Hà Nội: Gần 7 thập kỷ khắc khoải ngóng chờ một công viên giải trí tầm cỡ
Chủ nhật, 06/11/2022 05:30
Hà Nội: Gần 7 thập kỷ khắc khoải ngóng chờ một công viên giải trí tầm cỡ
Qua nhiều nhiệm kỳ, vấn đề phát triển, xây dựng, duy tu, bảo dưỡng hệ thống vườn hoa, công viên hay nói rộng ra là gìn giữ, mở rộng các vùng xanh luôn được cử tri, nhân dân Thủ đô đặc biệt quan tâm.
Hơn ai hết, người dân Hà Nội hiểu được tầm quan trọng của các thiết chế đô thị này đối với đời sống của họ. Không chỉ là lá phổi giúp cân bằng sinh thái hay nơi để vui chơi cuối tuần, ngày lễ, ngày Tết, công viên, vườn hoa giờ đã gắn chặt với người dân Thủ đô hàng ngày, làm họ cảm thấy bớt bức bối hơn khi sống trong đô thị đông đặc người, xe…
Điều người dân quan tâm luôn được thành phố quan tâm. Nhiều kế hoạch, đề án phát triển công viên, vườn hoa đã được vạch ra. Qua mỗi kỳ họp HĐND TP, số lời hứa ngày một dày thêm.
Thế nhưng, loay hoay năm này qua năm khác, số lượng công viên, vườn hoa ở nội thành vẫn không thể tăng mạnh. Vài năm gần đây, thành phố cũng có thêm Công viên Cầu Giấy, Công viên Thanh Xuân… nhưng từng đó là không thể giải tỏa cơn khát khi dân số ở các quận lõi tăng rất mạnh.
Trong khi đó, hệ thống các công viên lâu năm như Thủ Lệ, Thống Nhất, Yên Sở, Bách Thảo, Tuổi trẻ Thủ đô… vẫn “đứng hình” từ mấy chục năm nay. Cùng với đó, nhiều hạng mục trong các công viên này bị xuống cấp, bỏ hoang.
Dự án Công viên Đống Đa-nơi có mật độ dân cư cao nhất nhì thành phố - đã “treo” 20 năm như Báo VietNamNet phản ánh. Tình trạng này gây bức xúc trong dư luận, kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ nhưng vẫn không được giải quyết.
Ở khu vực ngoại thành, sau hơn 14 năm tỉnh Hà Tây và huyện Mê Linh sáp nhập vào Hà Nội, dù chưa có con số thống kê chính thức nhưng có lẽ, cả vùng nông thôn rộng lớn phía Tây và khu bờ Bắc sông Hồng chưa có thêm một công viên giải trí tầm cỡ nào đi vào hoạt động.
Công viên Thiên văn học đình đám ở Dương Nội xây xong nhiều năm vẫn đóng cửa bỏ hoang; Công viên nước Thanh Hà ở Hà Đông xây dựng công trình vi phạm trật tự xây dựng bị cưỡng chế; siêu dự án Công viên Kim Quy 101 ha ở Đông Anh cũng chậm tiến độ vì vướng mắc giải phóng mặt bằng…
Điểm sáng duy nhất ở khu vực phía Tây lúc này có lẽ vẫn là Công viên Thiên đường Bảo Sơn, tuy nhiên, công trình này đã được đầu tư xây dựng và mở cửa đón khách từ trước thời điểm 1/8/2008, khi Hà Tây sáp nhập vào Hà Nội.
Bên cạnh đó, các khu vực được xác định là nêm xanh, vành đai xanh hay dành để phát triển đô thị sinh thái được nêu trong Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng hầu như bất động, thậm chí bị thu hẹp hơn trước bởi các dự án bất động sản phát triển theo kiểu “xôi đỗ”.
Nhìn thẳng vào các dự án bất động sản đã và đang được cài cắm vào giữa các khu vực hành lang xanh ở Sóc Sơn, Ba Vì, Thạch Thất hay Quốc Oai, chúng ta có cơ sở để lo lắng cho hệ sinh thái của Hà Nội.
