Chuyện 'sởn gai ốc' ở hẻm đường tàu Sài Gòn xưa

Chuyện 'sởn gai ốc' ở hẻm đường tàu Sài Gòn xưa

LTS: Không biết từ bao giờ, nhịp đời trong hẻm nhỏ Sài thành nhẹ nhàng đi vào thơ ca nhạc họa. 

Hẻm Sài thành từ những năm 1960 hệt như lời bài hát Xóm đêm: “Đêm khuya ngõ sâu như không màu” và “Hắt hiu vàng ánh điện câu” của nhạc sĩ Phạm Đình Chương.

Đó có thể gọi là khoảng thời gian “đời nghèo mà vui” của người lao động nghèo, dân tứ xứ tìm về nương náu trong những con hẻm nhỏ.

Biến thiên lịch sử khoác lên các con hẻm “hắt hiu” một vòng đời mới: hiện đại, văn minh và nghĩa tình.

Tuyến bài Hẻm nhỏ Sài thành lưu dấu cổ kim của VietNamNet góp nhặt chuyện xưa chuyện nay, nhắc nhớ “đặc sản” hẻm của Sài Gòn - TP.HCM.

Kỳ 1: Chuyện ở khu đất dữ Sài Gòn xưa: Người đẹp vào quán bar, nhóm trai chờ đầu hẻm

Kỳ 2: Chuyện khó tin về những gã giang hồ ở khu đất dữ Sài Gòn xưa

Kỳ 3: Chuyện giang hồ xưa nhảy xe lửa làm điều khiếp vía ở con hẻm ôm trọn đường tàu

Vắng tiếng tàu hỏa, thao thức cả đêm

Trong ký ức của ông Nguyễn Văn Đức (61 tuổi, phường 11, quận 3, TP.HCM), hẻm đường tàu Cống Bà Xếp từng rất phức tạp. Dù vậy, nơi đây đong đầy kỷ niệm êm đềm thời thơ ấu của những đứa trẻ nghèo khó.

Ông Đức kể, ông được sinh ra ở hẻm 239/63 Trần Văn Đang, một hẻm nhánh của hẻm 239 Trần Văn Đang, phường 11, quận 3. Từ thời Pháp thuộc, cha của ông di tản từ Bến Tre lên Sài Gòn. 

Ông Đức sống ở hẻm 239/63 Trần Văn Đang, cạnh đường ray xe lửa. Ảnh: Ngọc Lài.

Không có tiền mua nhà, cha ông Đức dựng tạm nhà sàn dựa mé kênh Nhiêu Lộc, kề bên xưởng sửa chữa tàu lửa, nay là xí nghiệp Đầu máy Sài Gòn và xí nghiệp Toa xe Sài Gòn. 

Người sau nối theo người trước, tụ họp về đây trú ngụ, tạo thành khu dân cư dọc theo đường ray xe lửa. Từ con đường lót ván, hẻm 239/63 Trần Văn Đang được đắp đất cho thuận tiện đi lại.

Hiện nay, nhà dân hẻm 236/63 và khu sửa chữa xe lửa vẫn được ngăn cách bởi bức tường hơn 100 năm tuổi.

Chỉ tay vào bức tường rêu xanh, ông Đức kể: “Hồi nhỏ, tôi thường trèo lên tường để nhìn qua bên xưởng sửa xe lửa và bắt dế. Vách tường ngày đó cao lắm, sau này người ta nâng hẻm chống ngập nên chỉ còn khoảng hơn 1m”.

Ông Đức nhớ, trước năm 1975, trời mưa, con hẻm trước nhà nước ngập sâu đến ngang lưng quần. Đám trẻ con thấy mưa thì ùa ra tắm và bắt cá.

Đến tuổi lập gia đình, ông Đức cưới cô hàng xóm sống ở đầu hẻm. Sau này, khi làm ăn thất bại, ông ở rể và sống gần đường tàu hơn trước.

Bức tường hơn 100 năm tuổi ngăn khu dân cư và xưởng sửa chữa xe lửa. Ảnh: Ngọc Lài.

“Lúc đầu, tôi chưa quen, xe lửa chạy ngang rầm rầm là giật mình, thao thức. Bây giờ, xe lửa mà không chạy lại thấy khó ngủ”, ông Đức chia sẻ.

Hẻm có nhiều lao động nghèo. Mọi người dù hòa đồng nhưng không tránh khỏi xích mích. Thế nhưng, cãi nhau hôm trước, qua ngày họ lại ngồi trò chuyện.

Ông Đức tiết lộ, ngày trước, quanh đường tàu, xóm nào cũng có giang hồ nhưng hẻm nhà ông đặc biệt “dữ dằn” và đầy rẫy tệ nạn xã hội. Những người sống lâu năm thì thấy vui, còn người mới đến, chỉ trụ được vài tháng là bán nhà đi nơi khác.

Đại tang ở hẻm đường tàu

Ngoài việc chấp nhận tiếng ồn, cư dân sống lâu năm ở hẻm đường tàu còn phải “làm quen” với những câu chuyện rùng rợn.

Ông Lê Hoàng Dũng (51 tuổi, bảo vệ dân phố của khu phố 4, phường 11) cho biết, thuở nhỏ, ông thường nghe người lớn kể nhiều câu chuyện tâm linh, nghe đến đâu “sởn gai ốc” đến đó.

Khu vực gác chắn Cống Bà Xếp có mật độ tàu qua lại nhiều hơn nơi khác. Ảnh: Ngọc Lài.

“Ai cũng đồn đại, khu vực Cống Bà Xếp có ma. Thực ra, chẳng ai kiểm chứng được chuyện đó nhưng lý do để người ta thêu dệt thì lại rất dễ hiểu. Bởi, ở đây có quá nhiều tai nạn thương tâm”, ông chia sẻ.

