Cuộc sống của cô giáo người Việt trên đảo Jeju
Thứ bảy, 17/12/2022 05:48
Cuộc sống của cô giáo người Việt trên đảo Jeju
Mùa hoa trà trên đảo JeJu
Lê Ngọc Uyên Sa (26 tuổi, Thừa Thiên Huế) đến Jeju (Hàn Quốc) từ tháng 4/2022 theo hợp đồng với Sở Giáo dục tỉnh Jeju. Cô gái trẻ nhận công việc dạy tiếng Việt và văn hóa Việt Nam cho một số trường trên đảo.
Trước khi sang Hàn Quốc, Uyên Sa làm thông dịch viên cho một công ty Hàn Quốc có trụ sở ở TP.HCM. Sau 3 năm, Sa muốn xê dịch và vừa hay lúc đó, Sở Giáo dục tỉnh Jeju đăng tin tuyển giáo viên.
Từ những ngày đầu đặt chân lên đảo, Uyên Sa cảm nhận được ngay không khí trong lành, thiên nhiên tươi đẹp. Sa ấn tượng nhất là bầu trời Jeju, đặc biệt là bầu trời mùa thu. Đảo không có những tòa nhà chọc trời nên lúc nào cũng thấy rộng lớn, xanh ngắt.
Một sáng tháng 12, Sa đang trên xe buýt thì bất chợt nhìn thấy hoa trà nở đỏ thắm hai bên đường. Hàng cây thẳng tắp được phủ kín hoa khiến Sa phải “wow” lên liên tục.
Quá yêu thích loài hoa này, Sa lên mạng tìm hiểu những địa điểm trồng hoa trà trên đảo để đến tận nơi nhìn ngắm. Cuối cùng, Sa tìm được một công viên sinh thái trồng rất nhiều hoa trà cho khách vào ngắm và chụp ảnh.
Cuối tuần, Uyên Sa đi xe buýt đến công viên sinh thái. Hôm đó, trời lạnh căm căm. Thế nhưng, thời tiết ấy khiến hoa nở rực rỡ hơn. Sa nói: “Tháng 12 là mùa hoa trà trên đảo nở đẹp nhất. Đảo có rất nhiều hoa trà, tạo thành đặc trưng bên cạnh vẻ đẹp của biển”.
Mê đắm trước vẻ đẹp của hoa trà, Uyên Sa chụp ảnh liên tục trong khoảng một tiếng đồng hồ. Cô nàng không phải thợ ảnh chuyên nghiệp nhưng trước vẻ đẹp của hoa, mỗi bức ảnh đều được thổi hồn sống động.
Mặc dù, Uyên Sa sống trên đảo Jeju gần một năm nhưng bất cứ khi nào nhìn thấy cảnh đẹp, cô nàng đều thích thú. Sa rất thích lưu giữ những khoảnh khắc đẹp đẽ ấy bằng máy ảnh.
Cô giáo trẻ lan tỏa văn hóa Việt
Ngoài sở thích khám phá vẻ đẹp của đảo Jeju, Uyên Sa là một giáo viên dạy tiếng Việt và văn hóa Việt Nam có nhiều tâm huyết. Học trò của cô chủ yếu là học sinh cấp 2 của một số trường học trên đảo.
“Giữa dạy tiếng Việt và văn hóa Việt Nam, văn hóa chiếm khối lượng giảng dạy nhiều hơn. Trên đảo, số lượng gia đình đa văn hóa (người Hàn kết hôn với người nước ngoài) khá đông. Vậy nên, các trường học ở đảo rất chú trọng việc giáo dục đa văn hóa cho học sinh”, Uyên Sa cho biết.
Các gia đình Việt - Hàn chiếm phần lớn trong số các gia đình đa văn hóa trên đảo. Cho nên, học sinh của Sa có rất nhiều người là con lai Việt - Hàn.
Một số học sinh mang hai dòng máu Việt - Hàn của Sa sang Hàn Quốc muộn nên các em khá khó khăn khi phải học chương trình hoàn toàn bằng tiếng Hàn. Thế nhưng, một số em sang Hàn từ bé hoặc sinh ra ở Hàn thì thích ứng tốt hơn.
Dù diện tích đảo Jeju không lớn nhưng có rất nhiều trường học. Học kỳ vừa rồi, Sa dạy học sinh của gần 13 trường trên đảo. Uyên Sa thường phải di chuyển giữa các trường để dạy học. Tính đến thời điểm này, Sa đã đi dạy được khoảng 10 tháng và đang rất hạnh phúc với công việc của một giáo viên.
Niềm vui của cô giáo trẻ đến từ việc học sinh ứng dụng tiếng Việt vào giao tiếp hàng ngày. Các em thường chào nhiều thầy cô khác bằng tiếng Việt, rồi đố họ từ này từ kia có nghĩa là gì.
Trong ngày tôn vinh giáo viên ở Hàn Quốc, học sinh tặng cô giáo Uyên Sa một giấy khen có khắc dòng chữ tiếng Hàn, tạm dịch: “Nhờ có cô mà chúng em yêu thích tiếng Việt hơn”. Đọc lời cảm ơn của học trò, Sa rất vui và cảm thấy công việc của mình thật ý nghĩa.
Hiện tại, Uyên Sa đang sống trong khu nhà do Sở Giáo dục tỉnh Jeju cấp cho giáo viên nước ngoài. Tại đây, Sa quen biết nhiều giáo viên đến Jeju để dạy văn hóa, ngôn ngữ của các nước. Tất cả chung sống rất hòa đồng và tương trợ lẫn nhau.
Uyên Sa dự định sẽ làm công việc dạy học ở trên đảo Jeju thêm khoảng 2 năm. Tết này, Sa được nghỉ phép 2 tuần để về Việt Nam thăm gia đình. Chắc chắn, cô nàng sẽ khoe với bố mẹ về công việc yêu thích và cảnh đẹp trên đảo Jeju, nơi Sa đang lan tỏa văn hóa Việt.