Chuyên gia nhìn nhận việc doanh nghiệp cam kết bảo hành cao tốc Bắc Nam 10 năm
Thứ tư, 26/10/2022 20:01
Chuyên gia nhìn nhận việc doanh nghiệp cam kết bảo hành cao tốc Bắc Nam 10 năm
Ngày 26/10, đại diện Bộ GTVT cho biết, vừa nhận được công văn "Tập đoàn Sơn Hải cam kết bảo hành 10 năm các dự án đường cao tốc".
Trong công văn gửi Bộ trưởng Bộ GTVT, Chủ tịch tập đoàn Sơn Hải Nguyễn Việt Hải xin cam kết rõ các nội dung bảo hành gồm: Mặt đường không hằn lún, không bong bật, mặt đường bằng phẳng, êm thuận kể cả các đoạn tiếp giáp vào cầu (khi lưu thông không gập ghềnh); trong mọi trường hợp xe quá tải trọng, quá lưu lượng, thời tiết bất lợi cũng không làm thay đổi nội dung cam kết bảo hành 10 năm.
Hiện tại, Tập đoàn Sơn Hải đang thực hiện một số gói thầu trong dự án cao tốc Bắc Nam gồm: Gói thầu số 10 - dự án Mai Sơn - Quốc lộ 45; gói số 1 dự án Nghi Sơn - Diễn Châu; là nhà đầu tư và thực hiện thi công dự án cao tốc đoạn Nha Trang - Cam Lâm. Các gói thầu do đơn vị này thi công đến nay đều đang đạt và vượt tiến độ đề ra.
Ông Hải chia sẻ thêm: "Nước mình còn nghèo, tiền bỏ ra làm hạ tầng giao thông rất lớn nhưng có một số công trình vừa làm xong đã hỏng rất lãng phí nguồn lực nhà nước và xã hội. Việc cam kết bảo hành sẽ có người đồng tình ủng hộ, nhưng cũng có người không, nhưng chắc chắn đơn vị sẽ làm được".
Tín hiệu tốt, nên xem lại tiêu chuẩn bảo hành
Ông Nguyễn Trung Sỹ, nguyên Cục trưởng Quản lý xây dựng (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho rằng, việc một tập đoàn xin nâng thời gian bảo hành từ 2 năm lên 10 năm rõ ràng có lợi lớn cho nhà nước.
Đây là tính toán của nhà thầu và khi họ treo biển bảo hành 10 năm khi đường hỏng họ phải sửa theo hợp đồng ký kết theo thời gian bảo hành.
Theo một chuyên gia trong lĩnh vực giao thông, việc một Tập đoàn xây lắp cam kết nâng thời gian bảo hành cao tốc do mình thi công với thời gian dài gấp 5 lần quy định là động thái rất tích cực trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp giao thông có sản phẩm liên quan đến chất lượng chưa đảm bảo.
Ở góc nhìn tích cực cho thấy, phát triển hạ tầng giao thông Việt Nam đã có nhà thầu rất tin tưởng với quy trình vận hành tổ chức, máy móc thiết bị công nghệ thi công và tự tin với sản phẩm khi đưa ra thời gian bảo hành dài hơn với quy định.
“Tại các nước phát triển, nhà thầu thi công quy trình nội bộ rất chặt chẽ, gần như tư vấn giám sát không phải nhắc nhở, chủ đầu tư hãn hữu mới phải ra công trường. Nhà thầu thi công chịu trách nhiệm bảo hành, nên nếu thấy không ổn là họ dừng lại để không bị ảnh hưởng đến chất lượng. Do vậy, đề xuất của Tập đoàn Sơn Hải rất đáng quan tâm khích lệ”, vị chuyên gia cho biết.
Tuy nhiên, qua đề xuất của Tập đoàn Sơn Hải, một vấn đề đặt ra với các cơ quan quản lý, liệu tiêu chuẩn bảo hành hiện tại có còn phù hợp hay đã quá lạc hậu. Bởi theo tính toán hiện nay, cứ 5 năm phải sửa chữa, 10 năm phải đại tu lại.
Đại diện Cục Quản lý xây dựng (Bộ GTVT) cho biết, theo quy định, công trình cao tốc thời hạn bảo hành tối thiểu là 24 tháng, nhưng nhà thầu có thể tự nguyện đăng ký gia hạn thời gian bảo hành.
Khi gia hạn phải được cơ quan quản lý nhà nước, chủ đầu tư xem xét, đưa vào các điều khoản hợp đồng, đảm bảo đúng theo quy định của pháp luật.
Khi bảo hành, nhà thầu phải có trách nhiệm trong thời gian bảo hành và có sự đảm bảo bằng tiền giữ lại (3-5% theo hợp đồng) hoặc bảo lãnh qua ngân hàng.
Trường hợp công trình xảy ra hư hỏng, nhà thầu phải sửa chữa khắc phục, khi hết thời gian bảo hành mới lấy được tiền về; hoặc nhà thầu cố tình không sửa chữa thì chủ đầu tư dùng tiền bảo lãnh thuê đơn vị khác sửa chữa.