Để tư nhân đầu tư sẽ đủ điện, giá thấp?
Thứ năm, 24/08/2023 06:01
Để tư nhân đầu tư sẽ đủ điện, giá thấp?
LTS: Thiếu điện cao điểm nắng nóng vừa qua gây tổn hại hàng tỷ USD và vẫn là mối nguy hiện hữu trong vài ba năm tới. Sự tham gia ngày càng sâu rộng của khu vực tư nhân vào đầu tư nguồn điện đang đặt ra những vấn đề quan trọng về chính sách thu hút đầu tư. Trong khi đó, cơ chế điều chỉnh giá điện vẫn đang thiếu tính thị trường.
Tuyến bài "Tương lai của ngành điện" phân tích những nút thắt đang tồn tại, nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa đầu tư cho nguồn điện mới cùng những thay đổi cần thiết về chính sách giá điện.
PV. VietNamNet trao đổi với chuyên gia năng lượng Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh, về cơ chế cho ngành điện Việt Nam.
Đầu tư rất lớn nhưng sử dụng không mấy hiệu quả
- Ông đánh giá thế nào về việc thiếu điện trong mùa hè vừa qua ?
Ông Hà Đăng Sơn: Vấn đề thiếu điện không phải bây giờ mới nói đến mà chúng ta đã được cảnh báo cách đây 2-3 năm. Bản thân các dự báo, phân tích và đánh giá của Đề án quy hoạch điện VIII được phê duyệt tại Quyết định 500 đều nói đến rủi ro lớn về cung ứng điện cho miền Bắc năm 2023 và 2024.
Lý do là gần như chúng ta không có nguồn cung điện mới nào ở miền Bắc. Nhiệt điện Thái Bình 2 đi vào vận hành thời gian qua được xây dựng từ 10 năm trước. Dự án này có nhiều vấn đề, nhưng dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Bộ Công Thương, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nên đã về đích, hòa lưới thành công.
Có nghĩa là, gần như các nguồn chủ động đều không được bổ sung mới, trong khi với thủy điện, 3-4 năm nay chúng ta đều lặp đi lặp lại câu nói "các thủy điện lớn đã xây dựng hết rồi".
Năm 2019, khi tham dự tọa đàm về năng lượng, chúng tôi đã thảo luận nhiều về cơ chế nào để thúc đẩy đầu tư cho năng lượng tái tạo tại khu vực miền Bắc. Khi đó, giá ưu đãi (FiT2) cho điện mặt trời chưa được ban hành.
Trong một dự thảo Bộ Công Thương đưa ra cũng nêu vấn đề cần phải phân vùng, tức có những ưu đãi khác biệt về giá giữa các vùng. Các khu vực có bức xạ tốt, nhưng lại nghẽn về truyền tải nên hạn chế sử dụng cơ chế giá FiT hoặc giảm mức giá FiT và ưu tiên cho khu vực miền Bắc là khu vực không có điều kiện tốt về bức xạ với mức giá FiT cao hơn. Nhưng sau đó, không hiểu vì lý do nào, các phân tích đánh giá và đề xuất đó không được chấp nhận. Chúng ta có một mức giá FiT2 ngang nhau giữa miền Bắc và các khu vực còn lại.
Rõ ràng, đầu tư điện mặt trời ở miền Bắc khó khăn hơn rất nhiều, nắng rất kém. Các nhà đầu tư khi nhìn thấy một mức giá FiT như vậy sẽ tiếp tục dồn vào khu vực Bình Thuận, Ninh Thuận hay Tây Nguyên, những nơi đang có vấn đề về lưới truyền tải. Chúng ta có lượng đầu tư rất lớn nhưng lại sử dụng không mấy hiệu quả. Đây cũng là điều không phù hợp lắm trong việc ban hành chính sách về đầu tư năng lượng tái tạo.
Chúng ta nói nhiều về chuyển dịch năng lượng, thay vì dựa vào các nguồn hóa thạch sang sử dụng năng lượng tái tạo. Nhưng với điện mặt trời mái nhà, sau khi hết cơ chế giá FiT vào tháng 12/2020, các doanh nghiệp cũng xem xét đầu tư thì lại gặp nhiều vướng mắc về giấy phép xây dựng, phòng cháy chữa cháy.
Quyết định 500 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch điện VIII có nói đến tạo điều kiện tối đa và không hạn chế đối với điện mặt trời mái nhà tự dùng, nhưng đến nay vẫn chưa có cơ chế chính sách nào hỗ trợ cho việc thực hiện định hướng này.
- Vậy ông đánh giá thế nào về khả năng cung cấp điện những năm tới?
Rõ ràng, Việt Nam thực sự đang đứng trước sự lựa chọn vô cùng khó khăn. Đó là trong một vài năm tới, chúng ta sẽ đầu tư cho các nguồn điện như thế nào, đặc biệt là ở miền Bắc, cho phù hợp.
Bởi vì, đầu tư điện khí LNG hay hydrogen còn khá xa, mất nhiều thời gian, chi phí đầu tư cũng như giá bán điện vẫn là thách thức trong bối cảnh EVN đang chịu lỗ lớn. Để một hệ thống nhà máy điện khí LNG đi vào vận hành phải mất thêm 3-5 năm nữa. Có nghĩa, nguy cơ thiếu điện của chúng ta vẫn rất cao.
Cơ chế chính sách tốt, nhà đầu tư sẽ rót tiền
- Muốn đủ điện phải có các nguồn điện lớn, ổn định. Vậy làm sao để thu hút đầu tư từ các nhà đầu tư tư nhân vào các dự án lớn như vậy, thưa ông?
Tôi muốn bắt đầu từ biểu giá điện hỗ trợ (FiT) cho điện gió, điện mặt trời. Chúng ta gần đây nói nhiều về tuyên bố JETP mà các nước phát triển cam kết 15 tỷ USD hỗ trợ cho Việt Nam đẩy nhanh quá trình giảm thiểu carbon trong ngành điện.
Chúng ta hãy nhìn lại cơ chế giá FiT vừa qua thu hút được bao nhiêu tiền? Với 20.000MW điện gió và điện mặt trời đã được đầu tư, tạm tính nhẹ nhàng là đơn giá 800 nghìn USD cho 1MW thì riêng số tiền đầu tư đã vượt con số 15 tỷ USD mà các nước phát triển hứa với chúng ta.
Điều này có nghĩa để huy động vốn đầu tư vào nguồn điện, lưới điện, chỉ cần tạo điều kiện tốt nhất thì nhà đầu tư sẽ bỏ tiền vào. Khi các cơ chế gây khó khăn, tự nhiên trào lưu đầu tư cho năng lượng tái tạo lại tạm dừng.
Tôi nói chuyện với rất nhiều nhà đầu tư năng lượng tái tạo, họ nói hầu như không nhìn thấy cơ hội mà chỉ thấy quá nhiều rủi ro. Vì thế, dù có ca ngợi năng lượng tái tạo, dù có chính sách gì đi nữa mà không làm rõ, xóa bỏ những rào cản về mặt giấy tờ, thủ tục thì họ sẽ không bỏ tiền, dù là nhà đầu tư trong nước hay nhà đầu tư nước ngoài.
Quy hoạch điện VIII đặt ra mục tiêu đầu tư cho từng loại hình nguồn điện, nhưng nếu không có cơ chế, chính sách phù hợp, nhất là các chính sách đó không ổn định và rõ ràng, có thể dự báo được, thì nhà đầu tư khó thấy việc đầu tư sẽ đảm bảo sinh lời và không gặp rủi ro pháp lý gì.
Các nhà đầu tư gần đây thực sự lo lắng về rủi ro pháp lý.
Vì thế, nên xây dựng các cơ chế chính sách mở nhất, thoáng nhất cho các nhà đầu tư vào lĩnh vực năng lượng. Chúng ta đã đạt nhiều thành công trong quá trình đổi mới, mở cửa nền kinh tế, thu hút đầu tư, nhưng gần đây tôi thấy có vẻ như chúng ta đang siết lại và làm khó cho các nhà đầu tư tư nhân.
Một mặt chúng ta nói phải thu hút vốn tư nhân, tăng năng lực cạnh tranh, xã hội hóa, làm sao phá bỏ thế độc quyền của EVN, nhưng mặt khác các cơ chế chính sách lại không tạo điều kiện cho các nhà đầu tư để hỗ trợ Chính phủ trong vấn đề đó.
Một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới chỉ ra rằng tất cả đầu tư cho tăng trưởng xanh, giảm carbon trong nhiều lĩnh vực thì nguồn vốn đầu tư công chỉ đáp ứng 20%, 80% còn lại là từ khối tư nhân.
Nếu không có cơ chế đẩy mạnh đầu tư tư nhân, quy hoạch mà không có chính sách, kế hoạch, nội dung cụ thể thì chỉ là quy hoạch trên giấy và không có tính khả thi.
- Nhiều ý kiến gần đây cho rằng chỉ cần bỏ thế độc quyền của EVN, xây dựng cơ chế thị trường hơn cho ngành điện thì sẽ đủ điện, giá điện sẽ thấp. Ông nghĩ sao về điều này?
Thực sự việc cung ứng điện là rất khó khăn trong những năm tới. Cái gì mang ra dùng được chúng ta mang ra dùng hết rồi.
Tôi đọc nhiều bình luận trên các nhóm rằng cứ cải tổ giá, để thị trường quyết định, đẩy mạnh xã hội hóa, phá bỏ độc quyền điện thì sẽ đủ điện và giá thấp. Nhưng có một nguyên lý là cái gì sạch không bao giờ rẻ. Đó là điều hiển nhiên của kinh tế thị trường.
Nguyên tắc thứ hai là khi cung không đủ thì giá sẽ cao. Còn khi kiềm giữ giá đương nhiên sẽ tạo ra tín hiệu để thị trường giảm cung ứng đi.
Bài toán đặt ra là chúng ta bị hạn chế về nguồn điện rồi thì khó có thể nói tư nhân vào sẽ đủ điện và giá thấp. Vì tư nhân đầu tư cũng cần thời gian, họ cũng phải xử lý câu chuyện về thủ tục, giấy tờ.
EVN có thể có một số lợi thế về hồ sơ thủ tục vì là DNNN, nhưng họ lại gặp bất lợi như chi phí không phản ánh hết các yếu tố thị trường.
Với tư nhân, quá trình đầu tư các dự án điện tái tạo cho thấy họ sẵn sàng bỏ tiền để đền bù giải phóng mặt bằng, để dự án về đích nhanh nhất có thể. Nhưng EVN không làm được việc đó.
Đổi lại, nếu để tư nhân xây đường dây truyền tải thì tôi cam đoan tư nhân sẽ khó hơn EVN rất nhiều. Bởi đền bù giải phóng mặt bằng trong trường hợp này phức tạp hơn nhiều do không chỉ trên phạm vi 1 huyện tỉnh mà là một vài tỉnh.
- Xin cảm ơn ông!