Hôn nhân của nữ nghệ sĩ đàn bầu xinh đẹp từng diễn ở 80 quốc gia
Thứ ba, 07/03/2023 06:03
Hôn nhân của nữ nghệ sĩ đàn bầu xinh đẹp từng diễn ở 80 quốc gia
Hẹn gặp NSƯT Lệ Giang trong một buổi chiều mưa tại Khoa Nhạc cụ truyền thống, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, chị khá bận bởi những tiết dạy đàn bầu. Dù đến đúng giờ, tôi vẫn ngồi đợi Lệ Giang vì khi nhìn qua khe cửa phòng học, một cô một trò đang say sưa với nhạc cụ truyền thống đặc biệt của Việt Nam.
Suốt hơn 30 năm vừa học vừa làm, đàn bầu trở thành người bạn tri kỷ, gắn liền với cuộc sống của NSƯT Lệ Giang. Tiếng đàn bầu cũng được chị đem tới khán giả 80 quốc gia trên thế giới.
Tuổi thơ gắn với đàn bầu và chiếc xe đạp của mẹ
- Chị gắn bó với cây đàn bầu bắt đầu từ khi nào?
Mẹ tôi là nghệ sĩ đàn tranh, tôi được tiếp xúc trong nôi âm nhạc truyền thống, được xem mẹ và các cô chú, anh chị biểu diễn từ bé. Một lần, hai mẹ con xem hòa nhạc trên vô tuyến, mẹ hỏi thích nhạc cụ nào nhất, tôi chỉ vào cây đàn bầu vì bị thu hút từ âm thanh tới dáng hình của nó.
Gần 8 tuổi, tôi được dạy những nốt nhạc đầu tiên, sau đó được NSND Thanh Tâm chỉ dạy. Tôi học đàn bầu 15 năm và có hơn 15 năm giảng dạy, đến nay đã hơn 30 năm gắn bó với cây đàn này.
- Đàn bầu chỉ có một dây, để điều khiển nó một cách thành thạo hẳn không phải là một việc dễ dàng, thưa chị?
Đúng vậy. Làm quen và tiếp cận với đàn bầu không hề dễ. Người chơi phải dùng tay trái để chỉnh cao độ, không có những nốt sẵn như một số loại nhạc cụ khác. Sự khéo léo của đôi tay kết hợp với một đôi tai cảm nhận âm thanh tốt mới có thể tạo những nốt nhạc và làm chủ được cây đàn.
Việc học lúc đầu thực sự rất vất vả nhưng với nhạc cụ nào cũng vậy, ngoài năng khiếu phải khổ luyện mới có thể thành công.
- Kỷ niệm nào chị không thể quên gắn liền với chiếc đàn bầu?
Hồi bé, mẹ hay đèo tôi đi học bằng xe đạp. Có hôm thi học kỳ, đang đi trời đổ mưa, hai mẹ con chỉ có một chiếc áo mưa. Mẹ và tôi hy sinh chịu ướt, dùng áo mưa để bọc cây đàn.
Có nhiều lần, khán giả rơi nước mắt cảm động khi tôi chơi xong một giai điệu. Vẫn nhớ lần tôi biểu diễn 1 tháng tại Nhật Bản, có khán giả xem hết các buổi và còn tìm gặp bằng được bày tỏ muốn mua lại cây đàn bầu. Tuy nhiên tôi đành từ chối vì cây đàn giống như người bạn tri kỷ của mình. Sự đáng yêu của khán giả tiếp thêm động lực cho tôi rất nhiều.
- Đàn bầu đã khiến cuộc sống của chị thay đổi ra sao kể cả về mặt tinh thần lẫn vật chất?
Hiện tại, tôi sống được với nghề. Đó là điều may mắn, giống như mình yêu nghề và nghề không phụ. Với đàn bầu, đào tạo học sinh đông nhưng khi ra trường làm nghề bị rơi rụng dần.
Trước đây, người theo học đàn bầu mất 15 năm, hiện tại là 10 năm. Đó là cả một sự kiên trì, quá trình học cũng sẽ có rơi rụng, bỏ cuộc. Sau khi ra trường, số được làm sống được với nghề cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Tôi may mắn có những người thầy giỏi truyền nghề để gắn bó. Đàn bầu mang lại cho tôi nhiều thứ, nhiều nhất là những phút giây thăng hoa trên sân khấu. Hiện tại, tôi vừa giảng dạy vừa biểu diễn. Hai công việc hỗ trợ, tôn vinh nhau khiến tôi yêu cây đàn hơn bao giờ hết.
- Còn rất trẻ nhưng giành được nhiều thành tựu, chị trải qua những khó khăn thế nào?
Tôi khổ luyện trong những năm tháng đi học, có thời điểm tập 8 tiếng một ngày, tay sưng rộp, chảy máu. Đó không phải áp lực từ bố mẹ mà từ chính tôi vì yêu tiếng đàn bầu và muốn quyết tâm. Tuổi thơ của tôi gắn liền trên chiếc xe đạp của mẹ. Không chỉ trên trường, mẹ còn tìm những nghệ nhân giỏi nhất xin cho tôi theo học. Thành quả hôm nay là quá trình tích lũy dày dặn.
Trong lúc đi học hay mới ra làm nghề, có lúc tôi lung lay vì thấy nghề khác hot hơn, kiếm tiền dễ hơn, được nhiều người đón nhận hơn. Nhưng khi biểu diễn ở nước ngoài, khán giả quốc tế trầm trồ, ngạc nhiên và yêu mến những cây đàn truyền thống của Việt Nam khiến tôi và đồng nghiệp có nhiều động lực hơn.
