Mất hết tài sản vì tin lời mời gọi đầu tư tài chính trên mạng

Mất hết tài sản vì tin lời mời gọi đầu tư tài chính trên mạng

Lời tòa soạn: Cơ quan chức năng đã nhiều lần cảnh báo về các thủ đoạn lừa đảo trên mạng nhưng thực tế vẫn có nhiều người “sập bẫy”. VietNamNet phản ánh những câu chuyện cụ thể từ chính các nạn nhân, một lần nữa cảnh báo chi tiết các dạng thức lừa đảo để mọi người phòng tránh.

Sập bẫy các đối tượng mạo danh "chuyên gia"

Tháng 7/2022, trong một lần lướt mạng xã hội Facebook, anh T.V.T. (SN 1990, trú TP Hà Tĩnh) thấy một đường link lạ quảng cáo, mời gọi đầu tư tài chính trên mạng với lãi suất cao. Tò mò, hiếu kỳ nên anh T. truy cập vào đường link này.

Sau đó, anh T. được các “chuyên gia” hướng dẫn cách mở tài khoản và tham gia một sàn giao dịch ảo trên Zalo với hàng nghìn người chơi. 

“Tại sàn này, họ bảo tôi phải làm theo các "chuyên gia", tôi chỉ việc nộp tiền vào và sẽ được hưởng hoa hồng.

Trong những lần đầu tôi nộp tiền ít và làm theo các lệnh có trên sàn theo chỉ định của những thành viên xưng là "chuyên gia", sau đó được trả tiền lãi về tài khoản”, anh T. cho hay.

Sau nhiều lần “thả mồi” và dẫn dụ được sự tin tưởng từ anh T., các “chuyên gia” nhắn tin nói anh T. chuyển số tiền lớn dần để được trả lãi tương xứng. 

Công an Hà Tĩnh triệt phá, bắt giữ nhiều đối tượng lừa đảo trên không gian mạng. Ảnh: CACC

Lần tiếp theo, anh T. chuyển 20 triệu đồng vào một số tài khoản lạ. Sau đó có người nhắn tin rằng anh đã thực hiện đúng lệnh và được 5 triệu đồng tiền lãi.

"Vài phút sau số tiền cả gốc cả lãi là 25 triệu đồng được trả về tài khoản của tôi. Chỉ vài thao tác nhẹ nhàng là tôi có thể rút tiền, đổ về số tài khoản chính chủ”, anh T. kể.

Liên tục nộp tiền theo lệnh và hưởng lãi “rất hời” khiến anh T. bị mê hoặc. Lúc này, người hướng dẫn thêm anh vào một nhóm khác gồm có 3 tài khoản, trong đó có một người tự xưng là “thầy”.

Nhân vật “thầy” hướng dẫn anh T. nộp 40 triệu đồng thì sẽ được hưởng tiền hoa hồng khoảng 20 triệu đồng.

“Họ bảo tôi cứ thao tác theo "thầy". Tôi nộp vào tài khoản của họ 40 triệu đồng, tuy nhiên, sau đó làm theo hướng dẫn thì họ lại đảo lệnh và cho rằng tôi làm sai thao tác nên không thể rút được tiền.

Trong lúc đang hoang mang không biết làm cách nào để lấy lại tiền thì “thầy” lại bảo tôi phải nộp số tiền vài chục triệu đồng và thực hiện theo lệnh của họ chỉ dẫn để rút gốc và vốn về. 

Tôi như bị bỏ bùa mê, cứ thao tác đúng như họ chỉ dẫn nhưng chúng lại bịa ra rất nhiều lý do như sai lệnh, quá giờ… và tiếp tục dụ dỗ để tôi tiếp tục đóng tiền.

Do quá nóng ruột, hoang mang vì trót nộp tiền vào không thể rút ra, tôi đã vay nóng bạn bè số tiền lớn để tiếp tục nộp”, anh T. kể lại.

Sau nhiều lần chuyển tổng số khoảng 240 triệu đồng vào tài khoản ảo, anh T. vẫn không rút tiền về được. Anh nhắn tin cho “thầy” hỏi lý do thì được phản hồi "muốn rút gốc với lãi về thì phải đóng tiền thuế 20%".

"Chúng yêu cầu tôi nộp thêm tiền, tiếp tục dụ dỗ nhưng thời điểm đó trong người tôi không còn tiền. Những chỗ vay mượn được đều đã vay, tiền hàng của công ty cũng trót dại nộp vào không thể lấy lại được, tôi mới ngớ người là mình đã bị lừa.

Mất tiền oan, sốc nặng vì tôi không ngờ mình có thể bị lừa dễ dàng như vậy. Quãng thời gian đó tôi suy sụp, xấu hổ, không dám trình báo công an”, anh T. kể thêm.

Lún sâu vì tâm lý cố để kéo lại số tiền đã mất

Đa số nạn nhân dính bẫy lừa đảo đều có tâm lý cố níu để kéo lại số tiền gốc đã mất nên ngày càng thêm lún sâu, số tiền bị mất càng lớn hơn.

Tháng 6/2022, chị P.T.Nh. (công tác tại một đơn vị sự nghiệp ở Hà Tĩnh) nhìn thấy dòng quảng cáo trên Facebook giới thiệu việc làm tại nhà. Chị Nh. vào trang quảng cáo để nhắn tin trao đổi thì được cho số điện thoại, tên của chuyên viên hướng dẫn công việc.

Sau khi kết bạn qua Zalo với chuyên viên, chị Nh. được giới thiệu làm việc quảng cáo bán hàng trên Lazada. "Chúng bảo cần tương tác lượt mua hàng và đẩy cao doanh thu. Nếu làm thì tôi sẽ được hưởng hoa hồng từ 10-20%/sản phẩm”, chị Nh. kể.

Đơn hàng đầu tiên, chị Nh. thao tác chuyển tiền mua thỏi son 700 nghìn đồng vào một số tài khoản ngân hàng với nội dung chuyển khoản "LZD 1666". Sau đó, chị được trả về tài khoản của mình số tiền 770 nghìn đồng bao gồm cả gốc và lãi.

Tuy nhiên, những lần tiếp theo chuyển khoản mua hàng các mức 4, 16, 24, 32, 33 triệu đồng… thì chị Nh. không thấy tiền trả về.

Lý do các đối tượng lừa đảo đưa ra là “nội dung chuyển khoản sai” và yêu cầu chị Nh. phải đóng thêm tiền để khắc phục lỗi sai. Cứ như vậy, những lần chuyển tiền của chị Nh. lớn dần.

“Do cố níu để kéo số tiền gốc đã mất trước đó nên tôi mù quáng tin và làm theo sự hướng dẫn của chúng. Tôi đã lần lượt chuyển hơn 147 triệu đồng và bị lừa mất số tiền này. Tôi đã trình báo công an và mong muốn tìm lại số tiền đã bị lừa”, chị Nh. cho hay.

Kỳ tới: Lật tẩy chiêu trò lừa đảo kêu gọi đầu tư qua mạng

Tin tức mới nhất

Xem thêm

Gia Lai: Khởi tố 11 thanh thiếu niên về hành vi 'giết người'

Gia Lai: Khởi tố 11 thanh thiếu niên về hành vi 'giết người'

Bản tin tài chính sáng 31/10/2023: Giá vàng, dầu và USD cùng đi xuống

Bản tin tài chính sáng 31/10/2023: Giá vàng, dầu và USD cùng đi xuống

Những chính sách kinh tế nổi bật có hiệu lực từ tháng 11/2023

Những chính sách kinh tế nổi bật có hiệu lực từ tháng 11/2023