Khách 'sộp' giảm ăn, giá tôm cá giảm sâu, người nuôi treo ao

Khách 'sộp' giảm ăn, giá tôm cá giảm sâu, người nuôi treo ao

Lượng xuất khẩu giảm mạnh

Thống kê sơ bộ cho thấy, dù xuất khẩu thủy sản tháng 7 hồi phục so với những tháng trước đó, song 7 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng này chỉ đạt 4,95 tỷ USD, giảm 25,4% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Trong đó, xuất khẩu cá tra giảm sâu nhất ở mức 36%, mặt hàng tôm cũng ghi nhận mức giảm 27% so với cùng kỳ năm 2022.

Đáng chú ý, top 8 khách hàng lớn nhất đều giảm mua các sản phẩm thủy sản Việt Nam. Theo đó, trong 6 tháng đầu năm nay, xuất khẩu sang Anh giảm nhẹ nhất 3%, giảm mạnh nhất ghi nhận ở thị trường Mỹ và Hà Lan lần lượt ở mức 46% và 43%. Các thị trường khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Trung Quốc, Thái Lan đều giảm từ 11-23%. 

Riêng tháng 7 vừa qua, tín hiệu phục hồi rõ rệt nhất ở thị trường Trung Quốc khi ghi nhận mức tăng 45% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Sau kỷ lục lịch sử, xuất khẩu cá tra giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái (Ảnh: Hoàng Minh Giám)

Báo cáo tình hình sản xuất và diễn biến giá cả một số mặt hàng nông sản của Bộ NN-PTNT cho thấy, xuất khẩu vẫn giảm mạnh, trong khi sản lượng cá tra tính đến hết tháng 7 năm nay ước đạt 922,3 nghìn tấn, tăng 2,3% so với cùng kỳ năm 2022. Sản lượng tôm đạt 590,1 nghìn tấn, tăng 4%.

Việc xuất khẩu giảm còn sản lượng nuôi trồng lại tăng khiến nguồn cung dồi dào kéo giá tôm và cá tra giảm sâu. Đặc biệt, giá tôm liên tiếp sụt giảm do đang vào mùa vụ nuôi chính, không chỉ ở Việt Nam mà còn tại các nước khác như Ecuador, Ấn Độ và Indonesia, trong khi xuất khẩu bị đình trệ.

Cụ thể, giá cá tra size 800g-1 kg/con dao động trong khoảng 26.500-27.500 đồng/kg. Lượng đánh bắt của các công ty lớn ở mức thấp. Hoạt động thu mua cá nguyên liệu trên thị trường suy yếu nên giá cá giống tiếp tục giảm xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm, chỉ còn 20.000-22.000 đồng/kg, giảm 5.000-6.000 đồng/kg so với tháng 6/2023. 

Người nuôi cá tra gặp khó khăn do giá thành nuôi cá vẫn còn cao dẫn đến không có lãi. Một số hộ tạm treo ao sau khi xuất bán. 

Tương tự, giá tôm sú và tôm thẻ chân trắng nguyên liệu ở ĐBSCL trong tháng 7/2023 tiếp tục giảm về mức thấp nhất kể từ đầu năm. Tại Bạc Liêu, giá trung bình tôm sú ướp đá cỡ lớn 20 con/kg giảm 19.300 đồng/kg so với tháng 6/2023 xuống còn 187.000 đồng/kg, cỡ 30 con/kg ở mức 150.000 đồng/kg giảm 22.000 đồng/kg, cỡ 40 con/kg giữ mức 130.000 đồng/kg. 

Giá tôm thẻ ướp đá cỡ 40 con/kg giảm 3.000 đồng/kg so với tháng 6/2023 xuống còn 95.000 đồng/kg; cỡ 60 con/kg giảm 2.000 đồng/kg còn 73.300 đồng/kg, cỡ 100 con/kg giảm về mức 67.000 đồng/kg.

Trao đổi với PV.VietNamNet, ông Đặng Văn Bảy nuôi tôm ở xã Thạnh Phong (Thạnh Phú, Bến Tre), thừa nhận, giá tôm đang ở mức rất thấp so với những năm trước. Hiện tôm thẻ chân trắng cỡ 30 con/kg giảm còn 120.000 đồng con, cỡ 50-60 con/kg giá 80.000-95.000 đồng/kg.

