Lộ diện công trình sai phạm ở Đà Lạt sau vụ sạt lở

Lộ diện công trình sai phạm ở Đà Lạt sau vụ sạt lở

Lời tòa soạn

Những vụ thương vong lớn về người xảy ra liên tiếp gần đây dù khác nhau về lĩnh vực nhưng lại giống nhau ở chỗ, từ sự cố lộ ra “góc khuất” sai phạm, vi phạm.

Sau những vụ việc đau lòng như tai nạn xe khách Thành Bưởi, sạt lở ở Đà Lạt, cháy chung cư mini ở Hà Nội làm 56 người chết, là cả quá trình điều tra, xem xét, xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan.

Tìm nguyên nhân, bịt lỗ hổng từ những vụ việc như vậy là rất cần thiết, vì chỉ có đề cao trách nhiệm quản lý, chủ động ngăn chặn và xử lý vi phạm từ sớm, rủi ro mới được hạn chế.

Sai phạm hé lộ từ vụ sạt lở, người bị bắt, loạt cán bộ bị triệu tập

Trong hai ngày cuối tháng 6/2023, tại Đà Lạt xảy ra 13 vụ sạt lở. Trong đó, vụ sạt lở bờ taluy trong hẻm đường Hoàng Hoa Thám (phường 10) làm 2 người chết, 5 người bị thương khi chủ đầu tư đang cho đắp đất để tạo mặt bằng thi công.

Tại cuộc họp hôm 10/7, ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, công trình có dấu hiệu vi phạm. Địa phương cấp quyền sử dụng đất cho chủ công trình tại vị trí đất công cộng trước đây, việc thi công chưa đúng với giấy phép…

Đặc biệt, chủ đất "quá tham" khi từ 2 thửa đất ban đầu, đã đổ bờ taluy để chia ra làm 4 lô (khu đất bị sạt lở rộng hơn 3.000m2, thuộc sở hữu của 4 hộ dân), nhằm tăng diện tích đất sử dụng. Đồng thời, chủ đầu tư đã xây taluy quá cao, quá dài; công trình taluy chắn đất thiếu giải pháp thi công, che chắn nên khi gặp mưa lớn, bờ taluy bị áp lực phá vỡ kết cấu dẫn tới sạt lở. Đáng nói, những vi phạm nêu trên lại chỉ được phơi bày sau vụ sạt lở gây thương vong về người.

Diễn biến sau vụ sạt lở nghiêm trọng nêu trên, UBND tỉnh Lâm Đồng đình chỉ công tác ông Nguyễn Dương Trung Hữu, Trưởng phòng Quản lý đô thị Đà Lạt, để làm rõ trách nhiệm lãnh đạo phòng và các tập thể, cá nhân liên quan trong cấp giấy phép xây dựng và kiểm tra, giám sát xây dựng tại khu vực xảy ra sự cố. Khoảng 20 người là cán bộ và người có liên quan được Công an TP Đà Lạt triệu tập để làm rõ sự việc.

Công an TP Đà Lạt cũng đã khởi tố, bắt tạm giam ông Nguyễn Uy Vũ (Giám đốc Công ty cổ phần xây dựng Lê Nguyễn Lâm Đồng, đơn vị thiết kế, thi công bờ taluy) và ông Dương Viết Phong (Giám sát thuộc đơn vị tư nhân) về hành vi "Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng".

Sạt lở taluy trên đường Hoàng Hoa Thám, phường 10, TP Đà Lạt làm 2 người chết vào cuối tháng 6/2023. Ảnh: Hoàng Giám

Sau vụ sạt lở, UBND tỉnh Lâm Đồng có văn bản chỉ đạo các sở ngành, huyện và thành phố rà soát toàn bộ các dự án, công trình trên địa bàn có địa hình dốc cao, nguy cơ sạt trượt. UBND tỉnh yêu cầu Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan và cả UBND TP Đà Lạt phải kiểm tra, đánh giá toàn bộ các công trình xây dựng; công trình nào không đảm bảo an toàn thì tạm ngừng thi công, đảm bảo an toàn.

Từ việc rà soát nêu trên, nhiều bất cập trong quy hoạch đô thị, quản lý xây dựng ở Đà Lạt lộ ra. Cụ thể, trên đường Hoàng Hoa Thám (phường 10), nhiều doanh nghiệp xây tổ hợp kinh doanh cà phê, lưu trú với 35 công trình không phép. Trong đó, 5 công trình hoàn thành, đưa vào sử dụng.

Chính quyền thành phố đã xử phạt, buộc chủ đầu tư khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, chủ công trình nộp tiền phạt, tháo dỡ một phần công trình, còn 3.500m2 sàn xây dựng vi phạm vẫn tồn tại. Đến ngày 30/6, sau khi vụ sạt lở khiến 2 người chết xảy ra, thành phố mới có thông báo buộc tháo dỡ phần công trình vi phạm.

Một quán cà phê trên đường đèo Mimosa cũng vi phạm khi chưa được cấp phép đã làm bờ taluy, có nguy cơ sạt lở. Thế nhưng, UBND phường 10 không kiểm tra, giám sát, đình chỉ thi công công trình vi phạm.

Hồi tháng 8/2023, cơ quan chức năng kiểm tra 23 công trình tại địa bàn phường 12 thì phát hiện 9 công trình vi phạm về thi công sai nội dung giấy phép được cấp và bản vẽ thi thiết kế được duyệt. Việc xây dựng các công trình này diễn ra trong thời gian dài nhưng chính quyền phường không xử lý.

