Đại biểu Quốc hội điểm tên Facebook Nguyễn Phương Hằng, Đặng Như Quỳnh
Thứ sáu, 28/10/2022 11:29
Đại biểu Quốc hội điểm tên Facebook Nguyễn Phương Hằng, Đặng Như Quỳnh
XEM CLIP:
Phát biểu trong phiên thảo luận kinh tế xã hội sáng 28/10, ĐB Lê Thị Ngọc Linh (Bạc Liêu) phân tích, hệ lụy từ sự ra đời và phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội đã và đang ảnh hưởng rất lớn đến tư tưởng, hành vi của các nhóm đối tượng, nhất là với người trẻ - một trong những nhóm đối tượng sử dụng mạng xã hội nhiều nhất.
Nữ đại biểu cho biết, theo thống kê, các mạng xã hội lớn được giới trẻ ưa chuộng như Youtube, Facebook, Zalo có tỷ lệ người trẻ sử dụng lần lượt đạt 92%, 91,7% và 76,5%. Bà Linh nhận định, những con số cho thấy mức độ ảnh hưởng lớn và phổ biến của mạng xã hội và sự nguy hại với giới trẻ.
Nữ ĐB phân tích những ưu điểm của mạng xã hội, với lý do tốc độ thông tin nhanh, nội dung đa dạng, có thể sử dụng mọi lúc mọi nơi, kết nối gia đình, bạn bè, người thân trên mọi miền Tổ quốc; là nguồn thông tin hữu ích nếu biết cách khai thác, sử dụng hợp lý.... Ngược lại mạng xã hội sẽ gây ra nhiều hệ lụy không tốt vì lượng thông tin nhiều, thông tin xấu khó kiểm chứng.
ĐB bày tỏ sự lo ngại khi nhiều thông tin xấu độc, có những thông tin mang nội dung dụ dỗ, chia rẽ, lôi kéo, kích động; hay các phim ảnh đồi trụy lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội. Những điều này sẽ ảnh hưởng đến tâm sinh lý, nhân cách, lối sống của giới trẻ.
Thống kê sơ bộ cho thấy trong hơn 30 triệu người dùng Internet tại Việt Nam, khoảng 87,5% đã và đang sử dụng mạng xã hội; độ tuổi sử dụng 15-34 tuổi chiếm khoảng 71%; thời lượng sử dụng trung bình khoảng 5 giờ/ngày; giới trẻ đang dành khá nhiều thời gian cho mạng xã hội với đó cũng là nguyên nhân gây nên "nghiện mạng xã hội".
Bà Linh cũng bày tỏ, tình trạng vi phạm hoặc vi phạm pháp luật nghiêm trọng do việc sử dụng mạng xã hội nhằm đăng tải thông tin sai sự thật, làm ảnh hưởng đến Đảng, Nhà nước và cá nhân. Nữ ĐB dẫn chứng tài khoản Facebook Nguyễn Phương Hằng (TP.HCM) hay tài khoản Đặng Như Quỳnh (Hà Nội), vừa qua đã bị cơ quan chức năng mời làm việc, xử phạt, xử lý. Một số tổ chức, cá nhân lợi dụng mạng xã hội để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, buôn bán hàng giả, hàng cấm. Có những trường hợp xuất phát từ mâu thuẫn trên mạng xã hội dẫn đến hẹn nhau "giải quyết" ngoài đời thực....
Phó Bí thư Tỉnh đoàn Bạc Liêu nhấn mạnh, các tổ chức chính trị - xã hội cần phối hợp với nhà trường, gia đình trong công tác giáo dục định hướng để biết cách khai thác thông tin tích cực trên các trang mạng xã hội; giáo dục cách ứng xử văn minh trên mạng và kiểm soát hành vi, không gây ảnh hưởng đến tổ chức, cá nhân. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng liên quan cũng cần nâng cao hiệu quả phối hợp, quản lý đối với mạng xã hội, Luật An toàn thông tin mạng và Luật An ninh mạng.
Theo nữ ĐB tỉnh Bạc Liêu, cần tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách đối với mạng xã hội sao cho kẻ xấu không có cơ hội thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật trên các trang mạng xã hội, từ đó giúp cho giới trẻ sử dụng mạng xã hội theo hướng tích cực, an toàn, hướng đến các giá trị của chân thiện mỹ, hình thành thói quen sống tích cực, lành mạnh, có hành động đẹp.
"Các cơ quan có trách nhiệm cần có những chế tài xử lý mạnh hơn đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật trên các trang mạng xã hội", bà Linh nêu quan điểm.
