Mùa cá cơm trên đảo Thanh Lân, mỗi ngày thu hàng chục triệu đồng

Mùa cá cơm trên đảo Thanh Lân, mỗi ngày thu hàng chục triệu đồng

Đảo Thanh Lân, huyện Cô Tô, Quảng Ninh cách đất liền khoảng 50km với hơn 1.000 nhân khẩu, nơi đây được thiên nhiên ưu ái cho một ngư trường thuận lợi với nguồn hải sản phong phú. Thời điểm này trong năm là mùa đánh bắt cá cơm rồi về phơi khô, người dân hay gọi là cá ruội.

Vào sáng sớm, vợ chồng chị Nguyễn Thị Lan (39 tuổi, ngư dân xã đảo Thanh Lân) đã tất bật với những chuyến tàu chở cá cơm tươi rói từ ngư trường về cảng. Mỗi chuyến, chiếc tàu sắt của vợ chồng chị chở được khoảng 1 tấn cá cơm tươi về bờ.

Chị Lan cho biết, khu vực đánh bắt cá cơm cách cảng cá không xa. Ban đêm, ngư dân sẽ đi thả lưới, đánh dấu vị trí rồi sáng sớm ra thu hoạch. Mùa này cá cơm nhiều vô kể, mẻ lưới nào cá cơm cũng đóng dày nặng tay.

Sáng sớm mỗi ngày, tàu của gia đình chị Lan liên tục chở hàng tấn cá từ ngư trường về bến để chuẩn bị phơi khô
Sau 1 đêm, cá cơm đóng dày trong lưới, tàu gia đình chị Lan liê tục hoạt động để chở cá sau khi đánh bắt về

Cá cơm sau khi được chở từ ngư trường về cảng sẽ được rửa sạch ngay rồi mới được đem đi phơi. Nếu trời nắng to thì từ cá tươi chỉ cần phơi 1 ngày là đã đạt mức khô để đóng gói. Cũng vì nhiều phần việc, gia đình chị Lan phải thuê thêm 9 nhân công với mức giá 500 nghìn đồng/người/ngày để tăng sản lượng. Ngoài việc tự đánh bắt, gia đình chị Lan còn thu mua cá cơm tươi của nhiều tàu cá ngư dân khác để về phơi khô.

"10kg cá tươi khi phơi thì được khoảng 2,3kg cá khô. Mỗi ngày, nhà tôi thu gần 1 tấn cá khô. Sau khi đóng gói, cá sẽ được chuyển lên tàu bán cho thương lái với giá 60.000 đồng/kg. Một số đơn vị có mua cá của gia đình tôi để xuất khẩu ra nước ngoài", chị Lan cho biết.

Cá cơm được rửa sạch trước khi đem đi phơi khô, cá vừa đánh bắt nên tươi rói
Chị Lan cho biết, mỗi thùng cá cơm tươi sẽ nặng khoảng 25kg
Cá cơm sau khi rửa sạch sẽ được đậy lại nhằm chắn bụi rồi chuyển về khu vực phơi

Theo kinh nghiệm của người dân xã đảo Thanh Lân, cá cơm sau khi được làm sạch sẽ được phơi ở những nơi sát biển vì phơi ở đây sẽ không có ruồi bâu vào cá gây mất vệ sinh. Hơn nữa, cá phơi gần biển sẽ có mùi vị đặc trưng, thơm ngon hơn.

"Hiện tại, đa số ngư dân xã đảo Thanh Lân đều tranh thủ đi đánh bắt cá cơm, nguồn lợi hải sản này giúp cho nhiều gia đình có thêm thu nhập, cải thiện kinh tế, những ngôi nhà khang trang dần mọc lên trên xã đảo này. Chính quyền địa phương luôn ủng hộ, tạo mọi điều kiện cho ngư dân ra khơi phát triển kinh tế.

Cá cơm (cá ruội khô) Thanh Lân cũng là đặc sản đáng để làm quà khi du khách tới đây du lịch, khám phá", Bí thư Đảng uỷ kiêm Chủ tịch UBND xã Thanh Lân bà Nguyễn Thị Thanh Thái phấn khởi cho biết.

Cá cơm được phơi ở nơi gần biển, không hề có ruồi đậu. Nếu đủ nắng, chỉ cần phơi 1 ngày là đã đạt độ khô để đóng gói
Mỗi ngày có hàng tấn cá ruội khô đủ chất lượng đóng gói đem bán
Ngư trường đảo Thanh Lân thuận lợi, sản lượng cá cơm dồi dào - đây là nguồn lợi kinh tế giúp ngư dân nơi đây kiếm thêm thu nhập, thay đổi bộ mặt kinh tế của xã đảo xa xôi.

Tin tức mới nhất

Xem thêm

Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên chính thức vận hành

Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên chính thức vận hành

Phim 'Công tử Bạc Liêu': Làm người xem đi từ thất vọng đến phẫn nộ

Phim 'Công tử Bạc Liêu': Làm người xem đi từ thất vọng đến phẫn nộ

Giá vàng hôm nay 22/12/2024 giảm, trong nước ngược chiều đi lên

Giá vàng hôm nay 22/12/2024 giảm, trong nước ngược chiều đi lên