Doanh nghiệp nội muốn làm siêu cảng 6,7 tỷ USD với đối tác Mỹ 'mạnh' cỡ nào?
Thứ sáu, 15/09/2023 06:57
Doanh nghiệp nội muốn làm siêu cảng 6,7 tỷ USD với đối tác Mỹ 'mạnh' cỡ nào?
Bất chấp thị trường chứng khoán có những rung lắc mạnh, cổ phiếu GMD của CTCP Gemadept là số ít mã chứng khoán vẫn đang băng băng lập đỉnh mới tại 65.600 đồng/cp (ngày 13/9), trước khi điều chỉnh nhẹ về còn 64.200 đồng/cp (ngày 14/9), tăng gần gấp rưỡi so với đầu năm.
Một trong những động lực tăng giá gần đây đến từ thông tin Gemadept và Công ty điều hành cảng SSA Marine (Mỹ) cùng hợp tác trong các dự án cảng chiến lược ở miền Nam Việt Nam, bao gồm mối quan tâm chung trong việc phát triển Trung tâm Logistics Cái Mép Hạ trị giá 6,7 tỷ USD.
Siêu cảng lớn nhất Việt Nam
Cảng Cái Mép Hạ (còn gọi là cảng Cái Mép – Thị Vải) được xây dựng ở ngay cửa sông Cái Mép và sông Thị Vải (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) có nhiều lợi thế khai thác, nhưng đến nay vẫn chưa thể trở thành cảng trung chuyển quốc tế.
Dự án ban đầu được quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2.000 với diện tích khoảng 1.800ha. UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã phê duyệt với 2 phân khu chính là Trung tâm Logistics và Bến cảng Cái Mép Hạ hạ lưu.
Nhằm kéo dài bến cảng để có thể tiếp nhận các tàu có tải trọng lớn nhất thế giới, đồ án điều chỉnh quy hoạch Trung tâm logistics Cái Mép Hạ với tổng diện tích nâng lên hơn 2.20ha, biến khu vực này thành cảng trung chuyển tầm cỡ khu vực và thế giới.
Với tổng mức đầu tư lên đến 6,7 tỷ USD cùng với quy mô diện tích hơn 2.200ha, Trung tâm Logistics Cái Mép Hạ sẽ trở thành trung tâm logistics lớn nhất Việt Nam sau khi hoàn thành xây dựng.
Trong buổi hội thảo góp ý phương án đầu tư dự án Trung tâm Logistics Cái Mép Hạ đầu tháng 10/2022, đơn vị tư vấn là công ty Portcoast đề xuất tỉnh hai phương án đấu giá, chọn một nhà đầu tư duy nhất hoặc nhiều nhà đầu tư; phân kỳ đầu tư cảng.
Giai đoạn 1 từ nay đến năm 2030 sẽ đầu tư xây dựng Trung tâm logistics Cái Mép Hạ và giai đoạn 2 từ sau năm 2025 là đầu tư xây dựng bến cảng Cái Mép Hạ hạ lưu. Tổng mức đầu tư dự án vào khoảng là 154.391 tỷ đồng.
Trong khi quan điểm của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu là lựa chọn nhà đầu tư có năng lực, có thể là lựa chọn nhà đầu tư đa dạng chứ không chỉ trong một lĩnh vực, có thể liên danh, tổ hợp các nhà đầu tư theo đúng quy định của pháp luật.
Lưu ý ngoài Gemadept và SSA Marine, siêu cảng này còn được sự quan tâm của 7 nhà đầu tư tiềm năng khác là Liên doanh Geleximco – ITC, Liên danh Việt Nam - EU giữa Besix - Boskalis – Hateco, IMG Innovations, CTCP Xuất Nhập khẩu Quốc tế Tân Đại Dương, Tập đoàn Mặt Trời, Saigontel, TCT Tân Cảng Sài Gòn.
Nắm giữ loạt cảng biển lớn
Gemadept tiền thân là một doanh nghiệp nhà nước, thành lập năm 1990. Cùng với chính sách đổi mới kinh tế của Chính phủ, năm 1993, Gemadept trở thành một trong 3 công ty đầu tiên được cổ phần hóa và được niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam vào năm 2002.
Đây được xem là công ty tư nhân hàng đầu trên bản đồ hàng hải Việt Nam (xếp sau TCT Hàng hải Việt Nam), với sự hiện diện dày đặc ở các cảng biển trải dài từ Bắc vào Nam cùng nhiều trung tâm phân phối trong và ngoài nước.
Ông lớn này điều hành hệ thống 7 cụm cảng lớn gồm: 3 cảng tại phía Bắc là Cảng Nam Đình Vũ, Nam Hải ICD, Cảng Nam Hải, một tại miền Trung là Cảng Dung Quất và 3 cảng tại phía Nam là Phước Long ICD, Cảng Gemalink và Cảng Bình Dương.
Đáng chú ý nhất là Cảng Gemalink với sự hợp tác cùng đối tác CMA Terminals (Pháp), là cảng nước sâu lớn nhất Việt Nam và lọt top 19 thương cảng của thế giới có thể tiếp nhận cỡ tàu lớn nhất hiện nay (250.000 tấn trọng tải).
Công ty tư nhân này còn mạng lưới logistics dày đặc với 6 trung tâm phân phối hàng hóa tại miền Bắc, 3 trung tâm tại miền Trung và 13 địa điểm luân chuyển hàng hóa ở khu vực phía Nam. Một số lĩnh vực khác công ty có tham gia là bất động sản, trồng rừng.
Về hoạt động kinh doanh, Gemadept đang có những bước tiến lớn gần đây. Năm ngoái, công ty ghi nhận doanh thu gần 3.900 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế ở mức 1.161 tỷ đồng, lần lượt tăng 22% và 62% so với năm liền trước.
Báo cáo 6 tháng đầu năm nay, ông lớn logistics này chứng kiến doanh thu giảm nhẹ 3% về 1.814 tỷ đồng do thị trường hàng hải kém sắc. Tuy nhiên, chỉ tiêu lợi nhuận ròng lại tăng vọt 245% lên mức 2.493 tỷ đồng, nguyên nhân chủ yếu nhờ lợi nhuận bất thường từ việc bán vốn cảng Nam Hải Đình Vũ.
Trong nửa đầu năm, tổng sản lượng container thông qua cảng biển của cả nước đạt 11,8 triệu TEU, giảm 8% so với cùng kỳ. Riêng sản lượng container thông qua hệ thống cảng Gemadept đã chiếm hơn 1,33 triệu TEU.
Theo báo cáo thị phần trong nửa đầu năm, Gemadept chiếm 18% sản lượng tại miền Bắc, 32% sản lượng khu vực miền Trung và 19% thị phần ở các cảng biển phía Nam.
Không chỉ muốn làm siêu cảng Cái Mép Hạ mà lãnh đạo Gemadept còn đang lên kế hoạch đầu tư vào giai đoạn 3 của Cụm cảng Nam Đình Vũ để đưa vào khai thác trong năm 2025. Khi hoàn thiện đây sẽ là cụm cảng sông lớn nhất có quy mô nhất tại miền Bắc, có thể đón được các tàu feeder, tàu Nội Á lớn nhất khu vực cảng sông.
Cảng Gemalink đang hoàn thiện các thủ tục liên quan, thu xếp vốn để triển khai xây dựng, sẵn sàng đưa giai đoạn 2 vào khai thác từ năm 2024-2025, qua đó nâng thêm công suất lên 3 triệu TEU/năm, vốn đầu tư 300 triệu USD.
Lê Văn Huy