Với 9 công trình vi phạm, thành phố yêu cầu đình chỉ thi công, lập hồ sơ xử lý. Ngoài ra, UBND phường 12 bị yêu cầu nghiêm túc tổ chức kiểm điểm, xem xét đánh giá về hoạt động xây dựng đối với cán bộ lãnh đạo và cán bộ được giao nhiệm vụ.

"Nhân tai" và quản lý Nhà nước có vấn đề

Theo thống kê của Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng, trên địa bàn tỉnh còn 73 vị trí có nguy cơ bị ngập khi xảy ra mưa lớn, 163 vị trí bị sạt lở và có nguy cơ sạt lở đất.

Ông Trần Văn Hiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, việc cấp phép xây dựng, quản lý hoạt động xây dựng ở một số địa phương còn hạn chế, thậm chí còn buông lỏng. Điều này dẫn tới hậu quả nghiêm trọng, như trận sạt lở trong hẻm đường Hoàng Hoa Thám khiến 2 người chết. Địa phương sẽ siết chặt công tác quản lý trật tự đô thị, đất đai, xây dựng trên địa bàn toàn tỉnh, nhất là ở TP Đà Lạt.

Còn theo UBND TP Đà Lạt, một nguyên nhân chủ quan chung trong quản lý đô thị là một số cán bộ, công chức chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm, thiếu sự quyết liệt và nắm bắt các quy định pháp luật trong lĩnh vực mình quản lý, còn lúng túng trong quá trình xử lý hồ sơ, công việc.

da-lat-3-1.jpg
 Công trình xây dựng sập đổ vì sạt lở. Ảnh: Hoàng Giám

Lâm Đồng đã tổ chức hội thảo, mời chuyên gia đánh giá thực trạng, nguyên nhân và đề xuất giải pháp chống sạt trượt, ngập lụt cục bộ ở địa phương.

PGS.TS. Nguyễn Văn Hiệp (nguyên Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, giảng viên chính về kỹ thuật xây dựng Trường Đại học Bách khoa TP.HCM) cho biết, ông cùng đoàn chuyên gia đã khảo sát thực tế một số khu vực sạt trượt đất, ngập lụt ở Đà Lạt.

Theo ông Hiệp, ngoài yếu tố thời tiết mưa nhiều, nguyên nhân sạt trượt đất còn do “nhân tai”. Chẳng hạn, khu vực sạt lở trong hẻm đường Hoàng Hoa Thám có nhiều công trình xâm hại thung lũng, lấn đồi… là yếu tố dễ dẫn tới sạt trượt, nhưng nguyên nhân cũng do chủ đầu tư, nhà thầu và cả cơ quan quản lý Nhà nước.

w-img-0518-1.jpg
Địa phương đặt biển cảnh báo tại điểm sạt lở. Ảnh: Hoàng Giám

Tiếp nhận ý kiến của chuyên gia, ông Nguyễn Ngọc Phúc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng nhìn nhận, quy hoạch xây dựng kém và chưa có bản đồ cảnh báo; quản lý Nhà nước có vấn đề cùng với địa chất phức tạp là nguyên nhân gây sạt trượt, ngập lụt thời gian qua.

Theo ông Phúc, sắp tới, tỉnh sẽ xây dựng bản đồ nguy cơ sạt trượt, cảnh báo sớm bằng các hệ thống thiết bị, thông báo tới người dân. Bên cạnh đó, sẽ quản lý khu vực cho làm khu dân cư, hạn chế tối đa tác động vào đồi núi, mạch nước ngầm để chống sạt lở, ngập úng.

Để khẩn cấp chống ngập, sạt lở, hồi tháng 8/2023, UBND TP Đà Lạt có tờ trình gửi Sở KH&ĐT tỉnh Lâm Đồng đề xuất triển khai 10 dự án nạo vét, sửa chữa các hồ, suối, xây kè chống sạt lở tại thành phố với tổng kinh phí gần 700 tỷ đồng.

Kỳ tới: Vụ cháy chung cư mini ở Hà Nội và câu hỏi ‘xây vượt tầng, ai chống lưng’

'Lỗ hổng' trong vụ tài xế hãng Thành Bưởi gây tai nạn làm 5 người chếtSau tai nạn đặc biệt nghiêm trọng khiến 5 người tử vong ở Đồng Nai, nhiều người bức xúc vì tài xế của nhà xe Thành Bưởi điều khiển xe khách trong tình trạng đã bị tước bằng lái 3 tháng. Trách nhiệm nhà xe, đơn vị quản lý ở đâu?

Tin tức mới nhất

Xem thêm

Biến 'mảnh gỗ khô' thành tác phẩm độc lạ, chàng trai Thái Nguyên thu bạc triệu

Biến 'mảnh gỗ khô' thành tác phẩm độc lạ, chàng trai Thái Nguyên thu bạc triệu

Dự báo giá vàng 10 ngày tới: Bị 'sa lầy', cửa nào giúp vàng bứt phá?

Dự báo giá vàng 10 ngày tới: Bị 'sa lầy', cửa nào giúp vàng bứt phá?

Vì sao nhà hướng Nam được coi là tốt nhất?

Vì sao nhà hướng Nam được coi là tốt nhất?