Xử lý thích đáng khi nghệ sĩ có phát ngôn, lối sống không phù hợp
ĐB Nguyễn Thị Hà (Bắc Ninh) nêu việc thanh niên hiện nay được tiếp cận công nghệ rất sớm, nên vấn đề văn hóa số cần được quan tâm.
Ảnh hưởng của những người trẻ nổi tiếng là thần tượng của đông đảo người hâm mộ có độ phủ rộng và ảnh hưởng lớn đối với giới trẻ. Tuy nhiên, cách ứng xử của những thần tượng trẻ tuổi đôi khi lại gây ra rất nhiều quan ngại. Người hâm mộ trẻ thì đang ở lứa tuổi hình thành nhân cách, chưa phát triển đầy đủ về nhận thức, chưa phân biệt được giá trị thật, ảo của vô vàn thông tin trên mạng, dễ bị lôi cuốn vào những điều mới mẻ.
Do vậy, những hành vi ứng xử lệch chuẩn của những người nổi tiếng dễ định hướng sai lệch trong việc hình thành nhân cách cho những người hâm mộ trẻ tuổi. Ở đây không khó để nhìn ra được thực trạng thần tượng nào fan đó và ngược lại.
"Trên nhiều phương diện, người nổi tiếng cũng giống như người bình thường, nhưng sự thành công của người nổi tiếng gắn liền với người hâm mộ, họ có ảnh hưởng rất lớn đối với sự phát triển tư duy của người hâm mộ trẻ tuổi. Vì vậy, họ cần phải có trách nhiệm với những phát ngôn trên báo chí, mạng xã hội và cũng cần phải có trách nhiệm đối với hành vi và lối sống của mình", bà nhấn mạnh.
ĐB tỉnh Bắc Ninh phân tích về nguồn thu nhập khủng từ các nền tảng trực tuyến như trên Youtube, Tiktok, Facebook tạo ra nhiều trào lưu, các bạn trẻ làm việc trên các nền tảng. Bên cạnh những video có giá trị về giáo dục, văn hóa tinh thần thì lại có nhiều bạn trẻ để nhanh chóng đạt được những mục tiêu tài chính như mong ước.
Tuy nhiên, theo nữ ĐB, việc bất chấp để nổi tiếng theo cách thể hiện lối sống thực dụng, suy thoái về tư tưởng của người tạo ra video. Đáng lo ngại là những video này lại dễ dàng thu hút sự chú ý của thanh niên, thậm chí nhiều trẻ em hằng ngày vẫn lướt xem. Hệ lụy là một bộ phận người xem là thanh thiếu niên sẽ có suy nghĩ lệch lạc "không cần phải chăm chỉ học hành, tu dưỡng đạo đức, chỉ cần làm những video giật gân là sẽ nổi tiếng và sẽ kiếm được nhiều tiền".
Ngoài ra, việc lướt xem các video có nội dung xấu, độc thường xuyên sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới tâm lý, dễ dẫn tới những hành vi không chuẩn mực. Bà cũng nêu thực trạng giới trẻ khi chứng kiến các vụ bạo lực học đường, tai nạn giao thông hay những vụ án mạng lại có thái độ vô cảm, thản nhiên phát livestream, quay clip đưa lên mạng, thay vì hỗ trợ hoặc báo cho các cơ quan chức năng.
Theo bà, cần có môi trường pháp lý chặt chẽ nhằm quản lý các nền tảng mạng xã hội để người dùng được tiếp cận với những sản phẩm phù hợp với lứa tuổi và văn hóa. Hạn chế và kiểm soát những video, những tài khoản đăng tải những nội dung xấu, độc, nghiêm trị những tổ chức, cá nhân có hành vi gây nguy hại cho cộng đồng. Đồng thời, có những chính sách ưu đãi đối với các nền tảng có ứng dụng trí tuệ nhân tạo, ngăn chặn những video hoặc bài đăng có nội dung độc hại.
Chế tài xử lý thích đáng và đủ sức răn đe với những trường hợp nghệ sĩ có phát ngôn, cư xử, lối sống không phù hợp, không lành mạnh, làm ảnh hưởng tiêu cực đến lối sống của giới trẻ.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Lên mạng xã hội phải định danh để phát ngôn có trách nhiệm hơn
Đảng viên, công dân sử dụng mạng xã hội phải ứng xử văn hóa, lan tỏa điều tốt đẹp
Theo ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, phải phát động phong trào thi đua mỗi đảng viên, công dân… khi sử dụng điện thoại thông minh, internet, mạng xã hội thì phải biết ứng xử văn hóa, lan tỏa điều tốt đẹp.