Hơn 2.000 lao động mất việc, chấp nhận công việc thời vụ mưu sinh
Thứ sáu, 25/11/2022 06:15
Hơn 2.000 lao động mất việc, chấp nhận công việc thời vụ mưu sinh
Tình trạng cắt giảm lao động tăng cao trên địa bàn TP.HCM thời gian qua khiến nhiều công nhân vốn đang vật lộn với cơm, áo, gạo, tiền hàng ngày giờ lại khốn khó hơn khi Tết đã cận kề nhưng nguồn thu nhập không còn.
Chị Huyền (quê An Giang) làm công nhân tại một công ty may ở quận Bình Tân (TP.HCM) từ năm 2007, nhưng hơn 1 tháng nay chị nằm trong số những người bị cho tạm ngưng việc do công ty không có đơn hàng. VIệc này khiến cuộc sống của gia đình chị với 3 người con thêm khó khăn.
Tính đến đầu năm nay, sau nhiều năm gắn bó, chị Huyền được lĩnh mức lương hơn 7 triệu đồng. Khoản tiền này cùng với thu nhập từ những cuốc chạy xe ôm công nghệ của chồng giúp gia đình chị vừa đủ chi trả các khoản tiền sinh hoạt, tiền nhà trọ và nuôi 3 con nhỏ trong đó có 2 cháu ở tuổi đến trường.
Bị cho tạm ngưng việc khiến mọi áp lực kinh tế đè nặng lên vai chồng chị Huyền. Thế rồi không lâu sau, trong 1 lần bất cẩn làm mất đồ của khách đã khiến người chồng cũng mất việc. Sau nhiều ngày lân la các công ty để xin việc nhưng chưa có chỗ nhận, 2 vợ chồng chị Huyền đành bấm bụng gửi 2 con lớn về ở với ông bà ở An Giang để giảm bớt áp lực kinh tế.
Để có tiền trang trải, chị Huyền phải chấp nhận đi bán vé số. “Nhiều lúc đi bán ngang qua chỗ công ty cũ, một số đồng nghiệp cũ đang làm việc nhận ra khiến tôi cũng tủi thân lắm, nhưng biết làm sao bây giờ”, chị Huyền ngậm ngùi.
Khi được hỏi Tết sắp đến, chị Huyền nghẹn ngào bày tỏ, chắc năm nay sẽ không về quê với ông bà, chỉ có chồng chị về quê đón 2 con lên, để con nhỏ được ở với cha mẹ mấy ngày này.
Mới đây, Công ty TNHH PouYuen Việt Nam cũng ra thông báo, do tình hình đơn đặt hàng ảnh hưởng kế hoạch sản xuất, công ty và toàn thể công nhân các xưởng thuộc khối sự nghiệp thỏa thuận sắp xếp nghỉ luân phiên, tổng cộng 14 ngày. Thời gian áp dụng từ 1/12/2022 đến 28/2/2023.
Công ty sẽ chi trả tiền lương cho ngày nghỉ luân phiên là 180.000/ngày. Các ngày nghỉ của công nhân chủ yếu bố trí vào ngày cuối tuần.
Là công nhân đang làm tại khu xưởng nằm trong danh sách phải nghỉ luân phiên, chị Linh thở dài chia sẻ: "Cả năm làm chỉ trông chờ vào cuối năm, mà trước đó nghe phong phanh là lương không tăng, nhưng thôi cũng tặc lưỡi kệ, ổn định là được. Ai dè, nay còn bị bắt nghỉ luân phiên thì thu nhập lại giảm thêm”.
Người phụ nữ đã hơn 40 tuổi cho biết, vốn dĩ trước giờ chị đã phải làm 2 việc, sáng làm công nhân, chiều tối về tranh thủ chạy xe ôm công nghệ để tăng thêm thu nhập. Tuy chưa có gia đình, nhưng chị Linh đang phải chăm sóc cha mẹ già bệnh tật, nên nếu chỉ trông chờ vào đồng lương công nhân thâm niên hơn 15 năm ở mức hơn 8 triệu đồng chắc chắn sẽ không đủ.
Khi được hỏi về những dự tính, chị Linh cười trừ, “sống vậy một mình thôi chứ không muốn nghĩ đến chuyện lấy chồng, vì nếu có chồng mà thu nhập 2 vợ chồng èo uột như này, khó có điều kiện chăm con”.
Dự báo khó khăn, có doanh nghiệp không thưởng Tết
Trong buổi thông tin về các hoạt động chăm lo Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 vào chiều 23/11, ông Trần Đoàn Trung, Phó Chủ tịch thường trực Liên đoàn Lao động TP.HCM thừa nhận, hiện nay các doanh nghiệp kinh doanh sản xuất trong một số lĩnh vực như giày da, may mặc, đồ gỗ, nội thất đang gặp rất nhiều khó khăn.
Nguyên nhân là do ảnh hưởng của lạm phát, tình hình xung đột, giá cả nhiên liệu, một số mặt hàng tăng, tổng cầu của thế giới giảm...
Điều này buộc các doanh nghiệp phải giảm giờ làm, cho công nhân nghỉ việc luân phiên, ứng phép của năm 2023, tạm hoãn hợp đồng lao động chờ đơn hàng hoặc chấm dứt hợp đồng lao động.
Theo thống kê của Liên đoàn Lao động TP, hiện có 155 doanh nghiệp đang gặp khó khăn, kéo theo hơn 50.000 lao động sẽ bị ảnh hưởng, thu nhập giảm sâu.
Với tình hình trên, ông Trung dự báo Tết năm nay, có những doanh nghiệp sẽ không có tiền thưởng, lương tháng 13...
Ngoài ra, tình trạng nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế nhiều, trong đó nợ từ 1 tháng trở lên là gần 49.000 đơn vị. Việc này sẽ ảnh hưởng đến người lao động khi chấm dứt hợp đồng, người sử dụng lao động sẽ không chốt được sổ BHXH cho người lao động và những yếu tố khác. Do đó, tình hình quan hệ lao động trên địa bàn thành phố từ nay cho đến hết quý I/2023 tiềm ẩn nhiều phức tạp.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch thường trực Liên đoàn Lao động TP.HCM cũng cho biết, dù tình hình như vậy, nhưng cộng đồng doanh nghiệp vẫn đang nỗ lực tìm kiếm những giải pháp thay thế với quyết tâm phải giữ lại được việc làm cho người lao động hoặc có những giải pháp để giữ chân lao động.
Về phía Liên đoàn, cũng đang tích cực cùng với doanh nghiệp trong việc chăm lo đặc biệt là những đối tượng yếu thế. Đối với một số lao động không may bị mất việc, sẽ cùng nỗ lực để kết nối lại việc làm phù hợp nhất.
Ngoài ra, ông Trung cũng mong muốn người lao động có thể tận dụng thời gian này để tham gia những chương trình đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn hoặc trung hạn để có thể tìm kiếm được những cơ hội tốt hơn trong công việc.
Nguyễn Nam