“Chủ nghĩa” phân lô bán nền rõ ràng đang từng bước đe dọa nghiêm trọng tới các vùng xanh của Thủ đô. Xu hướng này cần phải được hãm phanh một cách kịp thời trước khi nó ngày một loang rộng ra khắp bản đồ Hà Nội.
Tiếp xúc với một số chuyên gia, doanh nghiệp phát triển cây xanh ở Hà Nội, nhiều người vẫn đau đáu với ý tưởng “rừng trong phố” ở Thủ đô. Dù vậy, năm này qua năm khác, mơ ước vẫn chỉ là ước mơ. Thực tế, nhà cao tầng, biệt thự liền kề, sân bê tông ngày càng nhiều thêm trong khi các mảng xanh dần co hẹp lại.
Hà Nội đang hứa hẹn xây mới 6 công viên lớn và cải tạo, “nâng đời” một số công viên cũ trong nội thành.
Những lời hứa này không mới và cái người dân, cử tri đang chờ đợi là sự quyết liệt, tăng tốc thực sự, tạo đột biến trong phát triển, xây dựng, duy tu, bảo dưỡng hệ thống vườn hoa, công viên ở Hà Nội.
Tất cả những cam kết phải được thực hiện trong thời gian nhất định chứ không chỉ là lời nói suông kéo dài từ nhiệm kỳ này qua nhiệm kỳ khác. Người dân cần địa chỉ trách nhiệm nếu những lời hứa tốt đẹp ấy mãi chỉ nằm trên giấy!
Đã tới lúc phải coi việc phát triển vùng xanh, công viên, vườn hoa như một chỉ số bắt buộc trong phát triển đô thị để kiến tạo không gian đô thị Hà Nội hài hòa, cân bằng, đúng với quan điểm phát triển Thủ đô “xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại” được nêu trong Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Cây xanh ở Hà Nội mới hơn 2m2/người, quy chuẩn tối thiểu từ 6-7m2/người Ngày 4/11, trả lời chất vấn trước Quốc hội, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị dành nhiều thời gian nói về tình trạng thiếu công viên ở Hà Nội. Bộ trưởng cho biết, các đồ án quy hoạch đô thị được lập và phê duyệt đều cơ bản đáp ứng được các chỉ tiêu về diện tích đất cây xanh công cộng tối thiểu. Tuy nhiên, thực tế quản lý và thực hiện, diện tích cây xanh đô thị chưa đạt mức tối thiểu theo quy hoạch. Cụ thể, Hà Nội mới đạt hơn 2m2/người, trong khi quy chuẩn yêu cầu đối với các đô thị loại 1, loại đặc biệt đạt tối thiểu từ 6-7m2/người. Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị thừa nhận, thời gian qua Bộ Xây dựng chưa quyết liệt, chưa thường xuyên đôn đốc các địa phương thực hiện theo đúng quy hoạch về chỉ tiêu cây xanh. Bộ Xây dựng cũng chưa kiểm tra, chấn chỉnh kịp thời việc điều chỉnh quy hoạch, ảnh hưởng đến quy hoạch đất công viên; chưa kịp thời đề xuất, tham mưu cơ chế chính sách để thu hút đầu tư phát triển công viên cây xanh trong đô thị. Ông Nghị cho biết, thời gian tới các bộ ngành sẽ hoàn thiện chính sách quản lý phát triển công viên cây xanh đô thị, bổ sung các chế tài xử lý khi chủ đầu tư các dự án không dành quỹ đất cho việc phát triển cây xanh hoặc không đầu tư đồng bộ hệ thống công viên. Các địa phương cần tăng cường khuyến khích thu hút nguồn vốn, nhằm phát triển cây xanh đô thị cũng như tăng cường kiểm tra, giám sát, rà soát, bố trí quỹ đất cũng như tạo quỹ đất phát triển công viên, cây xanh. “Các địa phương cần hạn chế, thận trọng chuyển đổi chức năng đất công viên, cây xanh trong xem xét điều chỉnh quy hoạch. Khi chuyển đổi trụ sở cơ quan, xí nghiệp cần ưu tiên dành quỹ đất cho phát triển công viên, cây xanh”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nói. Quang Phong |
Minh Khuê