'Gia tài vô giá' của thầy giáo ở Thanh Hóa
Thứ ba, 01/11/2022 05:21
'Gia tài vô giá' của thầy giáo ở Thanh Hóa
XEM CLIP:
Sưu tầm vì sở thích
Anh Phạm Đình Cần (SN 1978), phường Hải Hòa, thị xã Nghi Sơn, Thanh Hóa, hiện là giáo viên của trường Tiểu học xã đảo Nghi Sơn, thị xã Nghi Sơn.
Về tới phường Hải Hòa hỏi anh Cần sưu tầm tiền xưa (hay tiền cổ) thì ai cũng biết, bởi anh là người có tới 25 năm sưu tầm tiền xưa và các loại giấy tờ xưa.
Anh Cần bén duyên với việc sưu tầm tiền xưa bắt đầu từ năm 1997. Khi đó anh được gia đình một người bạn cho mấy đồng tiền xưa của Việt Nam.
Mặc dù chưa biết gì về giá trị hay niên đại của đồng tiền này, nhưng anh thấy tờ tiền xưa rất đẹp, từ mẫu mã, màu sắc cho đến các chữ số. Anh bị cuốn hút, yêu thích từ đó.
“Ngày đó tôi chẳng biết gì về những loại tiền này, chỉ là thấy đẹp và muốn giữ lại nó làm kỷ niệm. Chẳng biết bắt đầu từ đâu tôi đam mê nó. Từ đó tôi luôn tìm tòi, hỏi han khắp nơi, bất cứ chỗ nào có thì tôi đều đến tận nơi xin hoặc mua lại”, anh Cần chia sẻ.
Suốt 25 năm qua, anh Cần đã sưu tầm được hàng nghìn loại tiền xưa qua các thời kỳ. Ngoài ra, anh còn có sở thích sưu tầm các loại giấy tờ xưa.
Sưu tầm vì đam mê, nên khi sở hữu hàng nghìn loại tiền và giấy tờ xưa, anh không phân chia chủ đề nhất định. Các loại tiền của anh chỉ được sắp xếp tạm thời theo loại tiền Việt Nam qua các thời kỳ, tiền Đông Dương, tiền quốc tế, tiền xu cổ và các loại giấy tờ.
“Tôi chưa tìm hiểu sâu về ý nghĩa của các loại tiền qua các thời kỳ, nhưng những loại tiền tôi đang sở hữu cũng giúp tôi có thêm vốn kiến thức về bối cảnh lịch sử ra đời của các tờ tiền”, anh Cần cho biết.
Thời gian đầu sưu tầm loại tiền xưa, anh Cần phải bỏ nhiều thời gian và công sức nhất. Ngày ấy mạng xã hội, phương tiện liên lạc còn hạn chế. Chủ yếu anh thông qua bạn bè giới thiệu rồi anh tự tìm đến để liên hệ xin, hoặc mua lại.
Sở hữu hàng nghìn đồng tiền xưa
Kỷ niệm đầu tiên anh còn nhớ mãi, đó là khoảng cuối năm 1997, anh nghe người bạn giới thiệu một gia đình ở huyện Quảng Xương có một số tờ tiền xưa. Có địa chỉ, anh tức tốc phóng xe đạp, đi mất cả ngày trời tìm kiếm. Cuối cùng anh cũng gặp được gia đình họ, mất một buổi tâm sự, thuyết phục, gia đình họ đã cho anh mấy đồng tiền đó.
“Một lần khác, cũng thông qua bạn bè, tôi biết một gia đình có ít đồng tiền xưa. Sau khi đã liên hệ, đấu mối được với họ, khi tôi đến để xin thì các con, cháu của họ lôi ra chơi vứt đi đâu mất. Lúc đó tôi rất tiếc”, anh Cần kể.
Vợ và bố mẹ anh Cần không mấy mặn mà với việc anh Cần sưu tầm tiền xưa. Họ cho rằng, công việc này không mang lại hiệu quả kinh tế, lại mất thời gian, công sức. Với đồng lương giáo viên ít ỏi, có thời điểm anh Cần phải giấu cả vợ để bỏ ra hơn một triệu đồng mua lại tờ tiền mà anh yêu thích.
Biết anh đam mê sưu tầm tiền xưa, ngoài việc tự tôi tìm kiếm, bạn bè đôi khi cũng tặng anh một số tờ tiền.
Để sắp xếp số tiền xưa trong kho lưu trữ, anh Cần phân loại tiền xu ra một cuốn album, tiền giấy một cuốn riêng.
“Có rất nhiều đồng tiền tôi không biết giá trị lịch sử và niên đại, nhưng cũng có nhiều loại tôi tìm hiểu và biết. Đến nay trong bộ sưu tập của tôi có loại tiền niên đại cao nhất mà tôi biết là hơn 110 năm. Ngoài ra còn có hàng trăm đồng khác có niên đại vài chục đến gần trăm năm qua các thời kỳ như: tiền xu thời Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (1946), tiền Đông Dương, tờ tiền Liên Xô niên đại hơn 110 năm…”, anh Cần cho biết.
Ngoài sưu tầm tiền xưa, anh Cần còn có sở thích sưu tầm các giấy tờ, tài liệu xưa như công trái, phiếu phát lương, giấy tờ xe, thẻ Đảng viên...
"Tôi vẫn tiếp tục sở thích của tôi cho đến khi không còn đủ tiềm lực và kinh tế. Cũng có nhiều người hỏi mua bộ sưu tập này của tôi, nhưng tôi quyết định không bán. Đối với tôi đây là tài sản vô giá, vì vậy tôi sẽ giữ đó làm kỷ niệm đến hết cuộc đời. Nếu có điều kiện tôi sẽ làm một cái tủ kính để trưng bày theo bộ sưu tập, mệnh giá, niên đại", anh Cần chia sẻ.