'Không có sự tiếp tay, sao Đầm Bông lại biến mất'
Thứ ba, 20/12/2022 06:00
'Không có sự tiếp tay, sao Đầm Bông lại biến mất'
Trao đổi với PV VietNamNet, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, vụ san lấp Đầm Bông diễn ra vào bất cứ thời điểm nào thì TP Hà Nội cũng phải xử lý thật nghiêm để làm gương cho những nơi khác.
Ông cảm thấy thế nào khi tiếp nhận thông tin 3,5ha Đầm Bông giữa nội thành TP Hà Nội bị đất cát lấp đầy làm nhà xưởng, khu dân cư?
Sinh ra ở miền Tây, từ nhỏ tôi đã nghe ông bà, cha mẹ và qua sử sách biết đến Thăng Long - Hà Nội là vùng đất nhiều hồ, ao, thoáng mát. Vậy mà, Hà Nội hiện nay rất ngột ngạt vì ao, hồ bị lấp đi để xây nhà cửa cao ốc.
Khi thấy báo chí phản ánh Đầm Bông rộng 3,5ha nằm giữa lòng Thủ đô bị san lấp làm nhà xưởng, khu dân cư tôi cảm thấy rất đau lòng.
Theo tôi, vụ lấp Đầm Bông là vấn đề rất nghiêm trọng. Đây là vụ việc bê bối của cả Hà Nội chứ không riêng gì quận Hoàng Mai.
Nhiều người cho rằng, nếu chính quyền phường Định Công và quận Hoàng Mai làm hết trách nhiệm trong quản lý trật tự đô thị thì Đầm Bông không bị ‘mất tích’, thưa ông?
Nếu muốn xử lý tình trạng vi phạm trật tự xây dựng, một con kiến bò qua hàng rào lực lượng chức năng của phường Định Công cũng có thể nhìn thấy. Còn việc Đầm Bông rộng 3,5ha bị san lấp gần hết giống như con voi đi ngang qua nhưng không ai nhìn thấy.
Qua vụ việc, tôi cho rằng nếu không có sự tiếp tay, nhắm mắt làm ngơ của lãnh đạo địa phương thì không bao giờ người dân có thể san lấp được Đầm Bông làm nhà xưởng, khu dân cư.
Theo ông, lãnh đạo phường Định Công và quận Hoàng Mai có trách nhiệm như thế nào trong vụ Đầm Bông bị san lấp?
Qua thông tin từ dư luận tôi thấy lãnh đạo phường Định Công và quận Hoàng Mai đang đẩy trách nhiệm về quá khứ. Tuy nhiên, dù vụ việc xảy ra ở thời điểm nào thì lãnh đạo đương nhiệm của phường Định Công và quận Hoàng Mai cũng phải mạnh tay xử lý công trình vi phạm, lập lại kỷ cương phép nước.
Đối với cán bộ dù đã nghỉ hưu hay chuyển công tác mà bị lực lượng chức năng phát hiện ra hành vi bao che hoặc nhắm mắt làm ngơ cho vi phạm ở Đầm Bông vẫn phải xử lý thật nghiêm theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, lực lượng chức năng cũng phải xử lý nghiêm người dân cố tình lấp đầm làm nhà xưởng, đồng thời có phương án giải tỏa các công trình trên đất nông nghiệp, trả lại nguyên trạng ao, hồ trước đây.
Vừa qua, trên địa bàn TP Hà Nội cũng như cả nước liên tục xảy ra các vụ cháy nổ gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Những nhà xưởng mọc trên đất nông nghiệp ở Đầm Bông liệu có bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy, thưa ông?
Qua các vụ cháy gần đây ở Hà Nội và Bình Dương, tôi có cảm giác không an tâm về công tác phòng cháy chữa cháy cho những nhà xưởng ở Đầm Bông.
Do đây là công trình mọc trên đất nông nghiệp, vi phạm trật tự xây dựng, rất có thể không đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy.
Theo tôi, lãnh đạo phường Định Công và quận Hoàng Mai phải yêu cầu dừng hoạt động, đóng cửa những nhà xưởng, nhà kho ở Đầm Bông từ lâu rồi, chứ không nên đợi báo chí phản ánh mới làm.
Qua vụ lấp Đầm Bông làm nhà xưởng, theo ông TP Hà Nội phải xử lý như thế nào để không xảy ra trường hợp tương tự?
Tôi đề nghị Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng và Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh chỉ đạo xử lý nghiêm vụ Đầm Bông để làm gương cho những nơi khác.
Qua đây, tôi cũng mong TP Hà Nội cùng các cấp ngành ‘tìm lại’ lại được Đầm Bông, đồng thời có những quyết sách để không lấp hồ, ao hiện có để làm khu đô thị, khu cụm công nghiệp.
Đầm Bông bị xoá khỏi danh sách hồ điều hoà Ông Đỗ Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai cho biết, trước đây ở phường Định Công có 3 hồ điều hoà, đó là Đầm Sòi, Đầm Sen và Đầm Bông. Trong đó, Đầm Sòi, Đầm Sen đã được cải tạo theo quy hoạch của thành phố, còn Đầm Bông có những công trình vi phạm như dư luận phản ánh. Theo ông Tùng, Đầm Bông rộng 3,5ha, qua rà soát, lực lượng chức năng phát hiện 80 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng. |