Bộ trưởng Tài chính nói về cụm từ lần đầu tiên xuất hiện để chống rửa tiền
Chủ nhật, 11/05/2025 06:59
Bộ trưởng Tài chính nói về cụm từ lần đầu tiên xuất hiện để chống rửa tiền
Khái niệm mới về chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp
Lần đầu tiên, khái niệm “chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp” được nhắc đến tại dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) đang được Quốc hội cho ý kiến và dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 9.
Khoản 1 Điều 31 của dự thảo luật quy định bổ sung nội dung chủ sở hữu hưởng lợi tại hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp, công khai thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi và trách nhiệm của doanh nghiệp phải thông báo với Cơ quan đăng ký kinh doanh khi có thay đổi thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi.
Ban soạn thảo bổ sung quy định về chủ sở hữu hưởng lợi vào dự án luật lần này là bởi Nhóm Châu Á - Thái Bình Dương về chống rửa tiền (APG), mà Việt Nam là thành viên, đánh giá Việt Nam cần phải khắc phục một số thiếu hụt để đảm bảo tính hiệu quả cho cơ chế phòng, chống rửa tiền.
Trong số đó, Việt Nam đang thiếu hụt quy định để đảm bảo có được thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp.
Thảo luận ở tổ tại Quốc hội chiều 10/5, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, có hai lý do chính để sửa đổi Luật Doanh nghiệp. Một là, xử lý các vướng mắc, bất cập, đảm bảo thực hiện cam kết phòng, chống rửa tiền. Hai là, giảm các thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho doanh nghiệp.

Trong 23 nội dung sửa đổi của dự thảo luật (16 nội dung sửa đổi và 7 nội dung mới bổ sung), có 1/3 liên quan đến các quy định về phòng, chống rửa tiền.
“Đây là vấn đề rất cấp bách khiến cơ quan soạn thảo phải đưa vào dự thảo để kịp thời đáp ứng yêu cầu của Lực lượng đặc nhiệm tài chính quốc tế (FATF). Tháng 5 này là hạn cuối để Việt Nam đáp ứng các yêu cầu của FATF trước khi bị đưa vào danh sách đen”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nói.
Về khái niệm “chủ sở hữu hưởng lợi”, Bộ trưởng Thắng cho hay: “Quá trình soạn thảo, có ý kiến chất vấn tại sao không dùng khái niệm nào khác cho dễ hiểu. Tuy nhiên, đây là điều không thể bởi thuật ngữ 'chủ sở hữu hưởng lợi' là trích nguyên văn từ FATF, đây là vấn đề mang tính kỹ thuật”.
Trước đó, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế Tài chính của Quốc hội đề nghị không quy định chi tiết khái niệm “chủ sở hữu hưởng lợi” tại Luật Doanh nghiệp mà chỉ quy định chung, mang tính nguyên tắc và giao Chính phủ quy định chi tiết về tiêu chí xác định chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp cần tương đồng với quy định tại Luật Phòng, chống rửa tiền về “chủ sở hữu hưởng lợi của khách hàng là tổ chức”.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Ủy ban Kinh tế Tài chính của Quốc hội, Luật Phòng, chống rửa tiền không đề cập đến khái niệm “chủ sở hữu hưởng lợi”, nhưng khoản 2 Điều 10 quy định về thông tin nhận biết khách hàng, trong đó yêu cầu các ngân hàng báo cáo, xác định chủ sở hữu hưởng lợi và áp dụng các biện pháp để nhận biết, cập nhật thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi.
Luật mới sẽ tạo bệ phóng cho doanh nghiệp
Thời gian qua, Bộ Chính trị, Tổng Bí thư và Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo rất quyết liệt về việc rút giảm các thủ tục hành chính đối với từng bộ ngành, mục tiêu rút giảm tối thiểu 30% thủ tục hành chính. Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, việc sửa đổi Luật doanh nghiệp cũng nhằm phục vụ mục tiêu này.
Bộ trưởng Thắng nêu ví dụ về các thủ tục gia nhập thị trường được quy định trong dự thảo luật, nhằm rút giảm thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, việc quản lý trên định danh cá nhân thay vì thông qua các giấy tờ truyền thống như trước kia cũng là lý do để sửa luật cho phù hợp với thực tiễn.
Một nội dung liên quan đến Luật Khoa học Công nghệ cũng được Quốc hội xem xét tại kỳ họp này. Đó là quy định viên chức được phép tham gia góp vốn thành lập doanh nghiệp.
Theo ông Thắng, có hai phương án để giải quyết câu chuyện này. Phương án 1, sửa đổi khoản 2, khoản 3 Điều 17 Luật Doanh nghiệp để bổ sung cho phù hợp với Luật Khoa học công nghệ.
Phương án hai là chờ Quốc hội thông qua dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Viên chức tại kỳ họp tháng 10 tới.
“Chúng tôi đang nghiêng về phương án đưa quy định về việc 'viên chức được phép tham gia góp vốn thành lập doanh nghiệp' vào Luật Doanh nghiệp tại kỳ họp này đảm bảo đồng bộ giữa hai luật. Nếu không sửa luôn thì sau này khi đưa vào Luật Viên chức lại phải tiếp tục sửa Luật Doanh nghiệp”, Bộ trưởng Thắng nói.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, một loạt nghị quyết đã được Trung ương ban hành đều hướng tới mục tiêu tìm mọi cách tháo gỡ các rào cản, tạo đà cho doanh nghiệp phát triển.
Gần đây nhất, chúng ta đặt ra mục tiêu 2 triệu doanh nghiệp đến năm 2030, mặc dù hiện tại mới có 940.000 doanh nghiệp. Để đạt được mục tiêu này, từ nay đến năm 2030 mỗi năm Việt Nam phải có thêm hơn 200.000 doanh nghiệp.
Tuy nhiên, Trung ương đang nêu “bộ tứ chiến lược” gồm 4 nghị quyết. Ngoài Nghị quyết 57 về phát triển Khoa học công nghệ - Đổi mới sáng tạo còn có Nghị quyết số 59 về hội nhập quốc tế, Nghị quyết số 66 về đổi mới công tác xây dựng và thực thi pháp luật và Nghị quyết số 68 về phát triển kinh tế tư nhân.
Ông Hùng kiến nghị cần nghiên cứu thấu đáo cả 4 nghị quyết này để tích hợp vào Luật Doanh nghiệp, qua đó thể chế hóa các nghị quyết, cũng là căn cứ để đạt được mục tiêu 2 triệu doanh nghiệp vào năm 2030.