Không đạt chuẩn, nông sản bị loại từ 'vòng gửi xe'
Thứ năm, 24/11/2022 06:00
Không đạt chuẩn, nông sản bị loại từ 'vòng gửi xe'
Những container nông sản phải quay đầu
Trên gai trái sầu riêng được hái tại một vườn trồng Đăk Lăk có mấy vệt màu xanh - dấu vết còn lại do người nông dân phun thuốc trừ sâu lên cây. Công ty thu mua về không tẩy rửa được, khi xuất khẩu trái sầu trên sẽ phải quay đầu về nước. Lâu lâu, lại có tin chục container sầu riêng bị trả về từ biên giới do hàng không đạt tiêu chuẩn.
Dẫn chứng trên được bà Hồ Đức Minh - Phó Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Vạn Xuân Phát kể tại Diễn đàn “Ổn định chất lượng và đảm bảo tiêu chuẩn nông sản của các hợp tác xã nông nghiệp”, do Báo Nông nghiệp Việt Nam vừa tổ chức.
Là một trong 25 đơn vị đóng gói, được cấp mã số xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang Trung Quốc, công ty của bà Minh hiểu rằng, hàng không ngon họ không mua lần hai. Trong khi đó, tiêu chuẩn cơ bản nhất cần tuân thủ là an toàn thì nông dân chưa hiểu, như một bài vỡ lòng chưa học qua.
“Không đảm bảo tiêu chuẩn là bị loại từ vòng gửi xe. Nông dân rất hiểu trái họ trồng ra là sản phẩm đầu tiên trong chuỗi giá trị, nhưng họ không hiểu việc mình đang làm”, bà Minh nói.
Ông Bùi Phước Hoà, đại diện Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao, khẳng định, các hợp tác xã muốn bán hàng thì phải cho khách hàng thấy nông sản của mình có tính ổn định. Người tiêu dùng mua lần một sẽ mua lần hai. Nếu mất uy tín, niềm tin khó lấy lại.
Nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Bùi Bá Bổng nhận định, khoảng cách giữa người sản xuất trực tiếp là nông dân, hợp tác xã với người tiêu dùng quá xa. Người tiêu dùng gần như không có thông tin về nguồn gốc sản phẩm họ mua, quá trình sản xuất cụ thể. Ngược lại, nông dân cũng không biết sản phẩm mình làm ra được xã hội chấp nhận ra sao.
Minh bạch, bắt đầu từ ghi chép
Đề cập về sự “khó tính” của các thị trường nhập khẩu, TS. Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT), dẫn chứng, Trung Quốc gần đây kiểm tra cụ thể từng mặt hàng, từng mức ô nhiễm vi sinh hay dư lượng để đưa ra cảnh báo. Họ cũng yêu cầu một số mặt hàng nông sản ghi cả ngày thu hoạch, đóng gói, đưa vào kho lạnh. Tất cả đều phải minh bạch.
Tương tự, Nhật Bản cũng yêu cầu rất minh bạch trong quá trình sản xuất. Hàn Quốc quy định mức ngưỡng hóa chất, kháng sinh sử dụng trong nông nghiệp. Đối với mặt hàng xoài, quốc gia này chỉ chấp nhận vùng trồng tại 7 tỉnh ĐBSCL. Họ giám sát rất chặt nguồn gốc xoài nhập khẩu.
Cách duy nhất có thể thay đổi thói quen người nông dân là minh bạch mọi khâu. Công ty Vạn Xuân Phát đang cùng nông dân gắn mã lên từng cây sầu riêng, nông dân ghi chép mọi hoạt động. Đại diện doanh nghiệp xuống tận vườn kiểm tra, vườn nào không tuân thủ vụ sau công ty không thu mua. Điều này được hai bên ký cam kết.
Khi nông dân không có thói quen ghi chép lại để rút kinh nghiệm, các yếu tố mới xuất hiện, họ không có phương thức xử lý. Bà Minh dẫn chứng, vụ sầu riêng vừa rồi ở Đăk Lăk, có 2 ngày sương muối vào đợt ra hoa khiến trái sầu bị méo, cơm sầu không ngon. Nhưng nông dân không biết cách ứng phó mà trông cậy vào phun thuốc, để lại những vệt xanh trên vỏ sầu riêng.
Ông Phạm Quốc Liêm, Tổng giám đốc Công ty CP Nông nghiệp Unifarm Bình Dương, cho biết, cần áp dụng mô hình minh bạch tất cả chi phí đầu vào. Sau đó, lấy doanh thu trừ đi chi phí, trừ đi % chi phí quản lý của doanh nghiệp, còn lại chia lợi nhuận cho nông dân.
Điều này đảm bảo doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân, thắng cùng thắng, thua cùng thua trong chuỗi giá trị nông nghiệp. Từ đó, nông dân sẽ có trách nhiệm trong quá trình canh tác của mình.