Kiến nghị ‘đổi trái phiếu lấy bất động sản’ và 2 giải pháp đặc biệt
Thứ sáu, 17/02/2023 14:24
Kiến nghị ‘đổi trái phiếu lấy bất động sản’ và 2 giải pháp đặc biệt
Cần có hướng dẫn "đổi trái phiếu lấy bất động sản"
Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững sáng 17/2, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, cần có hướng dẫn "đổi trái phiếu lấy bất động sản".
Theo ông, Nhà nước không nhất thiết phải dùng tiền ngân sách để hỗ trợ, giải cứu mà dùng cơ chế, chính sách và vốn đối ứng, nhất là vốn mồi (chủ yếu đối với nhà ở xã hội).
Như đối với gói tín dụng nhà ở xã hội 110.000 tỷ đồng, ông cho rằng Chính phủ nên cân nhắc có một đề án tổng thể, căn cơ để phát triển nhà ở xã hội như mô hình của Singapore, Hàn Quốc; cần rút kinh nghiệm các điểm bất cập khi triển khai gói 30.000 tỷ đồng trước đây.
Đối với NHNN, cân nhắc sớm cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng ngay trong tháng này để tổ chức tín dụng chủ động triển khai thực hiện sớm.
Bên cạnh đó, ông Lực nêu quan điểm, cần kiểm soát rủi ro tín dụng bằng cách điều chỉnh lại hệ số rủi ro đối với các phân khúc BĐS. Bộ Xây dựng cần là đầu mối để phân khúc BĐS theo các phân khúc khác nhau như nhà ở xã hội, nghỉ dưỡng…
Đối với Bộ Tài chính, sớm trình Chính phủ sửa đổi Nghị định 65 về trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ; nên có hướng dẫn khuyến khích doanh nghiệp phát hành ra công chúng; phối hợp Bộ Xây dựng có hướng dẫn "đổi trái phiếu lấy bất động sản". Có hướng dẫn để nhất quán thực hiện, tránh xung đột, tranh chấp sau này.
Đối với các doanh nghiệp xây dựng, bất động sản, theo TS.Cấn Văn Lực, cần nâng cao tính công khai, minh bạch trong huy động vốn, sử dụng vốn. Tăng cường tái cơ cấu, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn vốn, đặc biệt là quyết liệt cơ cấu lại, tiết giảm chi phí.
Xem xét có phương án cụ thể, quyết liệt để giải quyết căng thẳng thanh khoản khi các trái phiếu đáo hạn. "Chẳng hạn, có thể phải bán tài sản, kể cả chấp nhận mức chiết khấu cao 30-40% để tạo thanh khoản, bảo đảm thực hiện nghĩa vụ tài chính với trái chủ", ông Lực ví dụ.
Cùng với đó, chuẩn bị hồ sơ, thủ tục cho việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp để có thể sớm triển khai khi Nghị định 65 sửa đổi được ban hành.
Chính phủ nên cho phép thực hiện 2 giải pháp đặc biệt
Về trái phiếu doanh nghiệp, GS.TS Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc hội, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cho rằng, vấn đề quan trọng nhất là phải đảm bảo lòng tin của người dân.
Theo chuyên gia này, Chính phủ nên cho phép thực hiện 2 giải pháp đặc biệt.
Thứ nhất, cho phép các doanh nghiệp phát hành thoả thuận với người mua trái phiếu để chuyển các khoản nợ thành trái phiếu công trình có khả năng chuyển đổi thành các sản phẩm khi công trình hoàn thành, dưới hình thức như các nhà đầu tư được nhận sản phẩm theo mức giá trị đóng góp.
Nhà đầu tư có thể chuyển nhượng trái phiếu cho nhau, người nắm giữ trái phiếu coi như người góp vốn đầu tư chờ khi dự án hoàn thành sẽ nhận sản phẩm hoặc giá trị tương ứng với lượng sản phẩm được quyền chuyển đổi.
