Đam mê kỳ lạ của nhà sưu tập cổ vật 9x
Chủ nhật, 19/02/2023 06:04
Đam mê kỳ lạ của nhà sưu tập cổ vật 9x
Sinh năm 1997 tại Kiên Giang, ngay từ nhỏ, La Quốc Bảo đã tiếp xúc với nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống. Niềm đam mê tìm tòi các giá trị di sản thực sự mạnh mẽ khi anh học ngành Kiến trúc, ĐH Monash, Australia. Từ đây, chàng trai 9X ước mơ được nghiên cứu và quảng bá văn hoá mỹ thuật Việt Nam ra quốc tế.
Hiện tại, La Quốc Bảo là nhà sưu tập cổ vật và nghiên cứu độc lập về mỹ thuật nhà Nguyễn. Đảm nhận việc tái hiện trang phục cung đình của triều đại này, chàng trai trẻ là tác giả của nhiều dự án lưu giữ nét văn hoá, lịch sử thông qua những bộ trang phục và giày.
Một trong những dự án nổi bật là ứng dụng hoa văn triều Nguyễn trên những đôi giày. Dự án gây tiếng vang và cũng là tâm huyết lớn nhất của anh là Hoa Quan Lệ Phục, tái hiện lễ phục cung đình triều Nguyễn.
Ba bộ trang phục (hai áo Nhật Bình, một áo Giao Lĩnh quan văn) đã được anh thực hiện với hầu hết tư liệu đến từ những món cổ vật trong chính bộ sưu tập của riêng mình.
Với anh, đó không còn là giới hạn trong “ứng dụng” hoa văn xưa lên thời trang hiện đại nữa mà là đắm mình trong từng đồ án, thớ vải, kỹ thuật của các loại đồ thêu, y phục.
“Cứ đi qua mỗi quá trình lại thêm một lần trầm trồ trước tài nghệ tạo tác của ông bà ta xưa. Phải học hỏi và hiểu, ta mới tự hào đưa những giá trị duy mỹ của tiền nhân ra thế giới một cách chuyên nghiệp và đúng mực”, La Quốc Bảo chia sẻ với VietNamNet.
Về bộ áo Nhật Bình, tác phẩm được lấy cảm hứng từ bức ảnh Nam Phương hoàng hậu khoác trên mình bộ Nhật Bình đỏ tại Lầu Công Quán. Tuy không cầu kỳ như những bộ lễ phục sau này của bà nhưng lại rất đặc biệt, bởi đó là bộ lễ phục đầu tiên bà mặc trong lễ cưới Vua Bảo Đại.
Sau nhiều lần thử nghiệm và di chuyển liên tục giữa TP.HCM - Huế - Hà Nội, để thổi vào tấm áo hồn kinh kỳ xưa, từ chỉ thêu đến nền vải đỏ đều dùng tơ tằm, được thêu và viền kim tuyến thủ công ròng rã gần 6 tháng trời. Thậm chí, để thực hiện dự án Hoa Quan Lệ Phục, La Quốc Bảo và cộng sự (hoạ sĩ Nguyễn Phùng Minh Luân) đã dành nhiều tháng ròng rã và tự bỏ tiền túi để thực hiện.
La Quốc Bảo và cộng sự luôn cân bằng giữa việc tái hiện các lễ phục tiệm cận với chất lượng ngày xưa và việc thương mại hoá như một tác phẩm nghệ thuật chỉn chu, chuyên nghiệp. Khách hàng có thể là bảo tàng, nhà sưu tập, nhà hàng hay khách sạn - khi họ muốn trưng bày một tác phẩm biểu trưng cho mỹ thuật cung đình Huế nhưng lại e dè trước công tác bảo quản và độ mỏng manh của cổ vật thật.
Chàng hoạ sĩ 9X vừa cho ra mắt bộ sưu tập giày Lunar New Year với những thiết kế phá cách. Điểm sáng không chỉ nằm ở những chi tiết liên quan mật thiết với con giáp tương ứng mỗi năm mà còn là sự “chơi đùa” cùng chất liệu mang âm hưởng dân gian.
Mới đây, La Quốc Bảo được BQL di tích đền Bạch Mã (thuộc Thăng Long Tứ Trấn) mời tham gia bảo tồn hiện vật mới phát hiện. Đó là 4 tấm áo bào tuyệt tác có tuổi đời hơn 100 năm, vốn bị bỏ quên hàng chục năm.
Trong số đó, phải kể đến 2 chiếc mãng bào may bằng trang hoa vân cẩm (dệt cài hoa) mà triều đình Nguyễn đã cung tiến từ Huế ra Hà Nội.
La Quốc Bảo chia sẻ: “Chiếc đầu tiên có nền vải rực rỡ một sắc hồng tím ma mị - thứ màu kỳ lạ tôi chưa từng nhìn thấy ở bất cứ đâu. Đây là loại gấm cao cấp bậc nhất được triều đình đặt hàng ở vùng Giang Nam - Trung Quốc để may đại triều phục cho vương tôn quan lại. Từng màu trên đoạn vải được nhuộm kỹ rồi mới dệt nên chắc chắn đây là một tác phẩm có chủ đích cùng quy chế rõ ràng chứ không đơn giản là nhuộm lệch tông màu".
Dựa vào chất liệu và hình dáng, có thể xác định áo được may vào đầu thế kỷ 20, được bảo tồn tốt nhất so với 3 chiếc còn lại.
Chiếc thứ 2 đặc trưng cho thờ tự vì chỉ thêu mỗi mặt trước và tay áo, hoàn toàn để trống phần lưng trên nền vải màu tử hồng thịnh hành cuối thế kỷ 19.
Chiếc thứ 3 là một áo mãng bào với kích thước rất lớn, có thể trùm vừa đủ một bức tượng thờ cỡ trung. Áo thêu tơ rối kết hợp cùng bắt kim tuyến và kim sa nhưng chỉ thêu thân trước và 2 tay sau, bỏ trống toàn bộ mặt lưng và 2 tay trước.
Chiếc áo thứ 4 có lẽ là bộ mãng bào có sắc vàng hoàng gia duy nhất từng được công bố. Về chất liệu, áo vẫn là loại trang hoa vân cẩm mà triều đình nhà Nguyễn đặt dệt tại ngự xưởng vùng Giang Nam - Trung Quốc. Khi soi kỹ, mật độ sợi vàng (kim tuyến) dệt trên vải này còn nhiều hơn chiếc áo tím hồng trước đó.
Các tác phẩm của Bảo thể hiện rõ trong đó có những triết lý sống, giá trị về lịch sử, văn hoá.