Chợ nổi Cái Răng trở thành nguồn cảm hứng thời trang cho thế hệ Gen Z
Thứ ba, 28/03/2023 09:13
Chợ nổi Cái Răng trở thành nguồn cảm hứng thời trang cho thế hệ Gen Z
Những bộ sưu tập - đồ án tốt nghiệp của sinh viên Đại học Tôn Đức Thắng năm 2023 đều đề cao dấu ấn cá nhân, song thế hệ Gen Z này cũng gửi đến thông điệp ý nghĩa mang tính cộng đồng như truyền cảm hứng lối sống lạc quan, yêu đời, tự tin vào hình thể bản thân; ký ức về miền Tây sông nước; mối bận tâm môi trường.
Bộ sưu tập "Love yourself" của Hồ Lê Phước Linh được lấy cảm hứng từ vấn nạn body shaming - đề tài đang nhận được sự quan tâm của dư luận suốt thời gian qua, đây cũng chính là câu chuyện của tác giả.
Hồ Lê Phước Linh cho biết, khi còn bé mình từng là nạn nhân, phải chịu những lời miệt thị, bình phẩm về cơ thể mình. Từ câu chuyện bản thân, nhà thiết kế muốn nhân rộng, lên án tình trạng miệt thị cơ thể thông qua ngôn ngữ của thời trang.
Phước Linh chọn Nguyễn Kỳ Kỳ - Trương Diễm Quỳnh cùng tham gia trình diễn cho bộ sưu tập của mình. Họ là những bạn trẻ đang trên hành trình truyền cảm hứng đến những nạn nhân của body shaming, từ đó lan tỏa thông điệp: "Hãy luôn tự tin vào chính bản thân mình".
Bộ sưu tập "Sắc màu chợ nổi" của Nguyễn Tú Hảo lấy cảm hứng từ chợ nổi Cái Răng. Đây không chỉ là cách anh giới thiệu một nét văn hóa của quê hương đến với mọi người, mà còn là dấu ấn cho sự kết hợp cho văn hóa - thời trang trong tương lai.
Chợ nổi được xem là một nét văn hóa đậm chất miền Tây Nam Bộ, phù hợp với đặc thù của vùng sông nước.
Cùng với sự phát triển của xã hội hiện đại thì chợ nổi Cái Răng là một điểm sáng khác biệt, vẫn giữ gìn và phát huy được nét văn hóa đặc trưng vùng sông nước, giản dị và hiếu khách.
Bộ sưu tập "Bếp quê" của Nguyễn Thị Nguyệt Huế lấy ý tưởng từ gian bếp ở vùng Vũng Liêm (Vĩnh Long) - quê hương của cô.
Nhà thiết kế trẻ bày tỏ: “Đối với tôi cảm xúc và tình yêu gia đình là điều hết sức thiêng liêng, khó miêu tả. Gian bếp quê luôn mang lại cho tôi nhiều cảm xúc về những bữa cơm đoàn tụ bên gia đình. Mỗi lúc ở nhà ăn món ngon mẹ nấu, tuy dân dã với con cá dưới ao, rau mộc sau nhà, tôi có cảm giác hạnh phúc, yên bình đến lạ”.
Chính những cảm xúc dành cho gia đình đã thôi thúc Nguyệt Huế tìm hiểu và thực hiện bộ sưu tập "Bếp quê", với mong muốn tỏa tỏa sự mộc mạc, đơn sơ nhưng thấm đượm chất thơ, chất tình.
Thông qua “đứa con tinh thần”, Nguyệt Huế hy vọng có thể truyền tải thông điệp về tình cảm gia đình, gợi nhắc những hình ảnh khó quên của quê hương.
"Bằng những cảm nhận trải nghiệm của chính mình, tôi muốn mang những gì hết sức đời thường vào thời trang, tôn vinh nét văn hoá thường nhật của người dân Việt Nam nói chung và miền Tây nói riêng”, Nguyệt Huế bày tỏ.