Cựu binh Mỹ cảm động trước câu nói: 'Chào mừng các ông đến Việt Nam'

Cựu binh Mỹ cảm động trước câu nói: 'Chào mừng các ông đến Việt Nam'

John Terzano là một trong những cựu binh Mỹ đầu tiên trở lại Việt Nam sau chiến tranh vào tháng 12/1981. Vượt qua nhiều rào cản, chia rẽ, ông cùng đồng đội ra sức thuyết phục các nhà chính trị Mỹ ủng hộ nối lại quan hệ với Việt Nam.

Những ngày giữa tháng 1/2023, sau nửa thế kỷ ký Hiệp định Paris, ở tuổi ngoài 80, ông John Terzano cùng với những người bạn trên thế giới đã dành hơn một tuần có mặt tại Việt Nam, cùng ôn lại những năm tháng ủng hộ hết mình cho đất nước hình chữ S.

Ông John Terzano

John Terzano là một cựu binh hải quân Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam từ 1971-1972. Sau chiến tranh, ông là một trong những cựu binh đầu tiên trở lại Việt Nam với nỗ lực hòa giải, xóa bỏ cấm vận và bình thường hóa quan hệ Việt-Mỹ.

Tiếp sau đó, các ông John Terzano, John Kerry và Bobby Muller là những thành viên tích cực của tổ chức "Cựu binh Mỹ phản đối chiến tranh Việt Nam" (Vietnam Veterans agains the War (VVAW), đồng sáng lập tổ chức "Cựu chiến binh Mỹ tham chiến tại Việt Nam" (VVA-1978) và Quỹ Cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam (VVAF-năm 1982).

“Một tháng trước khi ký Hiệp định Paris (1973), tôi rời Việt Nam trên một con tàu khu trục của hải quân Mỹ. Tôi nghĩ đấy là lần cuối cùng tôi đến Việt Nam. 

Những ký ức của tôi về hai lần đến Việt Nam vào năm 1971, 1972 chẳng có gì vui thú cả, đó là những ký ức về chiến tranh. Nhưng điều tôi không biết vào thời điểm đó là tôi sẽ còn quay lại đất nước các bạn rất nhiều lần trong những năm tháng tiếp theo”, ông John Terzano mở đầu câu chuyện khi nói về quá khứ tham chiến tại Việt Nam.

Trong nỗ lực hòa giải, xóa bỏ cấm vận và bình thường hóa quan hệ Việt-Mỹ, tháng 12/1981, các ông John Terzano, Bobby Muller dẫn đầu đoàn cựu binh Mỹ đầu tiên trở lại Việt Nam sau chiến tranh.

Dù trở lại Việt Nam nhiều lần, nhưng theo ông John Terzano, dấu ấn mạnh mẽ nhất chính là lần đầu tiên. Bởi khi đó, quan hệ Việt - Mỹ cực kỳ khó khăn, Mỹ vẫn còn cấm vận với Việt Nam. Tuy nhiên, các ông John Terzano, Bobby Muller đã trở thành những người vận động tích cực để bình thường hóa quan hệ hai nước.

Chuyến thăm đầu tiên của cựu binh Mỹ đúng vào dịp Giáng sinh, thời điểm Hà Nội kỷ niệm 9 năm Điện Biên Phủ trên không.

Ông John Terzano kể: “Khi chúng tôi đi dạo trên phố Hà Nội, một người Việt Nam gặp hỏi chúng tôi có phải cựu chiến binh Mỹ?, chúng tôi trả lời, đúng. Và họ đã nói: "Ồ, chào mừng các ông đến Việt Nam”.

Ông John Terzano nhớ lại, khi đó ông cùng đồng đội bất ngờ trước thái độ của người Việt Nam, nhất là sau chiến dịch Mỹ ném bom lớn nhất gần 10 năm trước.

Ông John Terzano trò chuyện với Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Nguyễn Phương Nga

“Một hành động tử tế, tốt bụng và sự mở lòng như thế đã làm cho chúng tôi rất xúc động”, ông John Terzano cảm động.

Ông John Terzano chia sẻ, ông cùng các cựu binh Mỹ đã nhận ra cuộc chiến tranh này không thể làm tổn hại đến trái tim và khối óc của người Việt Nam. Đất nước Việt Nam vẫn tiếp tục tiến lên với năng lực và khả năng tự có. Sau chuyến thăm đó, những cựu binh trở về với tâm thế mong muốn hợp tác, giúp đỡ người dân Việt Nam nhiều hơn.

“Người bạn thân thiết Bobby Muller và tôi đã làm việc hết mình ở thành phố Washington DC, yêu cầu Chính phủ Mỹ phải có chính sách, sự hỗ trợ đối với đối các cựu binh, đồng đội cũ của chúng tôi cũng như với những người Việt Nam bị phơi nhiễm chất độc da cam”, ông John Terzano kể và cho biết, việc sáng lập Quỹ Cựu chiến binh Mỹ ở Việt Nam cũng bắt đầu từ đó.

Sau đó, các cựu binh như John Terzano, Bobby Muller đã có những hành động để tác động đến Chính phủ Mỹ về vấn đề hòa giải với Việt Nam thông qua dỡ bỏ lệnh cấm vận, bình thường hóa quan hệ.

Ông John Terzano kể lại, đó là quãng thời gian hàng chục năm không ngừng nghỉ. “Việc này không nhận được sự ủng hộ tại Mỹ trong suốt những năm 80 và đầu những năm 90 nhưng chúng tôi cùng rất nhiều người khác vẫn kiên trì”, ông John Terzano nói.

Sau những nỗ lực không mệt mỏi của các cựu binh Mỹ, năm 1994, Tổng thống Mỹ Bill Clinton đã tuyên bố dỡ bỏ cấm vận với Việt Nam. Năm 1995, hai nước chính thức bình thường hóa quan hệ ngoại giao.

Tuy nhiên, phải gần 23 năm sau Hiệp định Paris, quan hệ Việt Nam - Mỹ mới được thiết lập lại. Từ đó, các cựu binh Mỹ thuộc nhiều tổ chức khác nhau hoặc cá nhân đã sang Việt Nam làm việc, rà phá bom mìn, dạy học cho trẻ em, chữa bệnh cho nạn nhân da cam. Đồng thời thực hiện các dự án cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân, trao lại kỷ vật chiến tranh.

Tin tức mới nhất

Xem thêm

Gia Lai: Khởi tố 11 thanh thiếu niên về hành vi 'giết người'

Gia Lai: Khởi tố 11 thanh thiếu niên về hành vi 'giết người'

Bản tin tài chính sáng 31/10/2023: Giá vàng, dầu và USD cùng đi xuống

Bản tin tài chính sáng 31/10/2023: Giá vàng, dầu và USD cùng đi xuống

Những chính sách kinh tế nổi bật có hiệu lực từ tháng 11/2023

Những chính sách kinh tế nổi bật có hiệu lực từ tháng 11/2023