Miền Bắc và Trung Bộ vào thời kỳ nhiều ngày mưa, có nơi rất to
Thứ hai, 21/08/2023 18:20
Miền Bắc và Trung Bộ vào thời kỳ nhiều ngày mưa, có nơi rất to
Ngày 21/8, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia phát bản tin dự báo xu thế khí hậu tháng thời kỳ từ 21/8 - 20/9.
Theo đó, nhiệt độ trung bình thời kỳ này tại Bắc và Trung Bộ phổ biến cao hơn từ 0,5-1 độ C; các khu vực còn lại cao hơn khoảng 0,5 độ so với trung bình nhiều năm (TBNN) cùng thời kỳ.
Về tổng lượng mưa, hầu hết các khu vực trên cả nước cao hơn từ 5-15%, có nơi cao hơn so với TBNN; riêng Bắc Bộ thấp hơn từ 5-15% so với TBNN cùng thời kỳ.
Đáng lưu ý, cơ quan khí tượng cảnh báo, trong thời kỳ 21/8-20/9, bão và áp thấp nhiệt đới có khả năng xuất hiện từ 1-2 cơn trên khu vực Biển Đông và có thể ảnh hưởng đến khu vực Bắc Bộ, Trung Bộ.
Ngoài ra, nắng nóng vẫn có khả năng xuất hiện cục bộ tại khu vực Bắc Bộ và diện rộng tại khu vực Trung Bộ đan xen giữa các đợt mưa; riêng tại Trung Bộ có thể xuất hiện những ngày có nắng nóng gay gắt cục bộ.
Đặc biệt, trong thời kỳ, dự báo dải hội tụ nhiệt đới có khả năng hoạt động trên khu vực Nam đồng bằng Bắc Bộ và Trung Bộ. Do vậy, Bắc Bộ và Trung Bộ sẽ có nhiều ngày mưa rào và giông, có ngày xuất hiện mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Thời gian mưa tập trung trong giai đoạn từ nay cho đến khoảng 10 ngày đầu tháng 9.
Bên cạnh đó, ở Tây Nguyên và Nam Bộ, do chịu ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam hoạt động với cường độ trung bình đến mạnh nên tiếp tục có mưa rào và giông. Trong cơn giông cần đề phòng lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh trên phạm vi cả nước.
Trước mắt, dự báo thời tiết từ đêm 21-22/8, khu vực vùng núi Bắc Bộ có mưa rào và giông rải rác, cục bộ có mưa vừa, mưa to với lượng mưa 20-40mm/24h, có nơi trên 70mm/24h; mưa giông tập trung vào chiều và đêm.
Cơ quan khí tượng cảnh báo, từ 23-24/8, Bắc Bộ và Thanh Hóa khả năng có mưa vừa, mưa to và giông, cục bộ có mưa rất to với lượng mưa 50-100mm/đợt, có nơi trên 200mm/đợt.
Trong mưa giông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Mưa to cục bộ và mưa lớn diện rộng có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp và nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi.