Đền Quả Sơn ngàn năm tuổi bên dòng sông Lam
Thứ tư, 07/12/2022 06:01
Đền Quả Sơn ngàn năm tuổi bên dòng sông Lam
Đền Quả Sơn xưa thuộc địa phận xã Bạch Đường, tổng Bạch Ngọc, huyện Nam Đường, trấn Nghệ An (nay là xã Bồi Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An).
Theo sử cũ và thần phả đền Quả Sơn, Lý Nhật Quang là con trai thứ 8 của vua Lý Thái Tổ. Hiện chưa có tài liệu nào ghi chép chính xác về năm sinh của ông, còn năm mất là 1057, sau gần 16 năm làm Tri châu Nghệ An.
Ông là người dũng cảm, trung hiếu. Năm 1039, Lý Nhật Quang được triều đình cử vào Nghệ An lo việc thu thuế. Tháng 11/1041, triều đình xuống chiếu cho ông vào làm Tri châu Nghệ An.
Đây là dấu mốc quan trọng khẳng định vai trò và ảnh hưởng to lớn của Lý Nhật Quang với vùng đất Nghệ An. Năm 1044, ông được triều đình trao cho quyền “tiết việt” (quyền được bổ nhiệm quan lại, xử phạt, phong thưởng, điều khiển binh lính… mà không cần xin phép triều đình).
Chính vì vậy trong quá trình thay vua trị vì xứ Nghệ, ông đã có những chủ trương chính sách cải cách, mở mang kinh tế, chính trị, văn hóa cho vùng đất này.
Năm 1057, Uy Minh Vương Lý Nhật Quang mất và hiển thánh ngay dưới chân núi Quả. Nhân dân xứ Nghệ vô cùng thương tiếc, khóc thương, lập đền thờ đúng nơi ông mất và hiển thánh, gọi là đền Quả Sơn.
Để tướng nhớ vị Tri châu đã có nhiều công lao to lớn đối với sự nghiệp dựng nước, giữ nước, người dân đã lập nhiều đền đài, miếu mạo để thờ tự và suốt đời ghi nhớ công ơn của ông, trong đó Đền Quả Sơn được xem là ngôi đền thờ chính.
Trải qua bao biến cố, thăng trầm của lịch sử, do thời gian và chiến tranh, đền Quả Sơn không còn lưu giữ được quy mô và tầm vóc như xưa (7 toà, 40 gian mang phong cách Lý Trần).
Năm 1952, bom đạn của thực dân Pháp đã làm cho ngôi đền bị phá hoại nghiêm trọng. Đền chỉ còn lại ngôi mộ của ông và tấm bia đá cổ.
Phục dựng ngôi đền thiêng
Năm 1996, thực hiện chủ trương bảo tồn, phục hồi và tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa dân tộc, ngôi đền được chính quyền và nhân dân trùng tu. Đến năm 1999, đền được xếp hạng “Di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia”.
Lễ hội đền Quả Sơn hàng năm diễn ra vào trung tuần tháng giêng âm lịch. Vào những ngày diễn ra lễ hội, nhân dân các xã Bồi Sơn, Ngọc Sơn, Lam Sơn... và vùng phụ cận của huyện Đô Lương đều háo hức chuẩn bị. Trong hành trình du xuân của người Nghệ không thể thiếu điểm du lịch tâm linh nức tiếng này.
Chủ tịch UBND huyện Đô Lương (Nghệ An) Hoàng Văn Hiệp cho biết, đền Quả Sơn nằm ở ví trí đắc địa. Phía trước đền hướng ra dòng sông Lam, sau là núi Quả. Huyện đã kêu gọi nguồn xã hội tiếp tục nâng cấp, tôn tạo ngôi đền với tổng mức đầu tư trên 50 tỉ đồng.
Đến thời điểm này, các hạng mục dự án nâng cấp, tôn tạo đền đang khẩn trương hoàn thành để phục vụ nhân dân và du khách thập phương.
Việc phục hồi, duy trì Lễ hội Đền Quả Sơn đã thể hiện một cách sâu sắc đạo lý truyền thống "uống nước nhớ nguồn", khơi dậy tinh thần thượng võ và các hoạt động văn hóa truyền thống, đáp ứng nhu cầu của nhân dân và con em quê hương đang sinh sống ở mọi miền của Tổ quốc.
Đến với lễ hội đền Quả Sơn, mỗi người sẽ cảm nhận được những nét rất riêng của không gian lễ hội, cõi linh thiêng, sự long trọng của phần lễ và nét hấp dẫn, náo nhiệt của phần hội mang đặc trưng của vùng đất “địa linh” một thời.
Trần Tuyên - Quốc Huy