Ga đầu mối đường sắt Thủ Thiêm 10 năm trên giấy, 'đất vàng' bỏ hoang
Thứ ba, 04/04/2023 07:00
Ga đầu mối đường sắt Thủ Thiêm 10 năm trên giấy, 'đất vàng' bỏ hoang
TP.HCM có 2 dự án trọng điểm về đường sắt là ga Bình Triệu và Thủ Thiêm. Tuy nhiên, hàng thập kỷ trôi qua, các dự án này chỉ tồn tại ‘trên giấy’, chưa thể triển khai gì ngoài vẽ ranh quy hoạch. Hệ lụy kéo theo là cuộc sống chật vật của hàng nghìn hộ dân sống trong khu quy hoạch 'treo’. Phóng viên VietNamNet ghi nhận thực tế các dự án này.
Tương tự quy hoạch ga Bình Triệu, năm 2013, Chính phủ phê duyệt quy hoạch dự án ga Thủ Thiêm là ga đầu mối bao gồm các tuyến: đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, tuyến đường sắt nhẹ TP.HCM - sân bay Long Thành; tuyến metro số 2 và tuyến xe buýt nhanh BRT số 1.
Theo ghi nhận, khu vực quy hoạch dự án ga đường sắt Thủ Thiêm có vị trí nằm giữa 2 trục đường lớn là đại lộ Mai Chí Thọ và đường Lương Định Của thuộc địa bàn tổ 10 và 11, khu phố 1, phường An Phú, TP Thủ Đức.
Về mặt giao thông, khu vực quy hoạch nằm ngay đầu đường dẫn cao tốc TP.HCM- Long Thành, cạnh dự án xây dựng nút giao thông An Phú gần 4.000 tỷ đồng vừa được TP.HCM 'khởi động' từ đầu năm 2023.
Về phát triển đô thị, dự án ga đường sắt này lọt thỏm giữa vùng lõi khu đô thị Thủ Thiêm, xung quanh được bao bọc bởi loạt 'siêu dự án' phát triển khu đô thị với những tòa chung cư, khu căn hộ chọc trời.
Thế nhưng, 10 năm đã trôi qua, dự án nhà ga Thủ Thiêm vẫn 'bất động', bất chấp mọi thứ xung quanh phát triển, thay đổi mạnh mẽ từng ngày.
Hiện tại, phần diện tích làm nhà ga Thủ Thiêm chủ yếu là mặt bằng sạch và đang được quây tôn, rào chắn. Bên trong khu vực này là khu đất trống rộng với vùng đầm lầy, cỏ dại mọc um tùm.
Trong khi đó, khu vực đường dẫn vào nhà ga, phía trái hướng tuyến đường Lương Định Của có hàng trăm hộ dân tại khu phố 1 bị ảnh hưởng.
Để ghi nhận thực tế, chúng tôi phải men theo con hẻm nhỏ rộng chưa tới 2 mét, theo hướng từ nút giao An Phú- Lương Định Của vào khu vực dân cư thuộc khu 1 phường An Phú. Đập vào mắt chúng tôi là những căn nhà cấp 4 xuống cấp và thậm chí được làm tạm bợ bằng ván gỗ... nấp dưới rặng cây, vườn rau xanh.
Trong khi đó, bao bọc xung quanh khu dân cư này là những dự án bất động sản với các tòa nhà chung cư cao tầng, khu đô thị mới khang trang, hiện đại.
Trong căn nhà cấp 4 đã cũ sau nhiều năm không được nâng cấp, ông Trần Văn Hết (58 tuổi, khu phố 1, phường An Phú) chia sẻ, đến nay dự án đã quy hoạch treo 10 năm. Gia đình ông cũng như các hộ nằm trong quy hoạch dự án rất nóng lòng mong sớm được giải tỏa, đền bù thỏa đáng để ổn định cuộc sống.
"Xung quanh khu vực quy hoạch, trong khi những dự án nhà cao tầng, khu dân cư, đô thị khang trang mọc lên hàng ngày, còn chúng tôi phải chịu cảnh sống tù túng vì nhà cửa xuống cấp, xập xệ. Muốn xây dựng mới cũng không dám vì sợ bị phạt vì xâm phạm... quy hoạch", ông Hết nói.
Còn theo một hộ dân khu phố 1, phường An Phú: "Từ khi công bố quy hoạch, nơi đây vẫn giữ được như nhiều năm về trước, xung quanh chỉ có mấy nóc nhà. Người dân không biết làm gì, một số gia đình bỏ hoang ruộng vườn, có gia đình phải đi làm thuê, thu nhập không ổn định, khó khăn vây tứ bề".
Để chia sẻ khó khăn cho người dân trong khu quy hoạch, chính quyền phường An Phú những năm qua đã linh hoạt cho người dân cải tạo vườn làm điểm bán cây cảnh tạo thêm thu nhập. Đối với nhà cửa người dân có đủ điều kiện sẽ được hỗ trợ cấp phép sửa chữa, xây dựng tạm.
Hiện người dân mong Bộ GTVT sớm triển khai dự án, thực hiện giải tỏa, đền bù hợp lý, giúp họ sớm thoát cảnh sống lay lắt trong dự án quy hoạch 'treo'.
Đại diện phường An Phú thừa nhận, quy hoạch treo gây áp lực lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người dân. Hiện nay TP Thủ Đức đang rà soát, lấy ý kiến rộng rãi để cập nhật lại quy hoạch chung của TP, trong đó có dự án ga Thủ Thiêm.
Theo tìm hiểu của PV VietNamNet, hiện nay dự án ga Thủ Thiêm mới trình chủ trương đầu tư, chưa có dự án chi tiết. TP.HCM cũng mới cập nhật phạm vi nhà ga Thủ Thiêm vào đồ án điều chỉnh quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/2000 khu đô thị chỉnh trang, kế cận khu đô thị mới Thủ Thiêm, diện tích nhà ga là 14,7163 ha.
Nhằm có cơ sở để quản lý quỹ đất trên thực địa, tiến hành công tác giải phóng mặt bằng, thu hồi đất phục vụ việc triển khai các dự án, UBND TP.HCM đã giao các đơn vị liên quan nghiên cứu tổ chức lập quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/500 khu vực ga Thủ Thiêm. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, các dự án thành phần đều chậm tiến độ, chủ yếu mới ở bước lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, chưa đủ cơ sở để tổ chức lập đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/500 khu vực nhà ga Thủ Thiêm.
Bài 3: Các nhà ga đường sắt Bình Triệu, Thủ Thiêm 'bất động' đến khi nào?