Bỏ rơi bạn gái ngay lần đầu hẹn hò, anh lính nghèo vẫn cưới được vợ xinh
Chủ nhật, 01/10/2023 06:00
Bỏ rơi bạn gái ngay lần đầu hẹn hò, anh lính nghèo vẫn cưới được vợ xinh
Tình yêu thầm kín
Hơn 40 năm về trước, ông Bùi Minh Thông (năm nay 60 tuổi) và bà Trần Thị Mai (61 tuổi) chơi chung trong nhóm bạn sống cùng thành phố. Ông bà được các bạn gán ghép thành một cặp.
Nhân dịp Giáng sinh, ông Thông lấy xe đạp, đèo bà Mai đến Nhà thờ Đức Bà chơi. Đây là lần đầu tiên ông bà hẹn hò và có kỷ niệm không thể nào quên.
Gần đến nhà thờ, ông Thông sực nhớ lời bố dặn nhất định phải về nhà trước 12h đêm. Thấy đồng hồ chuẩn bị điểm 12h, ông bất ngờ quay xe, bỏ bà Mai ở lại rồi tức tốc trở về nhà.
Bị bỏ rơi, bà Mai phải ngồi sau yên xe của một người bạn đang chở thêm 2 cô gái ở phía trước. Khi đi qua đoạn đường đang thi công, chiếc xe chao đảo.
Bà Mai và những người ngồi trên xe ngã nhào, rơi vào ống cống. Dẫu vậy, buổi hẹn hò đầy trắc trở vẫn khiến ông bà nhớ về nhau.
Trái tim ông Thông đã thổn thức ngay từ giây phút đạp xe chở bà Mai đi chơi. Bà Mai dù rơi mất dép, ngã vào ống cống và bị bỏ rơi nhưng vẫn ấn tượng về sự hiền lành, chân thật của ông Thông.
Thế nên, khi ông lên đường nhập ngũ, bà là người duy nhất trong nhóm bạn đến đưa tiễn. Sự xuất hiện của bà đã khiến trái tim ông rung động.
Tại chương trình Tình trăm năm tập 164, ông Thông kể: “Năm 1982, tôi đi bộ đội. Ngày tôi lên đường, bà ấy là người duy nhất trong nhóm bạn 10 người đến tiễn tôi. Điều đó làm tôi rất xúc động. Tôi thầm yêu bà ấy từ đó”.
Tại đơn vị, ông Thông liên tục viết thư cho người mình yêu. Trong thư, ông tỏ tình, nói đã để ý bà Mai từ buổi đầu tiên cùng đi chơi ở Nhà thờ Đức Bà.
Tuy vậy, bà Mai chỉ hồi âm một lá thư duy nhất. Bao nhiêu thư tình của ông, bà đều nhét lên trần nhà vì sợ bị bố phát hiện.
“Lúc ông ấy nhập ngũ, tôi chỉ xem ông ấy là bạn dù cũng có cảm tình. Rồi ông ấy nói lời yêu tôi trong lúc đi bộ đội. Tôi tin và chờ ông ấy trở về”, bà Mai chia sẻ.
3 năm sau, ông Thông xuất ngũ. Điều đầu tiên ông làm là đến thăm nhà bà Mai. Tại đây, ông nhiều lần bị bố vợ tương lai làm khó.
Được sự hỗ trợ của chị bà Mai, ông có những buổi hẹn hò cùng người mình yêu. Cả hai có nụ hôn đầu tiên trong một lần đi chơi ở công viên Tao Đàn.
Bà Mai nhớ đó là một nụ hôn thật nhẹ trên má. Nó khiến cảm xúc trong tim bà vỡ òa. Tình yêu của ông bà cũng vì thế mà thăng hoa. Thế nên khi được ông Thông ngỏ lời, bà Mai đồng ý, quyết trở thành vợ hiền, cùng ông xây đắp hạnh phúc.
Được người yêu đồng ý kết hôn, ông Thông mang niềm hạnh phúc ấy trở về nhà gặp cha mẹ. Ông ra lời, nhờ bố mẹ hỏi cưới bà Mai cho mình.
Thế nhưng khi biết con dâu tương lai lớn hơn con trai mình 1 tuổi, ông bà không đồng ý. Để đến được với người mình yêu, ông Thông một mặt cố thuyết phục bố mẹ, mặt khác cương quyết nói: “Ngoài Mai, con không cưới ai hết. Ba má hỏi cưới Mai cho con”.
