Bơm 240.000 tỷ đồng vào nền kinh tế có làm tan băng bất động sản?

Bơm 240.000 tỷ đồng vào nền kinh tế có làm tan băng bất động sản?

Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng định hướng năm nay thêm khoảng 1,5-2% cho toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD) cân đối vốn phù hợp để cấp tín dụng, tập trung vốn vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp phụ trợ… theo đúng chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại tạo điều kiện, khơi thông nguồn vốn cho người dân mua nhà ở xã hội (Ảnh minh hoạ/ Hoàng Hà)

Trao đổi với báo chí, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho hay, việc phân bổ tín dụng lần này có thể được xem là một trong những chính sách khuyến khích các ngân hàng thương mại tập trung huy động vốn và giảm lãi suất, tạo điều kiện thuận lợi, tích cực kể cả về nguồn vốn và lãi suất cho doanh nghiệp, cho các dự án, chương trình cần thiết của nền kinh tế.

Theo vị Phó Thống đốc, với mức tăng từ 1,5-2%, tương đương với 240.000 tỷ đồng được cung ứng thêm cho nền kinh tế và Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hướng dòng tiền vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp phục vụ cho xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt là phục vụ cho lĩnh vực có vai trò động lực cho tăng trưởng của nền kinh tế lúc này.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ đạo các ngân hàng thương mại tạo điều kiện, khơi thông nguồn vốn cho người dân mua nhà ở xã hội.

Một số chuyên gia cho rằng, đây là tín hiệu tích cực tạo đà về mặt tâm lý đối với thị trường bất động sản đang gặp khó hiện nay.

Theo ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), phần room tín dụng tăng thêm sẽ bổ sung nguồn vốn tín dụng cho sản xuất kinh doanh trong giai đoạn cao điểm tháng 12 này và trước Tết Quý Mão. Điều đó là rất quan trọng trong bối cảnh thị trường bất động sản, các doanh nghiệp, người mua nhà và nhà đầu tư bất động sản đang rất khó khăn, khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng, trong đó có nhiều doanh nghiệp thiếu thanh khoản hoặc mất thanh khoản do thiếu dòng tiền hoặc âm dòng tiền.

Cũng theo ông Châu, nguồn vốn tín dụng bổ sung này sẽ còn tác động tích cực, lan tỏa đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp để vượt qua khó khăn hiện nay để dần trở thành kênh huy động vốn xã hội hóa quan trọng để chia sẻ, làm giảm bớt áp lực cho các tổ chức tín dụng, để các tổ chức tín dụng thực hiện chức năng chủ yếu là cung ứng vốn lưu động cho nền kinh tế.

Tuy nhiên, chỉ nên sử dụng tối đa không quá 30% nguồn vốn huy động ngắn hạn (tiền gửi tiết kiệm) để cho vay trung hạn, dài hạn theo lộ trình hạn chế dần tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro như chứng khoán, bất động sản của Ngân hàng Nhà nước.

“Đây không phải là để "giải cứu" thị trường bất động sản hay doanh nghiệp bất động sản mà Nhà nước chỉ hỗ trợ thông qua cơ chế chính sách, pháp luật tạo điều kiện để thị trường bất động sản tự điều chỉnh, tự điều tiết, đi đôi với một số giải pháp kích cầu trực tiếp hỗ trợ cho người mua nhà để ở, người mua nhà lần đầu với lãi suất hợp lý” – ông Châu đánh giá. 

Ghi nhận việc nới room tín dụng là tín hiệu mới tích cực nhưng ông Phạm Đức Toản, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Bất động sản EZ (EZ Property) cho rằng, đối với thị trường bất động sản sẽ chưa tác động nhiều.

“Hiện nay, nhà đầu tư có tiền cũng rất thận trọng cân nhắc tính toán khi đưa tiền vào bất động sản. Trừ với bất động sản đáp ứng nhu cầu về ở thực, công nghiệp, thương mại còn đối với bất động sản đầu cơ đã gần như “đóng băng”. Cho nên việc đưa tiền vào bất động sản có thể phải chờ đợi thêm thị trường cơ cấu ổn định” – ông Toản nói.

Theo vị Tổng giám đốc EZ Property, việc cơ cấu thị trường bất động sản sẽ thanh lọc các chủ đầu tư yếu kém. Cùng với đó là cơ cấu về sản phẩm khắc phục sự lệch pha hiện nay thiếu về nhà ở dành cho nhu cầu thực, thừa đầu cơ nhiều nên sẽ phải cân đối lại. Vấn đề về pháp lý cũng cần hoàn thiện.

Mới đây, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM có văn bản đề nghị Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét bố trí nguồn vốn ngân sách cấp bù lãi suất tín dụng ưu đãi để các ngân hàng thương mại cho người mua nhà để ở, người mua căn nhà đầu tiên được vay với lãi suất hợp lý để mua nhà ở thương mại, nhà ở xã hội có mức giá đề xuất không quá 1,8 tỷ đồng/căn bởi lẽ trong các năm qua hầu hết người mua nhà ở xã hội đã phải vay với lãi suất thương mại 9-10%/năm.

Bất động sản gặp khó doanh nghiệp phải bán bớt tài sản, dự án ‘giá hời’Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), thị trường bất động sản đang gặp phải vô vàn khó khăn, đứng trước khả năng rơi vào suy thoái.
Lập Tổ công tác của Thủ tướng gỡ khó hàng loạt dự án bất động sảnTổ công tác có 8 thành viên do Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị làm tổ trưởng cùng các thành viên của Văn phòng Chính phủ, các Bộ Công an, Tài Chính, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước.
Kiến nghị Chính phủ lập tổ công tác đặc biệt, xin thêm 100.000 tỷ đồng gỡ khó địa ốcCác doanh nghiệp bất động sản đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét thành lập “Ban công tác đặc biệt” hoặc “Tổ công tác đặc biệt” để tháo gỡ khó khăn cho một số doanh nghiệp và dự án điển hình…

Tin tức mới nhất

Xem thêm

Thấy chồng im lặng ngồi quay lưng, cụ bà U100 làm một việc hút 2 triệu lượt xem

Thấy chồng im lặng ngồi quay lưng, cụ bà U100 làm một việc hút 2 triệu lượt xem

Thanh Hương, Anh Đào: Ai đắt show màn ảnh nhất năm 2024?

Thanh Hương, Anh Đào: Ai đắt show màn ảnh nhất năm 2024?

Vụ 'chuyến bay giải cứu' giai đoạn 2: Lợi dụng vị trí công tác để kiếm tiền tỷ

Vụ 'chuyến bay giải cứu' giai đoạn 2: Lợi dụng vị trí công tác để kiếm tiền tỷ