Nên chuyển nguồn vốn hỗ trợ lãi suất chưa giải ngân sang miễn, giảm thuế cho doanh nghiệp
Thứ năm, 27/10/2022 19:49
Nên chuyển nguồn vốn hỗ trợ lãi suất chưa giải ngân sang miễn, giảm thuế cho doanh nghiệp
Tại phiên thảo luận ở hội trưởng về tình hình kinh tế xã hội ngày 27/10, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) bày tỏ vui mừng với những thông tin tích cực trong 10 tháng qua.
Kết quả này càng hết sức trân quý trong bối cảnh tình hình thế giới không thuận lợi, có nhiều biến động nhanh, phức tạp và khó lường; nhiều quốc gia đã vượt đỉnh lạm phát trong vòng 30, 40 năm qua; IMF dự báo kinh tế sẽ suy giảm và có khả năng suy thoái trên thế giới.
“Tăng trưởng kinh tế cao, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế ngày càng được tăng cường, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, cán cân thương mại tiếp tục, thặng dư xuất siêu, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài được đảm bảo… góp phần tăng cường củng cố, nâng cao uy tín, vị thế của nước ta trên trường quốc tế", vị đại biểu TP.HCM nhấn mạnh.
Xem xét, quyết định cắt giảm các loại thuế, phí liên quan đến xăng dầu
Bên cạnh đó, đại biểu Trần Hoàng Ngân cũng nêu rõ, gói hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cho đến giờ phút này mới giải ngân được 12,8 tỷ so với kế hoạch là 40.000 tỷ, đạt 0,03% so với kế hoạch.
Tuy nhiên, gói hỗ trợ miễn giảm, gia hạn thuế thì chúng ta triển khai thuận lợi hơn và đến giờ phút này đã đạt được 72,5% so với kế hoạch.
Vì vậy, đại biểu đề nghị Quốc hội và Chính phủ xem xét chuyển nguồn hỗ trợ lãi suất chưa giải ngân được sang nguồn hỗ trợ miễn giảm thuế, phí, lệ phí, gia hạn thêm thời gian nộp thuế tiền thuê đất cho các doanh nghiệp trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay. Nếu làm như vậy sẽ giúp được nhiều doanh nghiệp, nhiều hợp tác xã và hộ kinh doanh.
Ông Ngân cũng lưu ý, trong thời gian tới cần thận trọng hơn trong thu hút FDI, không vì tăng trưởng, không vì thành tích địa phương mà cấp phép ồ ạt và cần sớm ban hành Luật Công nghệ hỗ trợ để tăng thêm tỷ lệ nội địa hóa đối với các sản phẩm sản xuất từ các dự án FDI, cũng như là các mặt hàng xuất khẩu.
Đề cập đến đời sống một bộ phận người dân còn gặp rất nhiều khó khăn, đại biểu TP.HCM đề nghị cần tăng cường chính sách hỗ trợ, đảm bảo an sinh xã hội, nhất là dịp lễ, tết, cần quan tâm hơn nữa đến thu nhập của cán bộ, viên chức, người lao động trong ngành y và ngành giáo dục, đặc biệt là giáo viên mầm non và phổ thông.
Bên cạnh đó, đại biểu Trần Hoàng Ngân cũng nêu thực tế, thị trường xăng, dầu bị đứt gãy chuỗi cung ứng. Vừa qua mặc dù Bộ Công Thương đã tích cực vào cuộc nhưng cần sớm khắc phục, rút ra các bài học kinh nghiệm để không xảy ra tình trạng tương tự trong thời gian tới. Trong đó cần xem xét rút ngắn thời gian điều chỉnh giá xăng dầu.
Cảnh báo giá cả xăng, dầu trong thời gian tới có thể tiếp tục diễn biến phức tạp, ông Ngân đề nghị Quốc hội cần ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định cắt giảm các loại thuế, phí liên quan đến xăng dầu, như thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt để chúng ta kiểm soát lạm phát một cách nhanh nhạy nhất.
Cần chủ động kịch bản ứng phó lạm phát đang gia tăng toàn cầu
Đại biểu Phạm Hùng Thắng (Hà Nam) bày tỏ lo lắng khi vừa qua Ngân hàng Nhà nước nâng lãi suất lên, kéo theo chi phí và vốn vay tăng cao, ảnh hưởng sản xuất kinh doanh doanh nghiệp và đời sống người dân.
Vì vậy, đại biểu cho rằng Chính phủ cần chủ động kịch bản ứng phó lạm phát đang gia tăng toàn cầu, trực tiếp tác động đến nền kinh tế, đặc biệt là nguy cơ lạm phát, giá cả đầu vào, dấu hiệu của thị trường tiền tệ. Chính phủ cần linh hoạt hơn và công khai kịp thời thông tin kịch bản điều hành lãi suất, giá cả, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn ưu đãi tín dụng.
Đồng thời, rà soát sửa đổi bổ sung tháo gỡ khó khăn về đầu tư công, sửa đổi Luật đất đai, Luật đấu thầu, Luật giá, gắn với cải cách hành chính, thực hiện nâng lương cho cán bộ công chức, cải cách tiền lương nhằm bớt các hệ lụy rời bỏ khu vực công…
Đại biểu Bế Minh Đức (Cao Bằng) chỉ rõ hàng loạt khó khăn trong giải ngân vốn đầu tư công, khi 2022 là năm thứ hai triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn, cùng với triển khai chương trình phục hồi kinh tế - xã hội, nhưng tiến độ mới đạt 46,7%, thấp hơn so với cùng kỳ.
Theo ông Đức, các chương trình mục tiêu quốc gia cũng đạt mức giải ngân thấp, mà nguyên nhân do pháp luật chưa đồng bộ, khả thi, ý thức tôn trọng kỷ cương còn kém, thái độ thực thi công vụ công chức còn hạn chế, yếu kém.
Từ thực tiễn địa phương, đại biểu cho rằng thể chế chính sách còn bất cập, ảnh hưởng tiến độ thực hiện dự án. Cụ thể, từ khi hình thành dự án đến thi công trải qua nhiều thủ tục. Công tác giải phóng mặt bằng phải trải qua 12 bước, dự án nhóm A nếu thực hiện đúng trình tự, thủ tục mất thời gian gần 2 năm; dự án nhóm B, nhóm C mất 9-10 tháng, không kể vướng mắc gì.
Đại biểu Cao Bằng cho rằng, thủ tục trình tự triển khai ở hiện nay nằm nhiều văn bản pháp luật có liên quan như: Luật đất đai, Luật bảo vệ môi trường, Luật đấu thầu, Luật đầu tư công, Mỗi giai đoạn phải tuân thủ nghiêm ngặt trình tự thủ tục nên triển khai chậm. Dự án liên quan điều chỉnh quy hoạch, các loại rừng mất thêm bốn tháng. Nhiều quy định chồng chéo, bất cập cũng mất thêm nhiều thời gian.
Vì vậy, đại biểu Đức đề nghị các bộ ngành và địa phương có thông tư hướng dẫn cụ thể việc triển khai thực hiện; xây dựng và hoàn thiện văn bản pháp luật theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định chặt chẽ và thực thi nghiêm túc, thực hiện nghiêm mục tiêu phát triển.