịu mở lòng đón nhận hay không thôi”, anh nói. 

Hàng xóm giúp chuẩn bị 80 mâm cỗ

“Ở chung cư tôi, mọi người sống tình cảm lắm. Tình nghĩa xóm giềng tại đây chẳng thua kém gì so với ở làng quê”, đó là cảm nhận của cô Diệp Thị Hoa (65 tuổi, quê Yên Bái, nay là tỉnh Lào Cai mới) sau 6 năm sống ở chung cư. 

Năm 2019, vợ chồng cô Hoa là những cư dân đầu tiên chuyển về tòa chung cư ở phường Từ Liêm (Hà Nội). Căn hộ rộng 99m2, có 3 phòng ngủ, đủ cho vợ chồng cô cùng vợ chồng con trai và 3 đứa cháu sinh hoạt.

anh anh 1.jpg
Mâm cơm cúng người chồng đã khuất của cô Hoa được hàng xóm chuẩn bị giúp. Ảnh: NVCC

Gia đình cô cũng như các hộ chung cư khác, thường đóng cửa để tôn trọng không gian riêng tư của nhau. Dẫu vậy, mỗi khi gặp nhau, cô đều vui vẻ chào hỏi. Trong những dịp như Trung thu, tết Nguyên đán, cô đều tham gia nhiệt tình.

“Dân tứ phương gặp nhau, đâu phải muốn thân là thân ngay được. Chưa kể lớp trẻ ngày nay thích cuộc sống riêng tư, ra khỏi nhà là chăm chú xem điện thoại, muốn chào hỏi cũng khó. Tôi từng nghĩ, sống ở chung cư thì đành vậy”, cô kể.

Năm 2021, biến cố xảy đến với gia đình. Chồng cô Hoa mắc bệnh ung thư gan, qua đời chỉ sau 3 tháng kể từ ngày phát hiện. Dù đã chuẩn bị trước tâm lý và một số việc cần thiết nhưng cô và các con vẫn thấy rối như mớ bòng bong.

Chồng cô qua đời lúc 22h nhưng hàng xóm cùng tòa nhà đã có mặt hỗ trợ ngay sau đó. Một người giúp cô lo liệu thủ tục pháp lý, một người phụ trách khoản lễ lạt, một vài người lo liệu chuyện đưa đón anh em, họ hàng lên nhà thăm hỏi...

“Tôi vẫn nhớ câu nói của những người hàng xóm ‘cô cần gì cứ nói một tiếng. Chúng cháu sẽ lo liệu’ mà ngay lúc ấy, tôi chưa biết mình cần gì”, cô Hoa chia sẻ.

anh anh 2.jpg
Cô Hoa (áo đen) cùng hàng xóm trong tòa nhà gói đồ từ thiện, hỗ trợ bà con vùng bão. Ảnh: NVCC

Chồng cô được đưa ra nhà tang lễ ngay trong đêm và hôm sau làm lễ. Cô tâm sự với hàng xóm: “Anh em từ quê ra dự đám tang rất đông. Có lẽ, cô đặt cơm hộp rồi mời họ ăn ở ngay nhà tang lễ”.

Một trong số đó đề xuất: “Ăn uống thế nhếch nhác cô ạ. Tòa nhà mình cách nhà tang lễ chỉ một con đường, cô cứ mời họ về nhà sinh hoạt cộng đồng của tòa nhà mình, cỗ bàn chúng cháu sẽ lo giúp”.

Cô Hoa chỉ biết “trăm sự nhờ hàng xóm”. Cô nghĩ, lúc cấp bách thế này, có thể trải khoảng 20 cái chiếu, sắp xếp 20 mâm cỗ cho một lượt ăn là quá giỏi. Không ngờ, hàng xóm lo liệu chu đáo hơn cô nghĩ rất nhiều.

“Nhà tôi mời khách dùng cơm 3 bữa, mỗi bữa khoảng 25 mâm, tổng cộng là 70-80 mâm cỗ. Hàng xóm giúp tôi lo liệu đâu vào đấy. Lúc tranh thủ về nhà, tôi bất ngờ khi thấy bàn ghế được kê cẩn thận cho khách ngồi, cỗ bàn rất đầy đủ.

Tôi không biết làm thế nào mà hàng xóm tìm được chỗ cho thuê bàn ghế, rồi vận chuyển lên nhà cộng đồng nhanh như vậy”, cô Hoa xúc động kể lại.

anh 3.jpg
6 năm ở chung cư, cô Hoa luôn tin vào tình làng nghĩa xóm nơi đây. Ảnh: NVCC

Công việc xong xuôi, nhà cộng đồng được hàng xóm giúp dọn dẹp sạch sẽ. Mâm cơm cúng đầu tiên tại nhà sau tang lễ cũng do hàng xóm giúp sửa soạn. Nhờ có sự giúp đỡ tận tình của xóm giềng, mẹ con cô Hoa nhẹ lòng hơn rất nhiều.

“Tôi ghi ơn từng việc mọi người giúp đỡ ngày ấy. Quen biết nhau chưa lâu, tình cảm cũng chưa gọi là thân thiết mà mọi người tận tình đến vậy.

Tôi vẫn căn dặn các con ‘ngày nào mẹ còn sống, mẹ sẽ tận tình với từng người, từng nhà. Đến khi mẹ không còn nữa, các con phải thay mẹ sống cho tốt với hàng xóm’”, cô Hoa chia sẻ.

Những năm qua, từ việc hàng xóm giúp nhau trông nhà, đón con, chia cho nhau mớ rau, củ hành khi nhỡ bữa... khiến cô thêm tin vào tình làng nghĩa xóm ở chung cư. Cô nhận ra, giữa nhịp sống hiện đại, tình cảm này vẫn luôn hiện hữu.

Năm 2024, Thu Hoài làm đám cưới. Lễ đón dâu diễn ra ngay tại chung cư cô đang ở. Hàng xóm nhiệt tình giúp đỡ cô như với người thân trong gia đình, nhiều kỷ niệm xúc động khiến cô nhớ mãi không quên.

Mời đón đọc kỳ 2: Cô gái Ninh Bình tổ chức đón dâu ở chung cư, em bé hàng xóm níu váy không cho đi

Cha 75 tuổi lặn lội đi xe máy hàng trăm km tìm bố mẹ đẻ cho con gái nuôiTRUNG QUỐC - Cả đời nuôi con khôn lớn trưởng thành nhưng có một điều ông Cẩu Kim Thủy luôn đau đáu là chưa tìm được bố mẹ đẻ cho cô con gái nuôi của mình.

Tin tức mới nhất

Xem thêm

Cô gái Ninh Bình làm lễ đón dâu ở chung cư, em bé hàng xóm níu váy không rời

Cô gái Ninh Bình làm lễ đón dâu ở chung cư, em bé hàng xóm níu váy không rời

Giá vàng hôm nay 26/7/2025: Thế giới chưa ngừng giảm, vàng SJC chờ sóng lớn

Giá vàng hôm nay 26/7/2025: Thế giới chưa ngừng giảm, vàng SJC chờ sóng lớn

Cuộc sống của 'MC đẹp nhất VTV' sau 2 lần làm dâu hào môn ra sao?

Cuộc sống của 'MC đẹp nhất VTV' sau 2 lần làm dâu hào môn ra sao?