Hơn 2 năm quay cuồng, triệu hộ chăn nuôi bất ngờ nhận tin vui

Hơn 2 năm quay cuồng, triệu hộ chăn nuôi bất ngờ nhận tin vui

Ngày đầu tuần, ông Phan Văn Tuấn, chủ trang trại nuôi lợn quy mô 5.000 con ở Mai Sơn (Sơn La) bất ngờ khoe: “Giá cám đã giảm 400 đồng/kg".

Dù giá thức ăn chăn nuôi mới giảm 400 đồng/kg, song đây là tin vui với ông Tuấn và hàng triệu hộ chăn nuôi khác. Bởi, từ cuối năm 2020 đến nay, người chăn nuôi quay cuồng trong cơn “bão giá” khi giá cám tăng 17 lần liên tiếp và neo ở mức cao kỷ lục lịch sử, còn giá bán lợn bấp bênh, chịu lỗ nặng.

Trang trại của ông Tuấn kể từ đầu năm đã lỗ khoảng 3 tỷ đồng. Cũng may, giá thức ăn chăn nuôi hạ nhiệt giúp giá thành sản xuất giảm.

Ông nhẩm tính, khi giá thức ăn chăn nuôi giảm, mỗi ngày ông có thể tiết kiệm được vài triệu đồng, bớt đi phần nào khó khăn trong bối cảnh này.

Giá thức ăn chăn nuôi giảm giúp người chăn nuôi bớt khó khăn (Ảnh: Nguyên Phương)

“Dịp này giá lợn hơi xuất chuồng cũng dần phục hồi, nếu đà này, tôi không phải bán lợn dưới giá thành nữa”, ông Tuấn phấn khởi nói.  

Ông Trần Văn Mạnh, chủ trang trại hơn 3 vạn gà đẻ trứng ở Kim Môn (Hải Dương), cũng thông báo mới nhận tin từ doanh nghiệp giảm giá 200 đồng/kg thức ăn chăn nuôi cho gà đẻ trứng. 

“Lần đầu tiên kể từ cuối năm 2020 đến nay, tôi nhận được tin giá thức ăn chăn nuôi giảm. Trước đó, chỉ thấy doanh nghiệp thông báo liên tục tăng giá”, ông chia sẻ.

Hiện tại, trứng gà công nghiệp (trứng gà đỏ) chỉ 1.600 đồng/quả. Một ngày, ông Mạnh bán 3 vạn quả trứng, lỗ khoảng 3 triệu đồng. Vậy nên, mỗi ngày tiết kiệm được 600.000 đồng nhờ giá cám giảm với ông đã là một khoản đáng kể.

Sức tiêu thụ trên thị trường sụt giảm mạnh, giá trứng cũng giảm theo và chưa có dấu hiệu tăng trở lại. Thế nên, giá cám được điều chỉnh giảm lúc này cũng bớt áp lực với người chăn nuôi như ông Mạnh.

Ghi nhận của PV. VietNamNet, giá lợn hơi đã tăng lên mức 54.000-60.000 đồng/kg tuỳ địa phương. Giá gà công nghiệp lông trắng tại miền Bắc cao nhất 27.000 đồng/kg; ở Đồng Nai, Bình Phước... dao động trên dưới 20.000 đồng/kg. Giá gà lông màu tại các tỉnh Đông Nam Bộ ở mức thấp, có nơi dưới 35.000 đồng/kg.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Kim Đoán - Phó Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai, cho biết, khoảng hai tuần lại đây, giá gà đã nhích dần lên. Riêng giá lợn hơi tăng liên tục. Đến nay, giá lợn hơi đã tăng lên mốc 58.000-60.000 đồng/kg (mức cao nhất). Dù vậy, với giá này, nếu bị dịch hoặc tỷ lệ hao hụt cao thì vẫn thua lỗ.

Một số địa phương giá lợn hơi nằm ở vùng 54.000-56.000 đồng, nếu hộ nuôi phải mua con giống thì vẫn lỗ.

“Nhưng tin vui là giá thức ăn chăn nuôi đã giảm khoảng 400 đồng/kg”, ông chia sẻ. 

Theo ông Đoán, đầu tháng 4 vừa qua, các doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi chạy chương trình khuyến mãi giảm giá cám. Song, hết thời gian chạy khuyến mãi giá về mức cũ.

Còn đến sáng 22/5, các doanh nghiệp thông báo chính thức giảm giá thức ăn chăn nuôi. Đây là tin vui với các hộ dân chăn nuôi trên cả nước.

Ông Đoán, cho biết, tính từ tháng 10/2020 đến ngày 21/5, giá thức ăn chăn nuôi đã tăng 40% và chưa một lần điều chỉnh giảm. Người chăn nuôi gặp rất nhiều khó khăn bởi giá thành sản xuất tăng cao trong khi giá bán sản phẩm lại giảm và neo ở mức thấp.

Nay giá thức ăn chăn nuôi giảm 400 đồng/kg (khoảng 3%), tuy không nhiều so với mức tăng trước đó. Nhưng, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trên thế giới đang hạ nhiệt, giá cước vận chuyển về Việt Nam cũng giảm gần về mức cũ trước thời điểm xảy ra dịch Covid-19. Thế nên, thời gian tới, có thể giá thức ăn chăn nuôi sẽ tiếp tục được điều chỉnh theo chiều hướng giảm dần. Điều này có lợi cho người chăn nuôi vì giá thành sản xuất sẽ giảm.

"Nhưng còn về giá thịt gà, giá lợn hơi hiện rất khó dự báo xu hướng sắp tới", ông Đoán cho hay.

Quý I/2023, nước ta chi 1,89 tỷ USD nhập khẩu hơn 4,56 triệu tấn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, tăng 23,4% về lượng và tăng 26,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Một số nguyên liệu nhập khẩu chính: ngô hạt 2,1 triệu tấn, tương đương 700 triệu USD; khô dầu các loại 1,35 triệu tấn, giá trị khoảng 674 triệu USD; lúa mì 266 nghìn tấn, khoảng 94 triệu USD...

Bộ Nông nghiệp giãi bày thế khó ngành chăn nuôi và hiệu ứng 'giọt nước tràn ly'Lãnh đạo Bộ NN-PTNT có những giãi bày về khó khăn của ngành chăn nuôi. Trong đó, đề cập tới hiệu ứng “giọt nước tràn ly” càng làm cho giá bán sản phẩm lợn và gia cầm trong nước giảm mạnh.

Tin tức mới nhất

Xem thêm

Hà Nam sắp đấu giá hơn 200 lô đất, khởi điểm thấp nhất hơn 41 triệu đồng

Hà Nam sắp đấu giá hơn 200 lô đất, khởi điểm thấp nhất hơn 41 triệu đồng

Hà Nội sắp ‘xoá sổ’ loạt khu nhà gỗ trên đất vàng Hoàn Kiếm

Hà Nội sắp ‘xoá sổ’ loạt khu nhà gỗ trên đất vàng Hoàn Kiếm

Chuyện phía sau ly nước tốn cả tuần học rót của 9X Hà Nội

Chuyện phía sau ly nước tốn cả tuần học rót của 9X Hà Nội