Bước trên đại lộ nổi danh thế giới, tôi nhận ra đoạn đường 100m đặc biệt trong cuộc đời
Thứ ba, 12/09/2023 06:00
Bước trên đại lộ nổi danh thế giới, tôi nhận ra đoạn đường 100m đặc biệt trong cuộc đời
Tôi sinh ra và lớn lên ở ngôi nhà nhỏ, nơi ngoại ô của một thị xã nhỏ miền núi nghèo xơ xác.
Khu nhà tựa lưng vào đồi, phía trước là ao, nương và xung quanh là những mảnh vườn. Đây là nơi bố mẹ tôi tự khai hoang, xây dựng từ mảnh đất đồi núi hoang sơ, cũng là nơi đã thấm đẫm mồ hôi của bố mẹ để có được những sản vật từ chuồng lợn, ao cá, vườn rau, nuôi nấng 5 anh chị em chúng tôi lớn khôn, học đại học và trưởng thành.
Năm bố mẹ xây ngôi nhà nhỏ cũng là năm xảy ra chiến tranh biên giới, thợ thuyền phải bỏ dở nên mãi sau này nhà mới xây xong.
Con đường khoảng hơn 100m từ nhà chạy bên bờ ao bắc qua con suối, tới cổng rồi lên một con dốc nhỏ mới tới con đường đi tiếp vào xóm trong.
Ngày ấy, việc được đi đến trung tâm thị xã là hiếm và thích lắm chứ chưa nói đến đi đâu xa, nên cả tuổi thơ tôi phần lớn gắn với xóm nhỏ hiền hòa. Con đường đất be bé ấy là nơi chứa chan biết bao kỷ niệm với gia đình, đám bạn hàng xóm, những ngày tới trường, những trò chơi ấu thơ, những chú chó nhỏ… Nhưng nhớ nhất vẫn là những kỷ niệm với bố mẹ.
Mẹ tôi làm công nhân ở xí nghiệp gần nhà. Mỗi buổi tan làm, mẹ về nhà thay vội quần áo lao động để lên nương hay cặm cụi làm vườn, chăm đàn lợn trong chuồng hay đắp bờ cho ao cá… Con đường đầy bóng mẹ tảo tần, lam lũ, lưng áo đẫm mồ hôi với đủ loại công việc nhưng môi luôn nở nụ cười trên gương mặt gầy sạm mỗi khi thấy tôi lon ton chạy theo.
Mỗi lần lên nương phát cỏ, trồng cây trở về, chú chó Lu chạy trước, mẹ tay cầm dụng cụ, tay dắt tôi đi sau về nhà trên con đường nhỏ. Những ngày được nghỉ, mẹ hái rau, thu hoạch đu đủ, mít trong vườn từ sớm để mang ra chợ bán. Một phần tiền mẹ gửi cho các anh chị tôi học đại học ở Hà Nội, một phần lo cho gia đình, một phần tích cóp tiết kiệm.
Mỗi lần đi chợ về, mẹ mua lúc thì cái bánh rán mật, lúc thì cái bánh bò nhỏ cho tôi. Thấy bóng mẹ từ xa thấp thoáng, tôi đã chạy thật nhanh ra đón mẹ, vui sướng khi được lau mồ hôi cho mẹ và nhận từ tay mẹ món quà nhỏ.
Bố quan tâm việc học của tôi từ sớm. Bố là người thầy dạy chữ cho tôi đầu tiên và khoảng 4-5 tuổi tôi đã biết đọc từ những tờ báo Nhân Dân bố mang ở cơ quan về. Chiều chiều, tôi ngóng dọc theo con đường nhỏ ra cổng, hễ thấy bóng bố hoặc tiếng bố gọi trìu mến từ xa là lon ton chạy ra đón. Bố nhấc bổng tôi lên thơm, ôm tôi thật chặt rồi công kênh tôi trên vai đi vào nhà.
