Mỹ tăng lãi suất lên mức cao nhất 15 năm
Thứ năm, 15/12/2022 06:55
Mỹ tăng lãi suất lên mức cao nhất 15 năm
Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) trong cuộc họp cuối cùng năm 2022 hôm 14/12 (rạng sáng 15/12 giờ Việt Nam) đã tăng lãi suất quỹ liên bang (FFR) thêm 50 điểm cơ bản, đúng như kỳ vọng của giới đầu tư, đưa lãi suất FFR lên 4,25%-4,5%/năm.
Đây là mức lãi suất chuẩn cao nhất trong vòng 15 năm qua.
Đây là lần thứ 7 trong năm nay Fed tăng lãi suất, với tổng mức tăng 425 điểm, đưa lãi suất FFR từ mức thấp lịch sử 0-0,25% lên mức 4,25%-4,5% như hiện tại.
Trong ba lần trước (trong các cuộc họp tháng 7, tháng 9 và tháng 11), Fed đều tăng 75 điểm cơ bản.
Như vậy, tốc độ tăng lãi suất đã chậm lại đúng như tuyên bố của chủ tịch Fed Jerome Powell trong cuộc họp lần trước và đúng như kỳ vọng của thị trường.
Trong biểu đồ “dot-plot” mới nhất, đa số thành viên Fed dự báo sẽ tăng lãi suất cho tới mức đỉnh 5,1% trong năm 2023, tương đương với phạm vi mục tiêu 5%-5,25%. Trong cuộc họp tháng 9, các thành viên Fed dự báo mức đỉnh lãi suất ở mức 4,6%.
Quan điểm của các thành viên Fed cũng cho thấy, cơ quan này sẽ cắt giảm lãi suất 100 điểm trong năm 2024, từ đỉnh 5,1% trong năm 2023 xuống 4,1% vào cuối năm 2024 và sẽ cắt giảm tiếp 100 điểm nữa xuống 3,1% trong năm 2025.
Lãi suất mục tiêu trung lập dài hạn của Mỹ là 2,5%/năm.
Mặc dù vậy, các thành viên vẫn còn tranh cãi về triển vọng lãi suất của những năm sắp tới, đặc biệt là trong năm 2024-2025 trong bối cảnh nước Mỹ vẫn đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng về giá cả với lạm phát ở vùng cao nhất trong khoảng 40 năm qua.
Trong tháng 11, lạm phát của Mỹ đã hạ nhiệt nhanh chóng xuống mức 7,1% (so với dự báo 7,3%) và thấp hơn nhiều so với mức 7,7% trong tháng 10 hay mức đỉnh 9,1% trong tháng 6/2022.
Tuy nhiên, đây vẫn là mức rất cao và còn cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% của Fed.
Các thành viên Fed hạ dự báo tăng trưởng GDP của Mỹ năm 2023 xuống 0,5%, nhưng nâng dự báo tăng trưởng GDP năm nay lên 0,5%.
Bên cạnh đó, Fed tiếp tục thắt chặt định lượng, giảm lượng trái phiếu nắm giữ. Kể từ đầu tháng 6, số dư trên bảng cân đối kế toán đã giảm 332 tỷ USD xuống còn 8.630 tỷ USD.
USD giảm, vàng tăng, chứng khoán đi ngang
Ngay sau quyết định của Fed, đồng USD tiếp tục suy giảm. Chỉ số DXY - đo lường biến động của đồng USD so với rổ 6 đồng tiền chủ chốt trên thế giới giảm - khoảng 0,4% so với trước cuộc họp xuống còn 103,62 điểm (rạng sáng 15/12 giờ Việt Nam).
Đầu năm 2022, chỉ số DXY chỉ ở mức 95,81 điểm, sau đó tăng mạnh lên mức 115 điểm hôm 28/9 (tương đương mức tăng hơn 20%), qua đó khiến nhiều đồng tiền chủ chốt trên thế giới, trong đó có euro, bảng Anh, yên Nhật,... tụt giảm mạnh nhất trong nhiều thập kỷ, gây ra cuộc khủng tỷ giá trên thị trường tài chính thế giới.
Với mức 103,62 điểm như hiện tại, đồng USD đã giảm 9,9% so với đỉnh, nhưng còn cao hơn gần 8,2% so với đầu năm.
Giá vàng trước đó bứt phá lên trên ngưỡng 1.800 USD/ounce và trụ vững trên ngưỡng này sau khi Fed giảm tốc độ tăng lãi suất đúng như kỳ vọng.
Tính tới 6h sáng 15/12, giá vàng thế giới giao ngay đứng ở mức 1.808 USD/ounce (tương đương 52 triệu đồng/lượng). Giá vàng trong nước hiện ở mức trên 67 triệu đồng/lượng, cao hơn khoảng 15 triệu đồng/lượng so với giá thế giới quy đổi.
Chứng khoán Mỹ giảm nhẹ sau quyết định của Fed. Chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm hơn 142 điểm (-0,4%) xuống 33.966,35 điểm.