40 năm hạnh phúc
Biết không thể lay chuyển tình cảm của con trai, bố mẹ ông Thông đồng ý, chấp nhận bà Mai làm con dâu. Tuy vậy sau đó, bố ông Thông qua đời. Cả hai phải đợi 1 năm sau mới được tổ chức đám cưới.
Ngày về làm dâu, bà Mai không được lòng mẹ chồng. Dẫu vậy, bà vẫn hiếu thuận, luôn tươi cười, hòa nhã, thương yêu mọi người trong gia đình.
Cuối cùng, tấm lòng của bà cũng được mẹ chồng ghi nhận. Từ chỗ không thích, bà thương yêu con dâu nhất nhà.
Những năm đầu hôn nhân, bà Mai đi thêu thuê. Khi có kinh nghiệm, bà mua máy về tự thêu và dạy học trò tại nhà. Khi phong trào thêu tranh hạ nhiệt, bà chuyển sang buôn bán đồ ăn. Mỗi ngày, bà bày bán ngêu, ốc, trứng vịt lộn, bún riêu… trước cửa nhà.
Có duyên buôn bán, gian hàng bé xíu của bà dần đông khách và không ngừng mở rộng. Không chỉ người lao động, quán ăn của bà còn được nghệ sĩ nổi tiếng như: Phi Nhung, Lam Trường, Mạc Can… đến ăn.
Trong khi đó, ông Thông đến làm việc tại Thảo Cầm Viên từ sáng sớm đến 12h đêm mới về. Ở nhà, một mình bà Mai vừa chăm con vừa nấu nướng, bán bún mỗi ngày.
Vợ chồng ông bà ít gặp nhau đến nỗi nhiều người lầm tưởng bà Mai là gái chưa chồng. Dẫu vậy, bà không hề tủi thân hay hờn giận ông Thông. Thay vào đó, bà cảm thấy vui, hạnh phúc bởi dẫu cực khổ nhưng có thu nhập tốt để chăm lo gia đình.
Bà tâm sự: “Cực khổ nhưng làm ra tiền, tôi vui lắm nên cứ cố gắng làm việc. Tôi ham buôn bán đến nỗi người ta nói: Mày lo bán, không để ý đến chồng coi chừng ông ấy ngoại tình.
Nghe vậy, tôi nói vui rằng: Ai rước được thì rước chứ bây giờ nếu suốt ngày lo quan tâm ông ấy, con tôi sẽ đói. Bây giờ, tôi lo con trước đã, chuyện ông ấy có lăng nhăng, ngoại tình hay không tính sau.
Nói vậy, nhưng tôi tin tưởng chồng. Tôi biết ông ấy không bao giờ lăng nhăng nên không lo lắng, ghen tuông mà chỉ cố gắng làm việc, chăm lo cho gia đình”.
Không chỉ tin tưởng lẫn nhau, ông bà xử lý những mâu thuẫn vụn vặt trong đời sống hôn nhân bằng cách nhường nhịn. Mỗi khi nóng giận, ông bà tìm cách tránh mặt nhau. Khi cơn giận vơi đi, cả hai mới ngồi lại nói chuyện, làm hòa.
Bằng cách này, sau gần 40 năm kết hôn, ông bà chưa một lần để tình cảm gia đình rạn nứt. Thay vào đó, cả hai yêu thương, tôn trọng nhau hết mực.
Đối với bà Mai, ông Thông là người chồng hiền lành, thương vợ, thương con. Trong khi đó, với ông Thông, bà Mai là người vợ hoàn hảo, không có gì để ông phải muộn phiền, lo lắng.
Sau khi nghỉ hưu, ông Thông tìm cách bù đắp lại khoảng thời gian bà Mai hy sinh bản thân, chăm lo cho gia đình để ông yên tâm công tác. Không chỉ giành làm hết việc nhà, ông còn thay bà đi chợ, nấu bún bán mỗi ngày.
Cuối chương trình, ông Thông bất ngờ gửi đến bà Mai lá thư tay đầy lãng mạn. Thư có đoạn: “Em bao dung dù anh có nhiều tật xấu như nhậu nhẹt làm em lo lắng. Em phải giấu tức giận vào trong để chăm sóc anh. Anh trân trọng em và chỉ biết nói lời chân thành...”.
Lời thư khiến bà Mai xúc động, dâng trào niềm hạnh phúc. “Tôi rất xúc động, không nghĩ chồng lại có những câu nói lãng mạn đến như vậy”, bà chia sẻ.