Giá tôm nguyên liệu giảm về mức thấp nhất kể từ đầu năm tới nay (Ảnh: Hoàng Hà)

Theo ông, mức giá này chỉ những hộ nuôi đạt năng suất tốt mới giữ được lãi nhẹ, còn lại chỉ hòa vốn hoặc lỗ. "Để phù hợp với thị trường, dịp này tôi phải tăng mật độ nuôi bán tôm cỡ nhỏ. Nếu nuôi kích cỡ lớn như lứa tôm 27-28 con/kg vừa thu hoạch thì không có lãi", ông Bảy nói.

Người nuôi treo ao, lo cuối năm thiếu nguyên liệu

Ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, cũng khẳng định, ở mức giá 26.000-27.000 đồng/kg cá tra nguyên liệu, người nuôi chịu lỗ khoảng 1.000-2.000 đồng/kg khi xuất bán. 

"Giá cá giống cũng giảm sâu là minh chứng người nuôi khó khăn, treo ao nhiều", ông nói. Bởi theo quy luật, nếu người nuôi đồng loạt thả nuôi sau khi xuất bán hàng, giá cá tra giống sẽ ổn định hoặc tăng.

Ông Quốc cho biết, hiện khoảng 70 diện tích ao nuôi có liên kết với doanh nghiệp chế biến. Tuy nhiên, xuất khẩu gặp khó khăn nên tồn kho lớn. Nguồn vốn mắc kẹt trong kho lạnh nên khó mua tiếp cá nguyên liệu, giá càng giảm sâu hơn.

Theo ông, nếu không có nguồn vốn để duy trì thả nuôi, khi thị trường cần chúng ta sẽ không có nguồn nguyên liệu.

Theo kịch bản khả quan, năm nay xuất khẩu tôm dự báo thu về khoảng 3,5-3,6 tỷ USD, giảm 16-18% so với năm 2022; cá tra giảm 28% đạt 1,7-1,8 tỷ USD. 

Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) nhận định, có 3 yếu tố sẽ quyết định kịch bản xuất khẩu lạc quan trong nửa cuối năm.

Thứ nhất, diễn biến kinh tế các thị trường lớn được dự báo khả quan hơn trong nửa cuối năm cộng với thực tế nhu cầu nhập khẩu từ các thị trường như Mỹ và Trung Quốc có xu hướng tăng trở lại, lượng tồn kho vơi dần và chuẩn bị đơn hàng cho dịp lễ hội cuối năm và năm mới.

Thứ hai, nội lực của doanh nghiệp và cộng đồng sản xuất chuỗi cung ứng thủy sản được hỗ trợ kịp thời về nguồn vốn, các điều kiện sản xuất kinh doanh để giữ được nguồn cung nguyên liệu ổn định, đảm bảo có sẵn nguồn hàng khi thị trường có nhu cầu.

Cuối cùng, các sản phẩm xuất khẩu có nguồn cung ổn định và có giá thành giảm, giá bán cạnh tranh hơn so với các nước khác.

Cả thế giới 'thắt lưng buộc bụng', con tôm Việt lao đaoLạm phát khiến người tiêu dùng ở nhiều quốc gia phải "thắt lưng buộc bụng", lựa chọn thực phẩm giá rẻ. Kéo theo đó, xuất khẩu tôm Việt Nam sụt giảm mạnh, giá tôm nguyên liệu cũng giảm sâu.

Tin tức mới nhất

Xem thêm

Du khách làm rơi điện thoại iPhone vào hòm công đức, phản ứng lạ của ban quản lý

Du khách làm rơi điện thoại iPhone vào hòm công đức, phản ứng lạ của ban quản lý

Nói với con gái 3 câu qua camera, ông bố Hải Dương thu hút gần 1 triệu lượt xem

Nói với con gái 3 câu qua camera, ông bố Hải Dương thu hút gần 1 triệu lượt xem

Sống sung sướng bên chồng kém 7 tuổi, NSND Thanh Ngoan vẫn thấy thiếu sót

Sống sung sướng bên chồng kém 7 tuổi, NSND Thanh Ngoan vẫn thấy thiếu sót