Giấc mộng đổi đời của người trẻ Hàn đã tan vỡ
Thứ sáu, 28/10/2022 11:54
Giấc mộng đổi đời của người trẻ Hàn đã tan vỡ
Muốn đi theo phong trào FIRE (tự do tài chính, nghỉ hưu sớm), nhiều người trẻ Hàn Quốc đem tiền tiết kiệm đi đầu tư với ước muốn làm giàu nhanh chóng.
Song, giấc mơ giàu sang này sớm tan thành bong bóng khi thị trường chứng khoán, tiền điện tử gặp nhiều biến động, cùng với lãi suất ngân hàng tăng trong bối cảnh lạm phát, theo Korea Herald.
Một thanh niên họ Jeong, hiện làm việc cho một công ty IT, từng hàng ngày ghé thăm đều đặn vào các trang cộng đồng về đầu tư, những video dạy về tự do tài chính để thu thập kiến thức lẫn thông tin.
Bất chấp sự chăm chỉ, Jeong đã lỗ số tiền 90 triệu won sau khi thị trường tiền điện tử xuống dốc và bản thân đầu tư sai cách. Hai phần ba trong số đó - 60 triệu won - là tiền Jeong đi vay từ ngân hàng và công ty môi giới.
"Đáng nhẽ, tôi nên dừng lại khi lỗ 30 triệu won. Nhưng tôi lại quyết định vay để chơi tiếp với hy vọng thu hồi tiền vốn gốc nhanh chóng. Cuối cùng, tôi mất trắng cộng gánh thêm một khoản nợ không biết khi nào có thể giải quyết hết", người này giãi bày, nói thêm sẽ không bao giờ dính dáng đến chuyện đầu tư.
Đánh đổi vì liều lĩnh
Một người đàn ông 29 tuổi họ Kim cũng chứng kiến tài khoản mình "bốc hơi" số tiền tương đương 4 tháng lương sau khi đầu tư mua, bán cổ phiếu.
Khoản lỗ lớn nhất đến từ cổ phiếu của một công ty công nghệ của Mỹ mà Kim bỏ tiền mua vào giữa năm 2021. Sau hơn một năm, giá hiện tại đã giảm 83%.
"Động lực lớn nhất khi đó là tôi nhận thấy tiền lương của mình đi ngang trong khi bản thân đến tuổi kết hôn. Thị trường chứng khoán lúc ấy 'phất' lên nhanh chóng trở thành 'miếng bánh' hấp dẫn", Kim kể lại.
Dữ liệu của của Cơ quan lưu ký chứng khoán Hàn Quốc cho thấy nhiều nhà đầu tư trẻ tuổi đã bị thu hút bởi chiến lược "bittoo" trong những năm qua. Đây là cụm từ trong tiếng Hàn Quốc chỉ phương pháp đầu tư đòn bẩy vay mượn tiền của người hoặc bên khác để đầu tư sinh lời.
Với chi phí đi vay rẻ, cách thức này thu hút không ít người trẻ tuổi ở xứ kim chi, nhóm ưa thích rủi ro cao nhưng có ít vốn để đầu tư.
Vào cuối năm 2020, có gần 320.000 nhà đầu tư chứng khoán dưới 30 tuổi đã vay các khoản liên quan đến cổ phiếu từ hơn 3 tổ chức tài chính. Tính đến tháng 6 năm nay, con số đó đã tăng 21%, lên 387.000 người, theo dữ liệu từ Dịch vụ Giám sát Tài chính.
Trong cùng thời kỳ, các nhóm tuổi khác báo cáo mức tăng trung bình 5%, cho thấy mức độ phổ biến không tương xứng của “bittoo” trong giới trẻ vào năm 2021, khi giá cổ phiếu và tiền kỹ thuật số tăng vọt.
Khi khoản lỗ của các nhà giao dịch trẻ tuổi ngày càng nặng và còn biến thành một vấn đề xã hội, chính phủ Hàn Quốc đã đưa ra một kế hoạch giảm nợ cho họ nhằm cứu vãn tình hình.
Một phần của chương trình cứu trợ lớn dành cho các nhóm dễ bị tổn thương cho phép những người mắc nợ dưới 35 tuổi được giảm tới 50% tiền lãi và gia hạn thời gian trả nợ lên 3 năm. Lãi suất 3,2% được áp dụng.
Trong một biện pháp hỗ trợ tương tự đối với thanh niên mắc nợ, Tòa án Phá sản Seoul sẽ đặc biệt xem xét các khoản nợ bắt nguồn từ việc đầu tư vào cổ phiếu và tiền kỹ thuật số.
“Kể từ ngày 1/7, khi nộp đơn xin phá sản cá nhân, các khoản lỗ phát sinh do đầu tư vào tiền ảo hoặc chứng khoán sẽ không được tính vào tổng số tiền nợ mà người đang nợ phải trả trong tương lai”, phía Tòa án thông báo.
Theo cơ quan này, số hồ sơ phá sản của nhóm trong độ tuổi 20 tăng từ mức trung bình 245 trường hợp mỗi tháng trong nửa đầu năm 2022 lên 322 trường hợp vào tháng 7 và 315 trường hợp vào tháng 8.
Tỷ lệ những người ở độ tuổi 20 là 19,6% trong tổng số các đơn xin phá sản. Đây là mức tăng mạnh so với con số 10,7% vào cùng kỳ năm 2020.
Theo Zing