Chủ tịch Quốc hội: Khắc phục tình trạng thiếu hụt xăng dầu, cán bộ y tế nghỉ việc

Chủ tịch Quốc hội: Khắc phục tình trạng thiếu hụt xăng dầu, cán bộ y tế nghỉ việc

Sau 21 ngày làm việc, chiều nay (15/11), Quốc hội đã bế mạc Kỳ họp thứ 4. Phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, đã có 1.841 lượt ĐBQH phát biểu tại 7 phiên thảo luận tổ, 621 lượt đăng ký, 508 lượt ĐBQH phát biểu thảo luận và 26 lượt tranh luận tại 26 phiên thảo luận hội trường. Tại phiên chất vấn, 345 lượt ĐBQH đăng ký, 149 lượt ĐB nêu câu hỏi, 22 lượt tranh luận.

Quốc hội đã biểu quyết thông qua 6 luật, 12 nghị quyết chuyên đề và nghị quyết chung của kỳ họp, thảo luận về việc tiếp thu, chỉnh lý và cho ý kiến lần đầu đối với 8 dự án luật và quyết nghị nhiều nội dung quan trọng khác.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên bế mạc kỳ họp. Ảnh: Nhật Bắc

Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội khái quát một số nội dung chính.

Về KTXH và ngân sách nhà nước, Quốc hội đã dành nhiều thời gian thảo luận tình hình và kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KTXH, ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công năm 2022. Quốc hội đánh giá cao những kết quả quan trọng, nổi bật, khá toàn diện đã đạt được cả về phát triển kinh tế, xã hội...

Trong những tháng cuối năm 2022 và năm 2023, dự báo tình hình kinh tế và chính trị - an ninh thế giới vẫn diễn biến phức tạp, khó lường. Quốc hội nhấn mạnh yêu cầu phải giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô trong mọi tình huống; siết chặt kỷ luật, kỷ cương công vụ, tập trung giải quyết căn cơ, có kết quả cụ thể các yếu kém, điểm nghẽn trong giải ngân vốn đầu tư công, trong xử lý các tổ chức tín dụng, các dự án, doanh nghiệp yếu kém, thua lỗ; việc thiếu hụt nguồn cung xăng dầu, tình trạng nghỉ việc, bỏ việc của nhân viên y tế, giáo dục và thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế…

Tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, thiên tai, biến đổi khí hậu; chung sức, đồng lòng, phát huy tinh thần tự cường, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, phấn đấu hoàn thành cao nhất Kế hoạch năm 2022 và 2023.

Chủ tịch Quốc hội phát biểu bế mạc kỳ họp.

Về công tác lập pháp, Quốc hội đã hoàn thành khối lượng lớn công việc lập pháp, thông qua 6 luật, 3 nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật, cho ý kiến lần 2 dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); thảo luận lần đầu dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và 6 dự án luật khác.

Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng và phát huy dân chủ, thực sự cầu thị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội phối hợp chặt chẽ với Chính phủ, cơ quan tổ chức hữu quan để tổng hợp đầy đủ, tiếp thu, giải trình kịp thời, thấu đáo ý kiến của các ĐBQH nhất là các vấn đề lớn, quan trọng hoặc còn có ý kiến khác nhau nên đã đạt được sự đồng thuận, thống nhất cao đối với các dự án luật, dự thảo nghị quyết.

Về hoạt động giám sát tối cao, Quốc hội đã nghe và thảo luận sâu sắc, thực chất các báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 3.... 

Quốc hội đã giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021. Chủ tịch Quốc hội cho biết, đây là chuyên đề giám sát được cử tri, nhân dân cả nước và dư luận đặc biệt quan tâm, có quy mô và lực lượng huy động tham gia rất lớn; được tiến hành công phu, bài bản và thực sự là cuộc tổng rà soát khá toàn diện về thực trạng công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong phạm vi cả nước.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các Đại biểu Quốc hội chào cờ, bế mạc kỳ họp.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, kết quả hoạt động giám sát bước đầu đã làm chuyển biến cả về nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành.

Qua đó, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đồng thời, ban hành kế hoạch, giải pháp để chấn chỉnh, khắc phục ngay các tồn tại, hạn chế theo kiến nghị của đoàn giám sát.

Quốc hội đã ban hành Nghị quyết “Đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”, trong đó, yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức hữu quan làm rõ các vi phạm, thất thoát, lãng phí được phát hiện; trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu....

Chủ tịch Quốc hội cho biết, hoạt động chất vấn tiếp tục có đổi mới, thực chất, sôi động, được cử tri, nhân dân cả nước và các ĐBQH quan tâm liên quan đến lĩnh vực: Nội vụ, Xây dựng, Thanh tra, Thông tin và truyền thông.

Thủ tướng Chính phủ, 4/4 Phó Thủ tướng Chính phủ, 4 vị trưởng ngành và 7 Bộ trưởng khác tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề liên quan.

Quốc hội chào cờ, bế mạc kỳ họp.

Về công tác nhân sự , Quốc hội đã xem xét, quyết định kiện toàn nhân sự Tổng Kiểm toán nhà nước, Bộ trưởng Y tế và Bộ trưởng GTVT nhiệm kỳ 2021-2026, bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, đúng quy trình, thủ tục theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Quốc hội đề nghị các nhân sự mới được Quốc hội bầu, phê chuẩn nêu cao trách nhiệm, bản lĩnh, sớm nắm bắt công việc, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, giải quyết có hiệu quả những vướng mắc, bất cập để tạo bước phát triển mới trong các lĩnh vực được giao phụ trách.

Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cấp, các ngành khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện các luật, nghị quyết vừa được Quốc hội thông qua. Các ĐBQH sớm tiếp xúc cử tri để báo cáo kết quả kỳ họp, giữ mối liên hệ chặt chẽ, lắng nghe, phản ánh trung thực ý kiến và nguyện vọng của cử tri, tích cực giám sát việc giải quyết các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân. 

Chủ tịch Quốc hội khẳng định, Kỳ họp thứ 4 đã thành công tốt đẹp.

Tin tức mới nhất

Xem thêm

Gia Lai: Khởi tố 11 thanh thiếu niên về hành vi 'giết người'

Gia Lai: Khởi tố 11 thanh thiếu niên về hành vi 'giết người'

Bản tin tài chính sáng 31/10/2023: Giá vàng, dầu và USD cùng đi xuống

Bản tin tài chính sáng 31/10/2023: Giá vàng, dầu và USD cùng đi xuống

Những chính sách kinh tế nổi bật có hiệu lực từ tháng 11/2023

Những chính sách kinh tế nổi bật có hiệu lực từ tháng 11/2023