Mỗi tháng 2 lần, nhóm đàn ông ở TP.HCM vào bếp làm điều đặc biệt
Thứ ba, 25/07/2023 06:30
Mỗi tháng 2 lần, nhóm đàn ông ở TP.HCM vào bếp làm điều đặc biệt
Đàn ông vào bếp
12h thứ Bảy, anh Hà Ngọc Lâm (SN 1978) lúi húi kê lại cho vững 3 chiếc lò than đặt trước căn nhà trọ ở số 551/43 Đoàn Văn Bơ, phường 13, quận 4, TP.HCM. Anh bỏ than rồi bắt đầu nhóm lửa.
Khi lò than đỏ rực, anh lần lượt đặt lên trên 3 chiếc nồi inox to tướng. Hôm nay, anh Lâm và nhóm bạn của mình sẽ nấu 500 phần cháo tôm khô thịt bằm để phát tặng người nghèo, vô gia cư.
Anh Lâm bắt đầu hoạt động thiện nguyện này từ năm 2015. Làm nghề cho thuê âm thanh, trong một lần về nhà giữa khuya, anh thấy những người già không nơi nương tựa ngồi đói lả ở vệ đường.
Lòng anh gợn lên niềm xót xa, nghĩ đến việc phải làm gì đó để giúp họ. Trở về nhà, anh quyết định sẽ nấu cháo rồi đến tối đem đi tặng người già neo đơn.
Anh đem ý tưởng của mình bàn với một chị hàng xóm. Thấy ý tưởng nhân văn, chị này đồng ý hỗ trợ. Từ đó, hai người ngày nấu cháo, đêm đem đi phát cho người nghèo.
Kinh phí ít, thời gian ấy anh Lâm chỉ nấu vài chục phần cháo vào cuối tuần.
Khoảng 2 năm sau, hầu hết bạn bè, người quen anh Lâm đều biết việc anh phát tâm nấu cháo từ thiện. Thấy việc làm có ý nghĩa, một số bạn bè, hàng xóm của anh xin được góp sức, hỗ trợ anh nấu cháo.
Dẫu có nhiều người muốn chung tay nhưng anh Lâm chỉ nhận sự hỗ trợ của đàn ông. Vì chỉ toàn đàn ông vào bếp nên khi thành lập nhóm từ thiện, anh Lâm lấy tên là Cháo từ thiện anh em.
Anh giải thích: “Tôi chỉ nhận các bạn nam đến giúp nấu cháo vì công việc này khá vất vả, nguy hiểm. Không như nấu cơm, nấu cháo rất cực, đặc biệt là nấu với số lượng lớn.
Khi nấu, chúng tôi phải đứng khuấy cháo liên tục trong 3 giờ đồng hồ để cháo không bị lắng và khét ở đáy nồi. Nồi cháo bị khét xem như hỏng.
Khi sôi, cháo hay bắn, văng ra ngoài. Việc này khiến người đứng khuấy cháo có thể bị bỏng ở tay, chân, bụng… Vậy nên, tôi chỉ nhận đàn ông nấu cháo, không nhận phụ nữ”.
Mỗi tháng 2 lần, nhóm Cháo từ thiện anh em tổ chức nấu 500 phần cháo vào ngày thứ Bảy, bắt đầu từ 12h trưa.
Hơn 3 tiếng sau, những người phụ nữ tình nguyện sẽ có mặt, múc cháo vào các hộp nhựa hợp vệ sinh.
Các phần cháo sau đó được những người có lòng hảo tâm đến nhận, đem đi phát cho người nghèo ở địa bàn của mình.
Làm đến khi còn có thể
Để có những phần cháo ngon, chất lượng, đủ dinh dưỡng, suốt 8 năm qua, anh Lâm chủ động chọn mua thịt đùi lợn tươi tại lò mổ. Tôm khô, gạo cũng được anh chọn loại ngon nhất.
Ngoài nguyên liệu, anh Lâm cũng chú trọng kỹ thuật nấu để có được nồi cháo thơm ngon. Anh chia sẻ: “Tôi quyết định nấu cháo vì đây là món ăn phù hợp với mọi đối tượng, nhất là người cao tuổi.
Để cháo thơm ngon, ngoài việc tự tay chuẩn bị nguyên liệu sạch, tôi chọn nấu bằng than củi thay vì dùng gas. Sau nhiều năm, tôi đã biết cách điều chỉnh nhiệt độ trong lò khiến cháo không khét, không bắn khi sôi”.
Tham gia nhóm Cháo từ thiện anh em từ 2 năm trước, anh Đặng Thanh Lam (43 tuổi, quận 11) cũng trải qua nhiều cung bậc cảm xúc. Ngoài việc đôi tay rã rời đến không còn cảm giác vì khuấy cháo, anh cũng bị bỏng và nhiều lần nhận cháo đi tặng người nghèo.
Dẫu vậy, bất kể nắng mưa, chỉ cần anh Lâm phát động nấu cháo là anh Lam lại sắp xếp công việc đến hỗ trợ. Anh nói: “Tôi chơi thân với anh Lâm nên khi biết anh phát tâm nấu cháo từ thiện là xin tham gia ngay.
Tôi thấy việc làm này rất ý nghĩa. Từ lúc nấu cháo, nhận cháo đi phát, tôi nhận về nhiều niềm vui. Cảm giác mình cho đi được điều gì đó, giúp được một ai đó khiến tôi rất hạnh phúc”.
Dù đã hoạt động nhiều năm nhưng Cháo từ thiện anh em không cố định số lượng thành viên đứng nấu. Ngoài anh Lâm luôn thường trực, các thành viên khác có thể thay đổi. Bởi, nhóm hoạt động theo hình thức ai có thời gian thì đến hỗ trợ nấu cháo.
Tuy nhiên, khi đã đến tham gia, thành viên phải chịu trách nhiệm khuấy nồi cháo của mình liên tục nhiều giờ liền. Nồi cháo chỉ đạt chất lượng khi gạo, thịt, tôm khô nhừ, hòa lẫn vào nhau và dậy mùi thơm hấp dẫn.
Khi 3 lò than tắt lửa, hương cháo thịt bằm bay khắp con hẻm nhỏ. Lúc này, những tình nguyện viên thay phiên nhau đến nhận những phần cháo đã được đóng hộp, bỏ vào túi nilon sạch sẽ đi phát.
Anh Lâm tâm sự: “Mỗi lần đem tặng cháo cho bà con, tôi thấy vui lắm. Bao nhiêu mệt mỏi trong lúc nấu đều tan biến hết.
Tôi tâm niệm, chừng nào còn sức khỏe tôi sẽ còn nấu cháo cho người nghèo. Tôi sẽ dành hết tâm huyết cho việc làm này”.