Những lúc như vậy tôi thích lắm, thấy mình như người khổng lồ, ngắm mọi thứ từ trên cao. Đi công tác Hà Nội về, bố hay mua cho tôi những chiếc bánh mì. Đón bố từ đầu đường, nhận quà từ bố, tôi ôm chặt chiếc bánh vào lòng, áp má vào nó và hít hà mùi vỏ bánh thơm thơm. Tôi nhón từng miếng nhỏ, nhai thật chậm, chỉ sợ ăn nhanh thì hết mất bánh và cảm nhận đây như món ăn ngon nhất trần đời…
Khi tôi đi học, mỗi chiều tan lớp cũng là lúc bố đã về nhà. Bố ra đón tôi và quãng đường nhỏ vào nhà lại vang tiếng líu lo tôi kể cho bố nghe chuyện trường, chuyện lớp. Thi thoảng, bố chở tôi bằng xe đạp để về thăm quê là ngôi làng nhỏ nằm bên bờ sông Hồng. Khi đi, các bác, các cô lại cho nhiều quà quê. Nên khi về đến đường vào nhà là mẹ thấy bố đạp xe còn tôi ngồi trên gác ba ga, 2 chân dang rộng, để trên 2 bao tải buộc 2 bên chứa đầy dứa, mít, sắn, có khi cả mấy con gà… Và tôi luôn cười thật tươi vì như vừa được trở về sau một hành trình dài hạnh phúc.
Con đường cũng chứng kiến cảnh tôi khóc thét, hoảng loạn khi thấy mẹ đầu bù tóc rối vừa chạy, vừa khóc khi bị đám ong vò vẽ đốt lúc cuốc đất trúng tổ ong. Đám ong này to và rất độc. Rất may mẹ có sức khỏe tốt và bố có dự phòng trong tủ liều thuốc giải độc nên bố tự tiêm và cứu được mẹ kịp thời.
Bố yêu con trai út nhưng cũng rất nghiêm khắc và nóng tính. Có lần, tôi học lớp 1 hoặc lớp 2, trêu 1 bạn gái ở lớp cũng là hàng xóm khiến bạn ấy khóc và mẹ bạn ấy sang nói. Đang làm vườn, nghe xong câu chuyện, bố lớn tiếng gọi tôi lại. Tôi đang trong nhà, biết sẽ bị phạt vì lỗi gì nên tìm cách lẩn trốn. Bố càng bực nên lấy ngay cái que ở vườn chạy theo tôi trên đường từ nhà ra cổng, quật cho thật đau nhiều roi. Tôi sợ quá, càng chạy và khóc, mãi lâu sau mới dám nước mắt dài, nước mắt ngắn lò dò về nhà xin lỗi bố mẹ.
Giờ đây, đại gia đình tôi đã sống ở Hà Nội, ngôi nhà tuổi thơ xưa của tôi, bố mẹ để lại cho gia đình anh chị họ hàng. Xóm nghèo xưa nay cũng đã đổi thay nhiều khi trở thành một phần của thành phố hiện đại nhưng con đường xưa vẫn còn đó. Mỗi lần có dịp trở về được bước trên con đường xưa ấy, bao kỷ niệm và hình ảnh lại hiện về nguyên vẹn như mới ngày nào.
Dù giờ đã bước vào tuổi trung niên, đầu hai thứ tóc, chân tôi đã bước đi trên bao nẻo đường đất nước, bao con đường công tác, du lịch qua nhiều nước ở các châu lục khác nhau, bước trên những đại lộ nổi danh thế giới nhưng con đường thân thương nhất trong tâm trí vẫn là con đường đất nhỏ đơn sơ mà chứa chan kỷ niệm tuổi thơ êm đềm.
Bố mẹ tôi giờ đã già yếu, gần đất xa trời, đi lại khó khăn, không còn cùng tôi trở về đi lại được trên con đường ấy nhưng tôi vẫn thấy mình như đứa trẻ bé bỏng nơi xóm nghèo được bố, được mẹ nắm bàn tay nhỏ đi líu ríu đầy hạnh phúc trên con đường năm xưa…
Đi qua những năm tháng, mỗi người đều mang theo mình vô vàn ký ức. Ký ức đó có thể là tình yêu quê hương cháy bỏng, một mảng mơ hồ, mộng mị của tình yêu đôi lứa, hoặc khoảng lặng nhớ về một người, một thời gian khó... Tất cả ký ức vui buồn ấy sẽ sống lại qua tuyến bài Hồi ức thế hệ 5X - 8X. VietNamNet mời độc giả thế hệ từ 5X đến 8X gửi chia sẻ về ký ức của mình đến email: bandoisong@vietnamnet.vn. Những bài có nội dung hấp dẫn, cảm động sẽ được đăng tải trên VietNamNet. Trân trọng cảm ơn! |
Nguyễn Hoàng Đoàn