Cuộc sống giữa phố cổ của chàng trai Hàn Quốc từng 'nhớ Việt Nam chết mất'
Thứ năm, 24/08/2023 09:40
Cuộc sống giữa phố cổ của chàng trai Hàn Quốc từng 'nhớ Việt Nam chết mất'
Tuấn Jeon tên thật là Jeon Hyong Jun, sinh năm 1995, đến từ Hàn Quốc. Chưa đầy 30 tuổi, Tuấn đã có hơn 30 lần đặt chân tới mảnh đất hình chữ S xinh đẹp, nơi được Tuấn coi là “định mệnh” của mình.
Tuấn đang theo học Thạc sĩ ngành Quan hệ quốc tế tại Học viện Ngoại giao Việt Nam. Ngoài giờ lên lớp, 9X còn kiêm nhiều công việc khác như chuyên gia hiệu đính tại Ban Đối ngoại Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV5); làm Tổng biên tập tạp chí KOCHAM của Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam; phóng viên thường trú của thời báo kinh tế AJU...
Mối lương duyên với tiếng Việt
Từ nhỏ, Tuấn đã rất thích tiếp xúc với người nước ngoài. Nhận thấy con trai thích học ngoại ngữ, bố mẹ cho Tuấn đi học trường quốc tế để có cơ hội phát huy năng khiếu và thêm nhiều cơ hội tiếp xúc với người nước ngoài.
9X chia sẻ việc luôn nắm bắt mọi cơ hội để được sử dụng ngoại ngữ: “Tuấn giỏi và rất mê tiếng Anh. Đi nhà hàng ăn đồ Tây, Tuấn gọi đồ ăn bằng tiếng nước ngoài để 'giả vờ' làm người ngoại quốc”.
Thế nhưng, Tuấn thi trượt vào cấp 3 chuyên ngoại ngữ khoa Tiếng Anh. Đúng lúc đó, năm 2011, xu thế gia đình đa văn hóa tăng lên tại Hàn Quốc. Có nhiều người Việt Nam sang sinh sống và làm việc tại Hàn Quốc. Lần đầu tiên trường cấp 3 nơi Tuấn định theo học mở khoa đào tạo tiếng Việt. Nhận thấy sự cần thiết của môn học này, Tuấn cân nhắc đăng ký học.
9X tự nhận kiếp trước là người Việt Nam. Ảnh: nhân vật cung cấp.
“Mới đầu, bố mẹ Tuấn còn hoài nghi, hỏi Tuấn định học tiếng Việt để làm gì. Nhưng chị gái Tuấn đã động viên: 'Nếu bây giờ em chọn con đường không nhiều người đi, chắc chắn sau này sẽ là lợi thế của em'. Vậy nên Tuấn quyết định vào học khoa Tiếng Việt của trường”, Tuấn nhớ lại.
Sau khi đăng ký học, Tuấn mới bắt đầu tìm hiểu về đất nước Việt Nam và tiếng Việt. Với Tuấn, tiếng Việt là loại ngôn ngữ có 6 thanh điệu, khó hơn cả tiếng Trung. Ban đầu Tuấn rất lo lắng và căng thẳng về lựa chọn của mình. Nhưng học được 1-2 tuần, Tuấn cảm thấy phù hợp với bản thân. "Khi học phát âm 6 dấu, cô giáo ngạc nhiên thấy Tuấn phát âm chuẩn. Sau lần đó, Tuấn thấy tự tin và đam mê hơn với tiếng Việt".
Một lần, có đoàn thanh niên người Việt Nam tới thăm trường, Tuấn dù mới học được vài tuần đã mạnh dạn tiếp xúc với đoàn. “Tuấn mới biết được vài câu tiếng Việt nên phải nhờ người phiên dịch hoặc dùng tiếng Anh, tiếng Hàn để nói chuyện. Sau lần đó, Tuấn đặt mục tiêu học thật chăm chỉ, chắc chắn phải giỏi tiếng Việt hơn cô giáo của mình thì mới có thể thoải mái nói chuyện với các bạn Việt Nam”, Tuấn chia sẻ.
Giúp đỡ cộng đồng người Việt Nam tại Hàn Quốc
Với mục tiêu 3 năm học cấp 3 rõ ràng như vậy, Tuấn rất chăm chỉ học môn ngoại ngữ “khó nhằn” này. Khi mọi người dành nhiều thời gian để luyện thi vào đại học thì Tuấn lại dành hầu hết thời gian để học tiếng Việt.
“Cô Tâm, giáo viên tiếng Việt đã giới thiệu cho Tuấn 5 người bạn Việt Nam. Thật may mắn khi được nói chuyện với những người bạn đó qua mạng xã hội”, Tuấn chia sẻ.
9X nhận thấy học tiếng Việt hiệu quả nhất khi được giao tiếp với bạn bè người Việt qua mạng xã hội, vậy là cậu tích cực kết bạn với mọi người. Thông qua các bài viết trên Facebook, Tuấn học được rất nhiều từ mới. Cậu trở thành học sinh xuất sắc môn tiếng Việt trong trường.
