Cân nhắc khi giao chủ tịch UBND huyện ban bố thảm họa trong phòng thủ dân sự

Cân nhắc khi giao chủ tịch UBND huyện ban bố thảm họa trong phòng thủ dân sự

Thừa ủy quyền của Thủ tướng, chiều 26/10, Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Quốc phòng đã trình bày tờ trình về dự thảo Luật Phòng thủ dân sự; dự thảo luật gồm 7 chương, 71 điều.

4 cấp độ phòng thủ dân sự 

Bộ trưởng Quốc phòng cho biết, việc xây dựng Luật Phòng thủ dân sự là rất cần thiết, nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý, tạo điều kiện cho việc chủ động phòng, chống, ứng phó hiệu quả với các thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh, bảo đảm an ninh, an toàn cho đất nước khi có tình huống xảy ra. 

Phòng thủ dân sự là bộ phận của phòng thủ đất nước bao gồm các biện pháp phòng, chống, khắc phục hậu quả chiến tranh; phòng, chống, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh; bảo vệ nhân dân, cơ quan, tổ chức và nền kinh tế quốc dân.

Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang trình bày tờ trình. Ảnh: Phạm Thắng

Theo dự thảo luật, cấp độ phòng thủ dân sự được quy định thành 4 cấp. Cấp độ 1 được áp dụng để ứng phó, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố trên một khu vực nhất định trong phạm vi địa bàn cấp huyện, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, không có khả năng lan sang địa phương khác. Cấp độ 2 được áp dụng để ứng phó, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố trên một khu vực nhất định trong phạm vi địa bàn cấp tỉnh, không có khả năng lan sang địa phương khác.

Cấp độ 3 được áp dụng để ứng phó, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố trên địa bàn một hoặc một số tỉnh, thành có khả năng lan rộng. Cấp độ 4 được áp dụng để ứng phó, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố trong tình trạng khẩn cấp.

Về thẩm quyền, chủ tịch UBND cấp huyện được ban bố, bãi bỏ phòng thủ dân sự cấp độ 1; chủ tịch UBND cấp tỉnh được ban bố, bãi bỏ phòng thủ dân sự cấp độ 2; Thủ tướng ban bố, bãi bỏ phòng thủ dân sự cấp độ 3. Căn cứ Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Lệnh của Chủ tịch nước về tình trạng khẩn cấp, các địa phương được đặt trong tình trạng khẩn cấp thực hiện các biện pháp phòng thủ dân sự cấp độ 4. 

Theo Bộ trưởng Quốc phòng, cấp độ phòng thủ dân sự là hoạt động của chính quyền, các lực lượng tham gia phòng thủ dân sự và người dân trong việc ứng phó, khắc phục thảm họa, sự cố; cơ sở để xác định biện pháp, nguồn lực huy động và phân định trách nhiệm của các cấp chính quyền trong việc ứng phó, khắc phục thảm hoạ, sự cố. 

Chỉ nên giao Chủ tịch UBND tỉnh, Thủ tướng 

Thay mặt cơ quan thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh Lê Tấn Tới cho biết, một số ý kiến đề nghị cân nhắc không quy định phòng thủ dân sự cấp độ 4, vì các biện pháp ứng phó đã được pháp luật về tình trạng khẩn cấp điều chỉnh hoặc sẽ phải sửa nội dung này khi xây dựng Luật về Tình trạng khẩn cấp.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh Lê Tấn Tới trình bày thẩm tra dự án luật

Có ý kiến cho rằng, việc phân loại cấp độ phòng thủ dân sự phải bám sát và phù hợp với các cấp độ về rủi ro của sự cố đã được các luật khác quy định. Một số ý kiến cho rằng việc phân loại các cấp độ mới chỉ dựa vào đánh giá thảm họa, sự cố trên một khu vực nhất định trong phạm vi địa bàn, địa giới hành chính là chưa phù hợp, chưa phản ánh tính chất của thảm họa, sự cố, cần bổ sung các tiêu chí về tính chất, mức độ để bảo đảm đầy đủ, toàn diện, phù hợp với thực tế.

Ví dụ nếu thảm họa, sự cố gây thiệt hại nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng nhưng chỉ xảy ra ở một địa bàn hẹp (thôn, bản..) thuộc xã, phường hoặc xảy ra trên địa bàn rộng vài huyện, vài tỉnh nhưng gây thiệt hại không lớn thì xác định cấp độ nào cho phù hợp. 

Ủy ban Quốc phòng an ninh cho rằng, việc phân loại cấp độ phòng thủ dân (gồm 4 cấp độ) là nội dung quan trọng, nhằm phân biệt với các dạng cấp độ thảm họa, sự cố tại các luật chuyên ngành. Ủy ban đề nghị cơ quan soạn thảo cần rà soát, làm rõ cơ sở lý luận, pháp luật, thực tiễn và khoa học, quy định cả phạm vi xảy ra thảm họa, sự cố và hậu quả thiệt hại do các tình huống này gây ra để xác định cấp độ phòng thủ dân sự cho phù hợp.

Một số ý kiến cho rằng, việc giao thẩm quyền cho chủ tịch UBND cấp huyện, tỉnh công bố, ban bố, bãi bỏ các cấp độ như trên cần cân nhắc, vì khó thực hiện trong khi các luật chuyên ngành như: Luật Quốc phòng, Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật Tổ chức Chính phủ… đã quy định khá cụ thể thẩm quyền của các chủ thể quản lý nhà nước trong từng lĩnh vực.

Mặt khác, quy định này cũng chưa thống nhất về thẩm quyền xác định cấp độ, mức độ sự cố tại một số luật chuyên ngành như Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

Ông Tới cho biết, có ý kiến đề nghị chỉ nên giao chủ tịch UBND cấp tỉnh thẩm quyền công bố, ban bố, bãi bỏ phòng thủ dân sự cấp độ 1, cấp độ 2 để dễ chỉ đạo, chỉ huy và huy động lực lượng. Ý kiến khác đề nghị giao chủ tịch UBND cấp tỉnh thẩm quyền công bố, ban bố, bãi bỏ phòng thủ dân sự cấp độ 1 còn từ cấp độ 2 sẽ thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ. 

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh Lê Tấn Tới cho rằng, quy định thẩm quyền công bố, ban bố, bãi bỏ cấp độ phòng thủ dân sự là cần thiết nhằm xác định rõ trách nhiệm của từng chủ thể, tạo sự chủ động, linh hoạt và sát với tình hình thực tiễn khi xử lý thảm họa, sự cố, nhưng đề nghị tiếp tục nghiên cứu, quy định cho phù hợp để đảm bảo tính thống nhất và tính khả thi.

Đề xuất quy định tình trạng khẩn cấp về phòng thủ dân sự

Đề xuất quy định tình trạng khẩn cấp về phòng thủ dân sự

Chính phủ đề xuất quy định tình trạng khẩn cấp về Phòng thủ dân sự, tạo cơ sở luật định quan trọng cho việc thực hiện các giải pháp trong tình huống xảy ra thảm họa, sự cố.


 

Tin tức mới nhất

Xem thêm

Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên chính thức vận hành

Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên chính thức vận hành

Phim 'Công tử Bạc Liêu': Làm người xem đi từ thất vọng đến phẫn nộ

Phim 'Công tử Bạc Liêu': Làm người xem đi từ thất vọng đến phẫn nộ

Giá vàng hôm nay 22/12/2024 giảm, trong nước ngược chiều đi lên

Giá vàng hôm nay 22/12/2024 giảm, trong nước ngược chiều đi lên