Đau xót vì nhiều tài năng phải bỏ dở
- Để thành danh sống được với nghề như chị chỉ đếm trên đầu ngón tay, điều đó có đúng?
Tôi rất thích câu nói “yêu nghề thì nghề không phụ” vì ngẫm thấy đúng. Khi yêu cây đàn, yêu nghệ thuật truyền thống, mình sẽ đi đến tận cùng, luôn trau dồi, học hỏi để nâng cao tay nghề. Không phải khi giảng dạy, làm thầy, tôi sẽ dừng lại mà học hỏi suốt đời.
Đàn bầu nói riêng và các môn nghệ thuật truyền thống nói chung học quá lâu, vất vả, khổ luyện nhưng không phổ biến. Những thể loại mang tính thị trường, xu hướng sẽ được đón nhận dễ dàng hơn. Từ đó, thu nhập hay đời sống kinh tế của họ cũng khá hơn so với nghệ sĩ truyền thống.
Có những ca sĩ, nghệ sĩ không theo học bài bản chỉ làm bằng bản năng vẫn thành công, thu nhập tốt hơn các nghệ sĩ truyền thống. Phải rất yêu và tâm huyết mới theo nghề vì thực tế nhiều người rất giỏi nhưng phải bỏ dở, có cuộc sống bấp bênh, cơm áo gạo tiền làm họ bị gián đoạn, giảm nhiệt huyết.
- Có trường hợp sinh viên đặc biệt nào theo học mà chị ấn tượng?
Tôi tiếc nuối nhiều em có khả năng tốt nhưng vì khó khăn mà phải bỏ cuộc.
Nghệ thuật truyền thống không phải nghề hot, bề nổi không bằng nhiều ngành nghề khác. Với nghệ thuật truyền thống, các em ở tỉnh thường theo học nhiều hơn, học nhanh, tiếp thu tốt nhưng hoàn cảnh gia đình khiến nhiều em bỏ giữa chừng. Tôi tiếc cho những mầm non ấy, nếu được quan tâm và theo học, họ sẽ thành tài.
- Là một người chỉ dạy, truyền nghề, thấy những sinh viên không tìm được việc, cảm xúc của chị thế nào?
Trong dàn nhạc, đàn bầu luôn chỉ cần có một. Nó thường ở vị trí chính, nổi trội nên người theo học đàn bầu phải cạnh tranh cao để có được vị trí xứng đáng. Khi tốt nghiệp ra trường, những người có năng lực chuyên môn giỏi mới có thể xin vào các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp của Trung ương, các thành phố lớn. Còn lại có thể về các đoàn nghệ thuật tỉnh hoặc làm giáo viên dạy âm nhạc phổ thông.
5-10 năm trở lại đây, đời sống xã hội tốt lên, nhiều gia đình cho con em đi học nghệ thuật. Các trường quốc tế, dân lập cũng mở nhiều lớp dạy âm nhạc truyền thống, tạo cơ hội cho sinh viên ra trường. Không phải ai cũng được đào tạo thành nghệ sĩ mà còn làm giáo viên, nên tôi thấy những người có năng lực vẫn sẽ có nhiều cơ hội được làm nghề.
- Không chỉ là một nghệ sĩ, chị còn là giảng viên, người truyền nghề cho các bạn trẻ, chị đau đáu điều gì trước thực trạng nghệ thuật truyền thống khó đến gần khán giả?
Tôi đã có những buổi giới thiệu nhạc cụ truyền thống Việt Nam cho học sinh một số trường quốc tế. Đó là sự phổ cập giáo dục âm nhạc rất tốt, cần phát huy. Khi được biết, tiếp xúc và hiểu về nhạc cụ truyền thống, các em mới có những lựa chọn của mình.
Chúng tôi muốn có thêm nhiều dự án tương tự để quảng bá rộng rãi cây đàn bầu nói riêng và nhạc cụ truyền thống nói chung, có nhiều dự án biểu diễn trong nước và nước ngoài để đem nghệ thuật truyền thống tới gần công chúng hơn nữa.
Tôi cũng từng cộng tác với những đạo diễn, nhà sản xuất để làm những đêm nhạc ở nhiều dòng nhạc khác nhau. Ví dụ, đàn bầu có thể chơi nhạc trẻ, nhạc rock, jazz để đổi mới nhưng vẫn mang tính dân gian, kết hợp giữa truyền thống và hiện đại để dễ tiếp cận giới trẻ hơn.
Khán giả trẻ khá hứng thú với sự kết hợp này. Một vài bạn trẻ dùng nhạc cụ truyền thống để chơi những bản nhạc trending, thu hút nhiều sự chú ý. Điều đó giúp lan tỏa tình yêu nhạc cụ dân tộc tới những người trẻ rất nhiều.
Ông xã luôn động viên tôi
- Ông xã cùng làm nghệ thuật, vợ chồng chị là điểm tựa cho nhau như thế nào trong cuộc sống?
Chồng cùng làm nghệ thuật là thuận lợi, may mắn vì sẽ cảm thông và chia sẻ nhiều hơn. Tôi thường phải công tác xa nhà, anh chăm sóc con cái, quán xuyến gia đình. Anh luôn ủng hộ, động viên vợ cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ. Tôi và chồng cùng chung chí hướng nên gặp chuyện gì, chúng tôi đều hỗ trợ, góp ý cho nhau.