Ông Đức cũng thông tin, khoảng những năm 1980, đường sắt chưa có hàng rào, hành lang an toàn. Thế nên, người dân thường liều lĩnh nhảy tàu để đi buôn củi hoặc bán hàng rong, nhặt phế liệu, than…

Không chỉ ông Đức, hầu hết người dân hẻm đường tàu vẫn nhớ như in vụ tai nạn khiến 5 đứa trẻ thương vong. Đó là những đứa trẻ nghèo, thường ra đường ray xe lửa, chờ nhặt than hoặc ve chai từ tàu tuôn xuống.

“Mấy đứa nhỏ nhặt than, ve chai… đem bán lại cho người ta. Chẳng được mấy đồng đâu nhưng thời buổi khó khăn được đồng nào hay đồng đó. Tụi nhỏ đâu hiểu được nguy hiểm, cứ rủ nhau ra đó ngồi chờ”, ông Đức kể.

Con hẻm có nhiều người sống bằng nghề thu mua phế liệu. Ảnh: Ngọc Lài.

Trong một lần như thế, 5 đứa trẻ sống ở hẻm đường tàu, ra ngồi chờ tàu đi qua. Sau một hồi chơi đùa mệt mỏi, các em nằm luôn ra đường ray và ngủ quên. Tàu đến, 2 em bị cán tử vong, thi thể không nguyên vẹn. Ba em còn lại mang thương tật suốt đời.

Biết tin vụ tai nạn, bố mẹ những đứa trẻ xấu số đổ dồn ra đường tàu tìm con. Cả xóm thương xót, cố thay bố mẹ bọn trẻ nhặt nhạnh từng mảnh thi thể, dựng rạp làm đám tang. 

“Tiếng khóc thảm thiết của người dân, hàng xóm vang vọng, xé tan không gian quạnh vắng của đường tàu. Từ chuyện này, nhiều người đồn đại, mỗi khi ngang qua khu vực Cống Bà Xếp vào ban đêm, họ lại nghe tiếng trẻ con khóc ở giữa đường tàu.

Sau vụ việc đó, khu vực xảy ra rất nhiều tai nạn thương tâm khác. Người đời lại thêm thêu dệt những chuyện rùng mình. Cư dân trong và ngoài hẻm tự huyễn hoặc, đâm ra lo sợ không đâu”, ông Đức kể.

Khoảng năm 2002, tuyến đường sắt Bắc - Nam được làm hàng rào bảo vệ, hành lang an toàn. Từ đó, khu vực giảm các vụ tai nạn, người dân ý thức hơn khi lưu thông qua đây. Các hộ dân sống dọc theo đường tàu bắt đầu trồng hoa, cải tạo mặt tiền nhà khang trang. 

Hẻm đường tàu ngập nước đã xanh, sạch, văn minh hơn trước. Ảnh: Ngọc Lài.

Hiện tại, Cống Bà Xếp nhộn nhịp người mua kẻ bán, xe cộ lưu thông, không còn cảnh bát nháo, trộm cướp lộng hành.

Ông Đức khẳng định, không chỉ ông mà rất nhiều cư dân hẻm đường tàu mong muốn được gắn bó với vùng đất này cho đến cuối đời.

Kỳ cuối: Hẻm chợ chiều ‘lên đời’ thành phố Tây, cư dân rủng rỉnh tiền

Xe bánh dừa 40 năm nức tiếng Sài Gòn, làm đến đâu khách mua hết đến đó

Xe bánh dừa 40 năm nức tiếng Sài Gòn, làm đến đâu khách mua hết đến đó

Quán bánh dừa hơn 40 năm tuổi của ông Trang Vĩnh Phát nức tiếng Sài Gòn. Mỗi ngày đều tấp nập khách hàng ra vào, hàng chục người làm luôn tay để kịp phục vụ.
Ngôi nhà 0 đồng cho những bệnh nhân nghèo giữa lòng Sài Gòn

Ngôi nhà 0 đồng cho những bệnh nhân nghèo giữa lòng Sài Gòn

Những bệnh nhân nghèo hay từ xa lên TP.HCM chữa bệnh đều có thể ăn ở miễn phí tại ngôi nhà 0 đồng đặc biệt của vợ chồng bác sĩ Lê Thanh Nga.
Bên trong ngôi nhà của nhóm phụ nữ thề không lấy chồng ở Sài Gòn xưa

Bên trong ngôi nhà của nhóm phụ nữ thề không lấy chồng ở Sài Gòn xưa

Một thời, Sài Gòn từng là nơi sinh sống, làm việc của nhóm phụ nữ độc thân, thề không bao giờ lấy chồng. Đến nay, dấu tích cuối cùng của nhóm người này chỉ còn tồn tại trong ngôi nhà cổ có tên Tụ Quần Cư.

Tin tức mới nhất

Xem thêm

Du khách làm rơi điện thoại iPhone vào hòm công đức, phản ứng lạ của ban quản lý

Du khách làm rơi điện thoại iPhone vào hòm công đức, phản ứng lạ của ban quản lý

Nói với con gái 3 câu qua camera, ông bố Hải Dương thu hút gần 1 triệu lượt xem

Nói với con gái 3 câu qua camera, ông bố Hải Dương thu hút gần 1 triệu lượt xem

Sống sung sướng bên chồng kém 7 tuổi, NSND Thanh Ngoan vẫn thấy thiếu sót

Sống sung sướng bên chồng kém 7 tuổi, NSND Thanh Ngoan vẫn thấy thiếu sót