Mỗi năm 'mất' nghìn ha đất, TP.HCM tính làm 'nông nghiệp chiều thẳng đứng'
Thứ hai, 07/11/2022 06:00
Mỗi năm 'mất' nghìn ha đất, TP.HCM tính làm 'nông nghiệp chiều thẳng đứng'
Dù có 10.000m2 trồng rau thủy canh nhưng nhu cầu rất lớn từ thị trường khiến Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Tuấn Ngọc (TP. Thủ Đức) - ông Lâm Ngọc Tuấn đang phải đi tìm diện tích đất bổ sung. “Năng lực sản xuất của hợp tác xã là 1 tấn rau/ngày, trong khi khách đặt gấp 4 lần khả năng cung ứng”, ông Tuấn nói.
Mặc dù vậy, chi phí thuê đất làm nông nghiệp ở TP.HCM lúc này rất đắt đỏ, cao hơn tại Ninh Thuận từ 10-20 lần, tùy vị trí. Do đó, các thành viên của HTX Tuấn Ngọc buộc phải tìm nguồn đất ở Long Thành (Đồng Nai) hay ở Ninh Thuận để phát triển sản xuất.
Câu chuyện cạn đất sản xuất nông nghiệp tại TP.HCM là một trong những vấn đề được quan tâm tại Hội nghị “Gặp gỡ và đối thoại với các doanh nghiệp, hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2022” vừa diễn ra tuần qua.
Ông Trần Văn Sơn - Trưởng phòng của Sở NN-PTNT TP.HCM, cho hay, trước đây, thị trấn Cần Thạnh, xã Long Hòa, xã Lý Nhơn thuộc huyện Cần Giờ có không dưới 2.400ha nuôi nghêu phục vụ xuất khẩu, nhưng nay đã bị thu hẹp do tác động của dự án lấn biển Cần Giờ. Thay vào đó, người dân đang chuyển sang nuôi sò huyết, nuôi hàu ven các rạch và vùng cửa sông.
Đại diện Sở TN-MT TP.HCM thừa nhận, do tốc độ phát triển đô thị hóa nên hầu hết diện tích đất nông nghiệp đều được quy hoạch thành đất ở dân cư. Nhưng quy hoạch xong thì đất lại để không, hoặc không khả thi.
Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP.HCM - ông Nguyễn Hữu Hoài Phú cũng hoài nghi, việc 5 huyện rục rịch lên quận hoặc thành phố trực thuộc TP.HCM thì quỹ đất nông nghiệp liệu có còn đủ hay không?
Ông dẫn chứng, giai đoạn 2010-2015, mỗi năm thành phố mất khoảng 700ha đất nông nghiệp; giai đoạn 2015-2020, mỗi năm mất khoảng 1.100ha; dự kiến từ nay đến năm 2030, con số này là 1.500 ha/năm. Khi đó, thành phố chỉ còn khoảng 50.000ha đất phục vụ sản xuất nông nghiệp.
“Quỹ đất ngày càng teo lại và không đủ về lâu dài. Chi phí cho canh tác nông nghiệp tăng cao. Một đồng vốn bỏ ra cho nông nghiệp hiệu quả kinh tế thu về thua xa các ngành khác. Ai sẽ đầu tư vào nông nghiệp được đây”, ông Phú trăn trở.
Hướng tới nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao
Về giải pháp, ông Phú nêu ví dụ về mô hình canh tác theo hướng đứng ở Dubai (Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất), giúp tiết kiệm diện tích. Chỉ với 3ha đã cung cấp 11.000 tấn rau/năm. Hoặc mô hình chăn nuôi heo cao tầng ở tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, với diện tích khoảng 40ha nhưng có thể cung cấp ra thị trường 600.000 con heo/năm, gấp 3 lần sản lượng hiện tại của TP.HCM.
Ông Phú nhấn mạnh, nếu canh tác ứng dụng khoa học công nghệ cao thì diện tích không còn mang ý nghĩa quá lớn. Chẳng hạn, như theo mô hình trồng rau ở Dubai thì với diện tích đất 50.000ha còn lại, TP.HCM vẫn sẽ đủ cho phát triển nông nghiệp đô thị.
Ông Trang Quốc Dũng – Giám đốc Công ty Cổ phần nông nghiệp kỹ thuật cao Nông Phát, minh hoạ, đơn vị đang quản lý toàn bộ diện tích nhà màn trồng dưa lưới khoảng 3,8ha bằng hệ thống tự động hóa. Việc này giúp vườn không bị sâu bệnh hại, hạn chế được tác động từ môi trường bên ngoài. Trong nhà màn còn có hệ thống đèn quang phổ, bổ sung ánh nắng khi trời không có nắng.
Ông Lâm Ngọc Tuấn chia sẻ, khi diện tích đất nông nghiệp giảm thì chiến lược của hợp tác xã là phát triển nông nghiệp thông minh, tự động hóa để nâng sản lượng gấp 3-4 lần trên cùng một diện tích, giảm chi phí.
Chỉ khi thay đổi tư duy và áp dụng công nghệ thì mới có thể tăng sản lượng phục vụ thị trường. Đây là chìa khóa giải bài toán diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp tại TP.HCM cũng như các đô thị lớn.