Hồi ức lần đầu theo chân người rừng Hồ Văn Lang về lại ngôi nhà trên cây
Thứ hai, 03/04/2023 06:30
Hồi ức lần đầu theo chân người rừng Hồ Văn Lang về lại ngôi nhà trên cây
LTS: Năm 2013, cha con người rừng Hồ Văn Lang được đưa về làng sau 40 năm sống trong rừng sâu thuộc huyện Tây Trà (nay là huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi).
Sau 8 năm sống đầm ấm ở làng, người rừng Hồ Văn Lang phát hiện mắc bệnh ung thư và qua đời ngày 6/9/2021.
Suốt khoảng thời gian ấy, đạo diễn Hồ Nhật Thảo (Đài Phát thanh và Truyền hình Quảng Ngãi) nhiều lần tiếp xúc, làm phim tài liệu và có cơ hội bước vào cuộc sống chân phương của người rừng Hồ Văn Lang.
Tuyến bài Hồi ức về người rừng Hồ Văn Lang mà VietNamNet giới thiệu đến bạn đọc sẽ mượn ký ức của đạo diễn Hồ Nhật Thảo để khắc họa chân dung một người rừng đáng yêu, thuần hậu.
Từ cái nhìn lạnh lẽo đến nhoẻn miệng cười
Tháng 8/2013, người thân, dân làng và chính quyền xã Trà Phong, huyện Tây Trà (nay là huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi) đã bí mật tiếp cận ngôi nhà trên cây của cha con người rừng Hồ Văn Lang (1969 - 2021, tỉnh Quảng Ngãi)
Tại đây, ông Hồ Văn Thanh (cha của Lang) đang bệnh nặng, không thể bỏ trốn như những lần trước. Anh Lang thương cha nên cũng không bỏ chạy. Cả hai được mọi người đưa về làng sau 40 năm sống trong rừng sâu.
Cuối tháng 9/2013, đạo diễn Hồ Nhật Thảo háo hức bắt tay vào thực hiện phim tài liệu về cha con người rừng Hồ Văn Lang. Thế nhưng, niềm háo hức ban đầu của anh nhanh chóng bị thái độ của cha con người rừng dập tắt.
Mười ngày đầu tiếp cận nhân vật của anh Thảo và người quay phim gần như không thu được kết quả. Anh Lang không biết nói tiếng Kinh, chỉ bập bẹ được vài tiếng dân tộc Kor. Ông Thanh nói được tiếng Kinh nhưng đang bệnh nặng và có vẻ cũng không muốn mở lòng chia sẻ.
Nhìn vào ánh mắt của ông Thanh, anh Thảo đọc được sự u uất, chất chứa nhiều điều khó hiểu.
“Ông Thanh chỉ nhìn rồi cúi gằm mặt xuống. Thỉnh thoảng, ông nhìn tôi một cách dò xét, có lúc tỏ ra rất hằn học, lúc khác lại buồn rầu. Rào cản ngôn ngữ cũng khiến tôi khó tiếp cận và hiểu được suy nghĩ của nhân vật. May mắn, cậu quay phim là người Kor đã giúp tôi phiên dịch”, anh Thảo kể.
Sau vài cảnh quay không đầu không cuối, anh Thảo quyết định ở lại nhà cha con người rừng. Họ nhai trầu, anh hút thuốc. Họ nhìn anh, anh nhìn họ.
Vài ngày sau, nghe tin siêu bão Hải Yến sắp vào Quảng Ngãi, anh Thảo vội vã quay về TP. Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi.
Một tuần sau, anh lên Tây Trà, tiếp tục thực hiện phim tài liệu về người rừng còn dang dở. Trên đường đi, anh rối bời, chẳng còn chút niềm tin vào dự án đang theo đuổi.
Đến trước ngôi nhà của người rừng, anh Thảo chầm chậm châm một điều thuốc, rít một hơi rồi bước vào. Bất ngờ, ông Thanh ngẩng đầu lên nhìn anh nhoẻn miệng cười…
Trong khi đó, anh Lang hồn nhiên ngồi nhai trầu, không nói chuyện với ai nhưng thỉnh thoảng cũng cười mỉm.
Khi cha con anh Lang chấp nhận anh Thảo như một người quen, những thước phim về người rừng bắt đầu mạch lạc, giàu cảm xúc hơn.
Quay trở lại ngôi nhà trên cây
Được cha con người rừng Hồ Văn Lang tin tưởng, đạo diễn Hồ Nhật Thảo mạnh dạn thực hiện kế hoạch làm phim. Theo dự định ban đầu, phim tài liệu sẽ kể câu chuyện về cha con anh Lang.
Thế nhưng, thời điểm đó, ông Hồ Văn Thanh bệnh nặng, không thể đi lại. Bởi vậy, những cảnh quay ở rừng chỉ có sự xuất hiện của anh Lang.
Sau khi chuẩn bị kỹ càng, anh Thảo, người quay phim và anh em anh Lang trở lại ngôi nhà trên cây ở trong rừng sâu.
Trên đường đi, anh Hồ Văn Tri (em trai của anh Lang) kể rằng anh biết chỗ ở của cha con anh Lang. Ngôi nhà của họ chỉ cách làng khoảng 4km nhưng đường rất khó đi.
Mỗi năm, anh Tri đều vào rừng khoảng 2-3 lần, tiếp tế đồ ăn, giống cây trồng… cho cha và anh trai. Anh Tri và dân làng biết cha con anh Lang sống trong rừng nhưng họ không thể thuyết phục hai người về làng. Chỉ đến khi ông Thanh bệnh nặng, mọi người mới quyết tâm đưa họ về làng để chăm sóc.
Chuyến đi này mang đến cho anh Thảo rất nhiều kỷ niệm thú vị. Tại ngôi nhà trong rừng sâu, người rừng Hồ Văn Lang thực hiện lại động tác nhóm lửa. Anh Lang dùng đá nhóm lửa, cách làm giống hệt người nguyên thủy.
“Kỷ niệm hay nhất phải kể đến đoạn anh Lang và anh Tri dẫn tôi và người quay phim đi vào trong rẫy. Lúc chúng tôi cố gắng bám theo họ, anh Lang mới nói với em trai bằng tiếng Kor.
Nội dung trò chuyện có nghĩa: “Hai ông người Kinh ấy sao cứ đi theo mình. Họ không biết gì hết, đạp hết lúa của mình”. Anh ấy rất dễ thương, hồn nhiên như cây cối trong rừng”, anh Thảo kể.
Lúc ngồi trong rừng, dưới ngôi nhà trên cây của cha con anh Lang, anh Thảo gợi chuyện thì người rừng tiết lộ một số chuyện lạ.
Anh Lang kể buổi tối, khi cha trèo lên cái nhà trên cây, anh Lang sẽ leo xuống mặt đất ngồi. Anh chờ cha đi ngủ thì mới leo lên nhà nghỉ ngơi.
Anh Thảo hỏi nguyên cớ nào anh Lang phải làm như vậy thì người rừng cho biết: “Ông nói miết, ồn ào lắm, không ngủ được”.
Nam đạo diễn hỏi tiếp: “Cha của anh nói cái gì, nói với ai?”. Người rừng hồn nhiên đáp: “Ổng nói chuyện với ma trong rừng đó, chứ nói cái gì…”.
Ngoài những chuyện vừa kể, anh Lang còn kể nhiều chuyện rất quái gở nhưng khoảng thời gian 10 năm khiến anh Thảo không nhớ chính xác.
Giải vàng Liên hoan Truyền hình toàn quốc 2013 Sau hơn 2 tháng thực hiện, nhóm phóng viên của Đài Phát thanh và Truyền hình Quảng Ngãi hoàn thành phim tài liệu Lang về nhà mới. Bộ phim có độ dài khoảng 30 phút, kể về câu chuyện hòa nhập cuộc sống ở làng của người rừng Hồ Văn Lang. Đặc biệt, bộ phim đã nhận được Giải Vàng của Liên hoan Truyền hình toàn quốc lần thứ 33. |
(Còn nữa)
Ảnh: nhân vật cung cấp
Bài 2: Người rừng hớt tóc, tắm biển, ăn nhà hàng, đến thăm người rừng ở Ba Tơ