Phương thức này thực chất là một hình thức huy động vốn đầu tư dài hạn cho doanh nghiệp BĐS và người có vốn mua trái phiếu trở thành người góp đầu tư BĐS, được hưởng lợi từ giá trị tăng thêm của BĐS sau khi dự án hoàn thành.
Thứ hai, một số dự án BĐS quan trọng nếu không được tài trợ vốn, các doanh nghiệp có nguy cơ sẽ bán lại cho các nhà đầu tư nước ngoài. "Thực tế hiện nay, nhiều quỹ đầu tư bên ngoài đang chuẩn bị sẵn tiền chờ cơ hội thâu tóm các dự án này khi các doanh nghiệp BĐS trong nước gặp khó khăn phải bán. Điều này sẽ có nguy cơ gây hệ luỵ lâu dài đối với việc kiểm soát thị trường BĐS và nhiều vấn đề khác của đất nước", ông Cường phân tích.
Trong trường hợp này, theo ông, Chính phủ cần phải can thiệp trực tiếp bằng phát hành trái phiếu Chính phủ mua lại các trái phiếu doanh nghiệp (với lãi suất thấp hơn, thời gian dài hơn để người dân yên tâm không bị rủi ro đối với tiền vốn đã mua trái phiếu doanh nghiệp); chuyển các khoản nợ này cho các tổ chức quản lý nợ như DATC hoặc VAMC quản lý và kiểm soát hoạt động của các dự án này tiếp tục đầu tư đến khi thu hồi vốn. Trong trường hợp này, không nên hình sự hoá đối với doanh nghiệp mà để họ có cơ hội tiếp tục các hoạt động phục hồi dưới sự kiểm soát của cơ quan quản lý nợ của Nhà nước.
Ông Cường cho rằng, về phía Quốc hội, cần thông qua một nghị quyết để xử lý ngay những vướng mắc, mâu thuẫn về các quy định pháp luật; cho phép Chính phủ quyết định các biện pháp tức thời trong việc phát hành trái phiếu Chính phủ mua lại các khoản nợ trái phiếu doanh nghiệp đối với các dự án quan trọng cần nắm giữ.
Đồng thời, cho phép doanh nghiệp phát hành trái phiếu công trình có chuyển đổi thành sản phẩm; cho phép Chính phủ quyết định lựa chọn vận dụng các quy định của pháp luật khi có các quy định không thống nhất, chồng chéo hoặc không rõ ràng, cụ thể; cho phép các doanh nghiệp được chuyển nhượng các dự án khi đã có giấy chứng nhận đầu tư…
Không để các nhà đầu cơ mua gom bất động sản
Còn theo ông Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, tình trạng thị trường hiện nay chủ yếu là thiếu cung, thừa cầu.
“Đất đai là tài nguyên quý hiếm, nhà ở là nhu cầu thiết yếu, chúng ta cần xây dựng chính sách bất động sản trên nền tảng này, không thể để các nhà đầu cơ mua gom bất động sản, mua gom tài nguyên để tích trữ, biến đó thành lợi nhuận khổng lồ trong tương lai, trong khi nhu cầu của người dân không được đáp ứng”, ông Nghĩa nói.
Ông Nghĩa mong muốn Chính phủ tập trung vào các nền tảng bất động sản, thu gom tài nguyên trực tiếp và phát triển công nghiệp, đặc biệt công nghiệp chế biến, chế tạo.
“Chúng ta xây dựng thị trường bất động sản lành mạnh, lâu dài và phải gắn với việc phát triển công nghiệp, đặc biệt gắn với nhu cầu thiết yếu của nhân dân”, ông Nghĩa nêu quan điểm.
Chuyên gia này cũng đề xuất, bỏ cơ chế nhà ở xã hội, thay vào đó là xây dựng một cơ chế mới về nhà ở cho người thu nhập thấp; phải đánh thuế về đầu cơ nhà ở...