Giả danh gia chủ để lừa bán nhà, nhiều người sập bẫy
Thứ năm, 16/02/2023 18:55
Giả danh gia chủ để lừa bán nhà, nhiều người sập bẫy
Hai chiêu thức lừa đảo
Ngày càng nhiều người Canada trở thành nạn nhân của những kẻ lừa đảo mạo danh gia chủ rồi bán nhà của họ cho người khác.
Theo ông Brian King, nhà điều tra bảo hiểm kỳ cựu có công ty ở Ontario, chiêu lừa nói trên khá phổ biến ở khu vực Greater Toronto (GTA), nơi giá nhà tăng vọt. 18 tháng qua, có ít nhất 30 ngôi nhà tại khu vực GTA đã được bán bằng hình thức lừa đảo này.
Có hai hình thức lừa đảo chính. Phổ biến nhất là kẻ lừa đảo sử dụng ID giả để làm chủ nhà. Từ thông tin tìm kiếm quyền sở hữu nhà, chúng lấy tên chủ nhà thật và sử dụng tên đó cùng ảnh của chính họ. Sau đó, kẻ lừa đảo thuê một đại lý bất động sản để rao bán nhà.
Người mua nhà thường chỉ giao dịch với đại lý bất động sản (BĐS). Sau khi ngôi nhà được bán, tiền sẽ chuyển vào tài khoản ngân hàng. Tài khoản này được tạo từ ID giả và kẻ lừa đảo sẽ rút sạch tiền.
Hình thức lừa đảo thứ hai và hiếm gặp hơn là cả chủ nhà lẫn người mua đều là giả mạo. Giả sử một ngôi nhà trị giá 2 triệu USD và nó được người mua giả thế chấp với giá 1,5 triệu USD.
Chủ nhà giả đưa thông tin rằng người mua là bạn bè hoặc người thân và chủ nhà giả sẽ xoá nợ 500.000 USD còn lại. Ngân hàng hoặc tư nhân cho vay tiền không quan tâm, miễn giá trị thế chấp thấp hơn nhiều giá trị thực. Sau đó, hai kẻ lừa đảo chia nhau 1,5 triệu USD.
Theo ông King, chiêu lừa này đã có từ lâu.Từ cuối năm 2021, hình thức lừa đảo này càng nở rộ. Chỉ trong vài tuần qua, ông King được thuê để điều tra thêm hai vụ.
Điều này đến từ việc các giao dịch BĐS trực tuyến phổ biến hơn do dịch Covid-19. Nhưng nguyên nhân chính là giá nhà đã tăng mạnh trong vài năm qua.
Một sĩ quan cảnh sát Toronto đã nói với ông King rằng, giả danh gia chủ để bán nhà là hình thức lừa đảo khó bị phát hiện nhưng số tiền kiếm được lại rất cao.
Kẻ lừa đảo thường nhắm mục tiêu vào những ngôi nhà mua để đầu tư nhưng bỏ trống hoặc chủ vắng nhà thời gian dài. Có trường hợp, chủ sở hữu chỉ phát hiện ra ngôi nhà của mình đã bị bán sau vài tháng.
Như cặp vợ chồng trẻ ở Etobicoke, Toronto. Họ tạm chuyển đến Anh làm việc trong 2 năm. Ngôi nhà không người ở đã bị những kẻ lừa đảo bán trót lọt, phải mất 6 tháng sau họ mới phát hiện ra có người khác đang sống trong nhà của mình.
Người mua đã cải tạo lại ngôi nhà đến mức chủ sở hữu không thể nhận ra. Tệ hơn, trước khi bán trộm ngôi nhà này, những kẻ lừa đảo đã bán tất cả đồ đạc trong nhà.
Theo ông King, người đóng giả chủ nhà thường không phải là kẻ cầm đầu. Khi nhắm đến ngôi nhà nào, chúng sẽ nghiên cứu kỹ chủ sở hữu hiện tại rồi đưa người gần bằng tuổi đóng giả chủ nhà. Người đóng giả được trả từ 5.000 - 10.000 USD và họ thường làm việc cho 4 hoặc 5 nhóm tội phạm khác nhau hoạt động ở khu vực GTA.
Trong những vụ việc ông King đã xử lý, người đóng giả chủ nhà rất dễ qua mặt các luật sư BĐS. Còn những kẻ cầm đầu thì rất am hiểu nhà đất. Chúng thường có một môi giới về thế chấp, luật sư hoặc đại lý BĐS chỉ dẫn. Có thể có từ 5 – 10 người trong một vụ lừa đảo.
Chủ nhà nên làm gì?
Để bảo vệ ngôi nhà của mình, theo ông King, các chủ nhà nên mua bảo hiểm quyền sở hữu. Đây là hình thức bảo vệ chủ nhà trước những tổn thất phát sinh do gian lận quyền sở hữu hoặc tổn thất khác liên quan đến quyền sở hữu tài sản của họ.
Rất nhiều chủ nhà không có bảo hiểm quyền sở hữu trong khi phí khá rẻ, chỉ từ 800 – 1.200 USD và chỉ trả một lần.
Khi chủ nhà bị mất quyền sở hữu liên quan đến lừa đảo, họ sẽ lấy lại được nhà ngay cả khi người mua mới đã chuyển đến ở. Tuy nhiên, quá trình toà án chứng minh họ là nạn nhân mất nhiều thời gian. Nếu không có bảo hiểm, chủ nhà sẽ phải trả chi phí cho quy trình pháp lý đó.
Theo ông King, nếu chủ nhà nhận được bất kỳ thư hoặc email bất thường nào thì nên liên hệ với luật sư BĐS của mình để kiểm tra kỹ.
Nếu dự định rời khỏi nhà trong một thời gian dài, các chủ nhà nên có cách nào đó làm ra vẻ như vẫn có người đang sinh sống, như thuê người trông coi nhà hoặc đậu xe trước nhà, để tránh thành mục tiêu lừa đảo.
Ông King cho biết, ông thường nói với người mua nhà rằng nên để ý những BĐS không được đưa lên dịch vụ đăng kê bất động sản (MLS) hoặc không có dấu hiệu rao bán.
Những kẻ lừa đảo thường rất vội vàng để chốt giao dịch. Nếu thấy một ngôi nhà được bán với giá thấp hơn giá thị trường và bên bán nhanh chóng đồng ý với mức trả giá đầu tiên thì nên đặt nghi vấn.
Hương Quỳnh (Theo Maclean’s)
Cựu phó chánh văn phòng ở TP.HCM lừa bán nhà giá rẻ, chiếm đoạt hàng tỷ đồng
Mạo danh đơn vị phân phối độc quyền để lừa bán nhà ở xã hội
Mặc dù không hề được chủ đầu tư uỷ quyền phân phối nhà ở xã hội tại dự án The Western Capital, thế nhưng Công ty An Lạc Tân vẫn đứng ra thu tiền của nhiều khách hàng.
Mạo danh cán bộ ngân hàng, lừa bán nhà
Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội vừa khởi tố bị can đối với Doãn Tiến Kiên (SN 1992, ở Chương Mỹ, Hà Nội, ảnh) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức”.