Khi tốt nghiệp cấp 3, Tuấn lo lắng việc lên đại học không được tiếp tục theo học tiếng Việt. Cô giáo dạy tiếng Việt người Hàn Quốc đã giới thiệu Tuấn vào làm việc tại một tổ chức phi lợi nhuận (BBB Korea). Tuấn thi đỗ vào tổ chức này và làm tình nguyện viên phiên dịch các cuộc gọi miễn phí, giúp đỡ người Việt Nam ở Hàn Quốc.
Tuấn nhớ mãi cuộc gọi từ một gia đình đa văn hóa, chồng người Hàn, vợ người Việt. Do hai người không hiểu ngôn ngữ của nhau nên những mâu thuẫn trong gia đình không thể giải quyết được. “Nhận cuộc gọi lúc 23h, Tuấn nói chuyện với vợ chồng họ tới 2h sáng. Sau khi giúp họ hiểu nhau và giải quyết được những vướng mắc trong lòng, cả hai vợ chồng khóc cảm ơn trong nước mắt, Tuấn cũng khóc theo”, Tuấn nhớ lại.
Dù Tuấn tự tin mình giỏi tiếng Việt nhưng khi sang Việt Nam du lịch, Tuấn vẫn gặp khó khăn. Vì thế, Tuấn rất đồng cảm với người Việt ở Hàn Quốc.
Khi đại dịch Covid-19 nổ ra, cuộc sống của mọi người bị đảo lộn, Tuấn tậm tâm giúp đỡ những người Việt Nam đang hoang mang trước dịch bệnh. Mỗi ngày, cậu nhận hàng chục cuộc gọi từ phòng cấp cứu, từ đồn cảnh sát, những đề nghị giúp đỡ của công nhân đi làm thuê… Đã có khoảng 3.000 cuộc gọi của người Việt Nam được Tuấn tiếp nhận và hết lòng hỗ trợ.
9X đã có gần 30 lần tới Việt Nam, tìm hiểu và trải nghiệm văn hóa các vùng miền dọc dải đất hình chữ S. Ảnh: nhân vật cung cấp.
Một lần, vào lúc 1h sáng, Tuấn nhận được tin nhắn cầu cứu của một người lạ: “Mình sống ở miền Tây, em gái mình đang ở Hàn Quốc bị tai nạn. Bạn có thể giúp mình được không?”.
Dù không biết người đó là ai, nhưng Tuấn cảm thấy đau lòng. Cậu tìm mọi cách kết nối với Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc để kết nối thông tin với gia đình nạn nhân.
Sau vụ việc đó, Tuấn được mời tới thăm Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc. “Khi gặp Tuấn, bác Đại sứ rất bất ngờ với khả năng tiếng Việt của Tuấn. Bác giới thiệu và nói em có thể theo học cao học ở Học viện Ngoại giao Việt Nam. Vốn muốn gắn bó với Việt Nam lâu dài, được làm việc ở Việt Nam, Tuấn quyết định học tiếp chương trình thạc sĩ ở Việt Nam”, Tuấn kể lại.
Quyết định sống ở phố cổ Hà Nội
Tháng 11/2021, Tuấn sang Việt Nam. Những người Hàn Quốc sang đây thường chọn sống ở khu chung cư cho người Hàn. Nhưng Tuấn mong muốn sẽ có nhiều kinh nghiệm sống ở mảnh đất tươi đẹp này nên đã có lựa chọn đặc biệt.
“Tuấn thuê nhà ở giữa phố cổ để được sống như người Việt Nam. Tuấn rất biết ơn khi được sống ở đây. Nhờ vậy mà Tuấn hiểu hơn và biết nhiều hơn về Việt Nam”, Tuấn nói.
Mỗi ngày, Tuấn có thể ăn một bát phở, mỗi tuần một lần ăn bún đậu mắm tôm; rồi ăn bún chả, nem rán, bún cá, bún riêu… Sáng sớm, cậu thức dậy ngắm phố phường, nhìn thấy 3-4 người ngồi ở quán nước vỉa hè uống trà đá, cà phê nâu đá, bên cạnh có một người đánh giày... Lắng nghe những bác xe ôm, những vị khách trò chuyện, qua đó Tuấn có thể hình dung người Hà Nội đang quan tâm vấn đề gì.
Tuấn Jeon, chàng trai Hàn Quốc chính hiệu lựa chọn sống như một người Việt Nam giữa phố cổ Hà Nội. Ảnh: nhân vật cung cấp.
Khi đi xe máy qua các phố Hàng Bông, Hàng Trống, Hàng Mành, Thợ Nhuộm…, Tuấn bắt gặp nhiều người ăn bánh mì trên vỉa hè để chuẩn bị cho một ngày mới. “Nếu sống ở khu Mỹ Đình, nơi có nhiều người Hàn thì Tuấn không thể có được trải nghiệm này”, Tuấn nói.
“Việt Nam và tiếng Việt đã cho mình một mục tiêu, một ước mơ rất lớn. Tuấn coi Việt Nam là định mệnh của mình, Tuấn vô cùng biết ơn khi được học và biết tới Việt Nam. Tuấn rất muốn gắn bó lâu dài với Việt Nam. Tuấn mong mỗi việc làm nhỏ bé của mình trở thành cầu nối văn hóa, góp phần vun đắp sự phát triển quan hệ giữa hai nước. Hy vọng mọi người sẽ luôn ủng hộ và quan tâm mọi hoạt động của Tuấn”, Tuấn Jeon nói.